(LSVN) – Vừa qua, Bộ Tư pháp đã trình hồ sơ thẩm định đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi). Hồ sơ này sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ nhất năm 2025 và thông qua vào Kỳ họp thứ hai năm 2025.
Ảnh minh họa.
Trong đó đáng chú ý, Điều 30 Đề cương Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) quy định rõ đương sự có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp sau đây:
- Thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Thi hành án dân sự;
- Chấp hành viên đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng trong cùng vụ án đó;
- Chấp hành viên chậm trễ giải quyết việc thi hành án;
- Có căn cứ khác cho rằng Chấp hành viên không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên phải được lập thành văn bản và gửi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi Chấp hành viên.
Trường hợp Chấp hành viên đang thi hành vụ việc là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì đương sự gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thay đổi Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan quản lý thi hành án dân sự cấp trên phải xem xét, quyết định thay đổi Chấp hành viên; trường hợp không có căn cứ thay đổi Chấp hành viên thì trả lời bằng văn bản cho người đã có yêu cầu thay đổi Chấp hành viên và nêu rõ lý do.
Hiện nay, chưa quy định cụ thể các trường hợp thay đổi Chấp hành viên thi hành án dân sự mà chỉ đề cập trong quyền của người được thi hành án và người phải thi hành án tại điểm g khoản 1 Điều 7 và điểm e Điều 7a Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014. Theo đó, có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ.
HÀ ANH