Ảnh minh họa.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, qua kết quả sơ kết 03 năm triển khai thi hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, bên cạnh các kết quả đạt được, Nghị định số 162 cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Cụ thể, một số quy định tại Luật chưa có biện pháp chi tiết dẫn tới quá trình thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa có hiệu quả trên thực tiễn, gây lúng túng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi áp dụng, như điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, đình chỉ toàn bộ hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở đào tạo tôn giáo (đây là một trong những trường hợp dẫn đến giải thể các tổ chức được quy định tại Điều 31 và Điều 42 của Luật), phục hồi hoạt động tôn giáo cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo.
Bên cạnh đó, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, một số hình thức hoạt động tôn giáo mới xuất hiện, như sinh hoạt tôn giáo, tổ chức các hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến đã phát sinh nhưng chưa có quy định điều chỉnh và biện pháp để quản lý cho phù hợp.
Với những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định của Nghị định số 162 và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế cho Nghị định này là thật sự cần thiết.
Theo đó, hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến, đây là nội dung mới trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo Nghị định bổ sung nội dung này nhằm tạo thuận lợi, căn cứ pháp lý cho các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của công dân Việt Nam, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thực hiện được trong mọi hoàn cảnh (kể cả dịch bệnh) khi thực hiện các hoạt động theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Việc quy định này mặt khác còn giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có căn cứ thực hiện trách nhiệm khi được Nhà nước trao quyền nhằm đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. Dự thảo quy định đối với trường hợp hoạt động tôn giáo đã được thông báo hoặc chấp thuận khi thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc kết hợp hình thức trực tiếp với trực tuyến thì thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trường hợp hoạt động tôn giáo chưa được thông báo hoặc chưa được chấp thuận khi thực hiện trực tuyến hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến thì phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại các điều tương ứng của Luật và Nghị định thay thế.
Dự thảo cũng nêu rõ, trách nhiệm khi thực hiện hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến hay kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến thì đều phải tuân thủ Hiến pháp, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung 03 điều liên quan đến sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, gồm Điều 7, Điều 8 và Điều 9, cụ thể:
Điều 7 về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
Điều 8 về trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện của nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
Điều 9 về trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Vấn đề đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam đã được quy định tại Điều 47 của Luật. Thực tế việc chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng đã được UBND cấp tỉnh thực hiện cơ bản đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người nước ngoài trong những năm qua.
Tuy nhiên, Luật và Nghị định số 162 chưa có quy định về điều kiện để được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trình tự, thủ tục thay đổi người đại diện, trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (điều này dẫn đến không có căn cứ pháp lý để UBND các tỉnh, thành thực hiện khi người nước ngoài có nhu cầu).
Do vậy, dự thảo Nghị định thay thế đã bổ sung Điều 7, Điều 8, Điều 9 về các nội dung nêu trên để các địa phương thuận lợi hơn trong quá trình thực thi Luật và thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quy định này là biện pháp để đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho cả phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài.
TRẦN QUẾ
Sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng lãng phí đất