/ Đời sống - Xã hội
/ Đắk Lắk: Nỗ lực thực hiện giảm nghèo, thoát nghèo bền vững

Đắk Lắk: Nỗ lực thực hiện giảm nghèo, thoát nghèo bền vững

28/11/2022 03:22 |

(LSVN) – Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, ngày 29/8/2022 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch 169/KH về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Mô hình nuôi trồng nấm tại huyện Ea Súp góp phần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho người nghèo.

Với nhiệm vụ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác; là điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong những năm tới. Xác định cụ thể các nội dung công việc, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, địa phương và sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình.

Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực các cơ quan, đơn vị, địa phương; sự tham gia của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình. Công tác giảm nghèo phải xác định đúng địa chỉ, nguyên nhân, nguyện vọng, thực chất, không chạy theo thành tích. Giảm dần đầu tư trực tiếp, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết, theo chuỗi giá trị, các dự án giảm nghèo hiệu quả; trọng tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và biên giới; hỗ trợ cải thiện, nâng cao mức sống cho hộ nghèo không có khả năng lao động để đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, có chính sách khuyến khích, động viên hộ nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phải được các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp từng địa bàn; tăng cường xã hội hóa công tác giảm nghèo; huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021 – 2025.

Người đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Cư M’gar dược hỗ trợ vốn vay ưu đãi để duy trì nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống.

Với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều chung toàn tỉnh giảm bình quân từ 1,5 - 2,0%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3,0 - 4,0%/năm; Phấn đấu 50% huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm bình quân từ 4,0 - 5,0%/năm. 

Chỉ tiêu đối với huyện phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (huyện M’Drắk). Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều) giảm bình quân từ 6,0 - 7,0%/năm; Quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm so với đầu kỳ - theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 60%. Đến năm 2025, thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo thuộc phạm vi Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/022 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Tầm nhìn đến năm 2025, các kết quả và chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều; 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi; trong đó, ưu tiên các công trình giao thông, hạ tầng điện, thủy lợi,

Phấn đấu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 100 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sông trên địa bàn huyện nghèo; 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách.

Đối tượng áp dụng gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn thuộc các huyện nghèo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

HƯƠNG TRẦN