Ảnh minh họa.
Sáng ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Đại biểu tỉnh Thái Bình) phản ánh, thời gian gần đây, tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học.
Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy, học thêm đã quy định các trường hợp cụ thể không được dạy thêm, song tình trạng này vẫn biến tướng. Hệ quả là nhiều gia đình quay cuồng chạy theo lịch học thêm của con, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, mặt khác cũng ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà giáo chân chính...
Đại biểu thẳng thắn nhìn nhận, dạy thêm là công việc chính đáng của giáo viên, nhất là thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay còn khó khăn. Ông phân tích thêm, cán cân cung – cầu trong giáo dục là cơ hội cho giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập cho cuộc sống cá nhân. Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực, sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… các lớp học thêm là địa chỉ tin cậy để người học tìm đến. Do đó, việc dạy thêm - học thêm nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án.
Từ thực tiễn đó, Đại biểu Nguyễn Văn Huy nêu rõ, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Do đó, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực và hài hòa lợi ích của học sinh, phụ huynh và giáo viên.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu trình để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện...
PV