Trên trang https://Kaitashi.com/ quảng cáo “Kaitashi Group được biết đến là thương hiệu số 1 Nhật Bản trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu ghế mát xa”.
Dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, “thổi phồng” về chất lượng sản phẩm?
Hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho mỗi bản thân, gia đình được người tiêu dùng rất quan tâm, chú trọng, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát phức tạp. Do vậy, rất nhiều sản phẩm hỗ trợ nhằm bảo vệ nâng cao sức khỏe người tiêu dùng đã ra đời, trong đó không thể không kể đến sản phẩm ghế massage. Những sản phẩm này ngày càng đa dạng về mẫu mã và chủng loại để đáp ứng nhu cầu thị hiếu cho khách hàng. Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm ghế massage “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nhập từ Trung Quốc nhưng quảng cáo nhập khẩu thương hiệu số 1 Nhật Bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm ghế massage KaiTaShi do Công ty TNHH KaiTaShi Group bán, phân phối đã có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo, không dán tem nhãn phụ, không thực hiện niêm yết giá tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định?
Tại Hà Nội, Công ty này có một số cơ sở kinh doanh tại 92 Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ; 532 Quang Trung, quận Hà Đông; 168 Ngô Gia Tự, quận Long Biên; 132 Chùa Thông, thị xã Sơn Tây.
Trên trang https://Kaitashi.com/, Công ty TNHH KaiTaShi Group giới thiệu sản phẩm ghế massage với những ngôn từ “thổi phồng” như: “Vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng ghế massage nhập khẩu ngày một phổ biến. Nếu bạn đang có nhu cầu mua và sử dụng thiết bị chăm sóc sức khoẻ tuyệt vời này nhưng chưa biết nên mua sản phẩm của hãng này thì hãy cùng Kaitashi khám phá top 5 thương hiệu ghế massage được ưa chuộng nhất tại Việt Nam hiện nay. Mở đầu cho bảng xếp hạng là Kaitashi Group. Sau hơn một thập kỷ phát triển, Kaitashi Group được biết đến là thương hiệu số 1 Nhật Bản trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu ghế mát xa, các thiết bị chăm sóc sức khỏe và thể thao. Phát triển mạng lưới bán hàng trải dài trên khắp 63 tỉnh thành, Kaitashi Group mang trong mình sứ mệnh “đồng hành cùng sức khỏe người Việt”.
Ngay cả khi tìm kiếm trên ứng dụng google sẽ ra kết quả: “Ghế massage toàn thân Kaitashi công nghệ số 1 Việt Nam”.
Hay khách hàng vào trang https://Kaitashi.com/ hoặc tìm kiếm trên google tìm: “Ghế massage KaiTashi số 1 Việt Nam” sẽ hiện ngay ra kết quả: “Ghế massage toàn thân Kaitashi công nghệ số 1 Việt Nam”.
Với việc quảng cáo những từ ngữ “thương hiệu số 1 Nhật Bản”, “công nghệ số 1 Việt Nam” như trên, có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 4, khoản 5 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng. Cá nhân, tổ chức vi phạm buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Bên cạnh đó, việc sản phẩm không có tài liệu hợp pháp chứng minh về chất lượng “số một” mà tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình quảng cáo gian dối để lừa gạt người tiêu dùng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Việc quảng cáo này cũng khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy khó hiểu, hoài nghi về nguồn gốc cũng như chất lượng thực sự của những sản phẩm thuộc thương hiệu ghế massage KaiTaShi?
Không niêm yết giá và dán tem nhãn phụ trên sản phẩm
Có mặt tại cơ sở ghế massage tại địa chỉ 168 Ngô Gia Tự, quận Long Biên, PV được nhân viên tư vấn, mời chào mua ghế massage. Theo lời tư vấn của nhân viên bán hàng, tại cửa hàng có rất nhiều mã sản phẩm như KaiTaShi KS-135, KS-195, KS-950, KS-185, KS-990,… với giá thấp nhất từ hơn 20 triệu đến giá cao nhất là hơn 130 triệu.
Hầu hết ghế massage Kaitashi đều không niêm yết giá tại sản phẩm.
Cũng theo nhân viên bán hàng tư vấn, “tất cả sản phẩm ghế massage của công ty đều nhập khẩu nguyên chiếc tại Trung Quốc, công nghệ dây chuyền của Nhật Bản và có đầy đủ giấy tờ để chứng minh khi khách hàng có yêu cầu. Các sản phẩm đều có bảo hành đầy đủ”.
Những sản phẩm ghế massage KaiTaShi tại cửa hàng trên hầu hết không niêm yết về giá, PV có thắc mắc điều này thì được nhân viên tư vấn cho biết: “Nếu khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm, nhân viên sẽ thông báo về giá chứ không niêm yết giá bởi vì tùy từng thời điểm khác nhau công ty sẽ có những khuyến mại khác nhau nên tất cả các ghế massage không niêm yết giá”.
Việc không niêm yết giá có dấu hiệu vi phạm tại khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ) quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm.
Cũng tại cửa hàng trên, PV có ý định mua chiếc ghế massage cao cấp thì được nhân viên tư vấn chiếc Kaitashi KS – 950 với giá 139 triệu đồng, với chiếc ghế này là một trong những ghế đắt nhất có đầy đủ tính năng thích hợp cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo ghi nhận PV, chiếc ghế massage này không dán nhãn hiệu phụ, không ghi nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mà chỉ ghi các thông số bằng tiếng Anh như: Model/KS-950, Voltage/220V–240V; Power/240W; Weight: 134 kg, frequency: 50Hz/60Hz, Examiner: 01.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP thì hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam sẽ bị xử phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng với một trong các hành vi như sau: Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
Doanh nghiệp thừa nhận có sai sót
Để có thông tin chính xác, khách quan, ngày 13/12, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Văn – Phụ trách pháp lý và bà Phạm Thị Hằng – Chánh Văn phòng Công ty TNHH Công ty TNHH KaiTaShi Group.
Tại buổi làm việc, ông Văn khẳng định thương hiệu ghế massage KaiTaShi được nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc không thông qua đơn vị trung gian nào với tên trang https://Kaitashi.com/.
Ghế massage Kaitashi KS – 950 không dán tem nhãn phụ trên sản phẩm.
Liên quan đến một số vấn đề PV nêu trên, ông Văn thừa nhận trong quá đăng thông tin quảng cáo trên trang, các bạn trình duyệt có phần sai sót quảng cáo cũng hơi quá một tí có dùng từ số 1 để thu hút khách hàng vì hầu hết trên các trang thông tin của hãng khác cũng quảng cáo như vậy. Sau khi có nội dung phản ánh, chúng tôi cũng đã sửa lại, hiện không còn trên trang. Tuy nhiên, theo ghi nhận PV, hiện trên trang Kaitashi.com vẫn còn nội dung “Kaitashi Group được biết đến là thương hiệu số 1 Nhật Bản trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu ghế mát xa, các thiết bị chăm sóc sức khỏe và thể thao”.
Tại buổi làm việc, ông Văn cho biết phía công ty nhập khẩu ghế massage có tem mác đầy đủ, khi PV đưa ra dẫn chứng Kaitashi KS – 950 mập mờ thông tin nguồn gốc xuất xứ, không dán nhãn tem phụ sản phẩm thì ông Văn cho rằng: “Trường hợp đó không phải là phổ biến vì lý do trong thời gian qua dịch Covid-19 làm ảnh hưởng vấn đề đó. PV đưa ra vấn đề này chúng tôi tiếp thu và sẽ kiểm tra rà soát các đại lý không dán tem nhãn phụ trên sản phẩm”.
Với tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, việc chăm sóc sức khỏe là rất cần thiết. Tuy nhiên, với số tiền bỏ ra từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu để mua sản phẩm ghế massage, liệu rằng người dân có tin tưởng mua ghế massge thương hiệu KaiTaShi này không khi thông tin sản phẩm còn mập mờ, không dán tem nhãn phụ, không niêm yết giá nhưng lại quảng cáo có dấu hiệu “thổi phồng” công dụng của sản phẩm?
Trước những vấn đề nêu trên, đề nghị Cục Quản lý thị trường, Công an kinh tế và các lực lượng chức năng có liên quan vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có) để khách hàng tin tưởng, lựa chọn những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và loại bỏ những sản phẩm có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái kém chất lượng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
THẾ NGUYỄN