/ Luật sư trực ban
/ Có được đưa thông tin, hình ảnh người nghi ngờ là lừa đảo lên mạng xã hội?

Có được đưa thông tin, hình ảnh người nghi ngờ là lừa đảo lên mạng xã hội?

25/04/2023 06:24 |

(LSVN) - Tôi có được phép đăng tải các thông tin, hình ảnh của đối tượng nghi ngờ là lừa đảo lên mạng xã hội nhằm cảnh giác mọi người không? Bạn đọc N.M.K. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc đăng tải hình ảnh người nghi ngờ là kẻ xấu lừa đảo lên mạng xã hội khá phổ biến, nhất là thời điểm hiện nay, khi mạng xã hội đang ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ trước khi đăng ảnh sẽ rất dễ phạm luật.

Căn cứ Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trong đó, trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân để đăng lên mạng kèm theo đó là nội dung bịa đặt, sai sự thật, vu khống… là một trong các hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, tại điều luật này cũng quy định 02 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý của người đó:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp có nghi ngờ ai đó có hành vi lừa đảo và chứng minh được hành vi lừa đảo đó, người dân có thể đăng hình ảnh người này lên mạng để cảnh giác với bạn bè, người thân hoặc để tìm ra đối tượng lừa đảo.

Bởi, việc đăng ảnh đối tượng lừa đảo trong trường hợp này được coi là sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích cộng đồng. Cần lưu ý rằng, ảnh và nội dung kèm theo cần phải đúng sự thật, không thêm bớt thông tin hay có yếu tố bịa đặt.

Ngoài ra, người dân cũng có thể đăng lại những hình ảnh đã được đưa tin bởi các trang thông tin chính thống như: Thông tin Chính phủ, trang của các cơ quan Công an…

Cũng theo Luật sư, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân không thuộc trường hợp không cần xin phép hoặc khi chưa được người đó cho phép thì được xác định là sử dụng trái phép hình ảnh của người khác.

Do đó, trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác đăng lên mạng mà không chứng minh được hành vi lừa đảo của người này thì được coi là hành vi đăng ảnh lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác… Khi đó, ngươi đăng ảnh có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Cụ thể:

Đối với xử phạt hành chính

- Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng: Nếu tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân (trong đó có sử dụng hình ảnh của người khác mà không được cho phép) nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP);

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng: Nếu sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh (điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Đối với chịu trách nhiệm hình sự

Tuỳ vào mục đích của việc sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng, trong đó thông thường được xác định là tội "Làm nhục người khác" tại Điều 155, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.

QUÝ VŨ

Vi phạm giao thông bị coi là có tiền sự?

 

 

Nguyễn Hoàng Lâm