Ảnh minh họa.
Theo Bộ Y tế, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập tại các địa bàn có diễn biến dịch phức tạp như Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…
Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giảm, trong khi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa kết cấu đủ chi phí theo lộ trình (mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương), dẫn tới nguồn thu sự nghiệp của nhiều đơn vị bị giảm sút. Bên cạnh đó, các bệnh viện phải thực hiện giãn cách trong bệnh viện, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu; các bệnh viện phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 như mua trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn, kit test, sinh phẩm xét nghiệm...
Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, mặc dù các đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để ưu tiên nguồn kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo tiền lương cho cán bộ, viên chức, bảo đảm một số nội dung chi thường xuyên thiết yếu của đơn vị... nhưng do nguồn thu bị giảm sút, nên nhiều đơn vị không đủ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên, đặc biệt là các đơn vị tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Có đơn vị không có nguồn để chi lương, chi thu nhập tăng thêm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, viên chức và người lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch... xuất phát từ các lý do nêu trên, việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 là cần thiết.
Theo dự thảo, mức hỗ trợ chi thường xuyên là số bổ sung dự toán bằng số dự kiến chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021 của cơ sở y tế công lập sau khi trừ đi các điểm sau đây:
Dự toán chi thường xuyên năm 2021 đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ (nếu có).
Trường hợp đơn vị được ngân sách Nhà nước thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, hoặc theo nguyên tắc thực thanh, thực chi theo quy định từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương cho cán bộ tăng cường chống dịch (kinh phí không giao tự chủ) thì đơn vị phải tổng hợp số được ngân sách Nhà nước thanh toán vào số thu và số chi của đơn vị để xác định chênh lệch thu-chi thường xuyên trong năm.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 được thực hiện trong năm 2021.
HÀ ANH
Định ước tài sản trước hôn nhân theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014