/ Đời sống - Xã hội
/ Chủ động ứng phó với diễn biến mưa bão, lũ quét, sạt lở đất

Chủ động ứng phó với diễn biến mưa bão, lũ quét, sạt lở đất

26/08/2022 03:53 |2 năm trước

(LSVN) - Văn phòng Bộ Công an vừa có Công điện số 12/CĐ-V01 gửi Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Truyền thông Công an nhân dân; Ban Chỉ huy Công an các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa về việc chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Trang chủ

Ảnh minh họa. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm, riêng Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Để chủ động ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ Công an (Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPT/BCA) đề nghị Ban Chỉ huy ƯPT Công an các đơn vị, địa phương: 

1. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó thiên tai.

2. Theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận phòng, chống thiên tai. Đảm bảo an ninh, trật tự tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai. Sẵn sàng phương án huy động lực lượng Công an địa phương, Công an xã chính quy và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn giúp nhân dân ứng phó bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

3. Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

4. Chủ động các phương án phòng, chống thiên tai trong cơ quan, đơn vị Công an; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ của lực lượng Công an nhân dân.

5. Riêng đối với tỉnh Quảng Ninh, ngoài những nội dung trên, cần quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tiếp tục rà soát và thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt là các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; đảm bảo an toàn cho các công trình, cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo.

6. Kịp thời thông tin về tình hình và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Văn phòng Bộ (SĐT: 069.2341042, 0913.555.323; Fax: 069.2341044).

PV

Nhiều thí sinh sai thông tin, Bộ GD&ĐT mở lại hệ thống đăng ký xét tuyển đại học

Nguyễn Mỹ Linh