(LSVN) – Mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, có không ít đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi, nhanh chóng của mạng xã hội để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật với mục đích câu like, câu view. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan.
Luật sư Trần Xuân Tiền.
Ngày 11/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết những ngày gần đây, một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Các cục nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý theo quy định. Ngoài ra, Bộ Công an đề nghị mọi người không tin, nghe theo, không lan truyền các thông tin thất thiệt mà hãy tiếp nhận thông tin chính thống từ cơ quan chức năng.
Trao đổi về vụ việc trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, mạng xã hội là phương tiện kết nối, chia sẻ thông tin nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, có không ít đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi, nhanh chóng của mạng xã hội để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật với mục đích câu like câu view. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức liên quan. Trong vụ việc trên, việc tung tin đồn sai sự thật đối với một tỉ phú đứng đầu một doanh nghiệp lớn đã gây ra những ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, kéo theo nhiều hệ lụy không thể lường trước đến nền kinh tế. Do đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác minh, xử lý cá nhân vi phạm và nếu phát hiện có hành vi bao che, hay cố tình làm rò rỉ thông tin thì cũng cần phải xử lý thật nghiêm.
Căn cứ vào mức độ, tính chất và hậu quả của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời phải bồi thường tương xứng với mức độ thiệt hại mà hành vi vi phạm gây ra cho cá nhân, tổ chức.
Cụ thể, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP). Với hành vi vi phạm nêu trên, tổ chức sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng; còn cá nhân là từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Đồng thời, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật do hành vi vi phạm.
Nếu hành vi vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, đối với hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để cung cấp, chia sẻ những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh sự hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội là phạt tù từ 1 - 3 năm.
Ngoài ra, nếu hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ 50 triệu hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu trở lên, hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Bên cạnh đó, trong trường hợp việc đưa thông tin sai sự thật về lãnh đạo doanh nghiệp, xâm phạm đến danh dự, uy tín, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, giảm sút, các thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, vấn nạn đăng tải các thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội là rất nguy hại. Không những ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức mà còn gây thiệt hại đến hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Dẫu biết rằng việc đăng tải các thông tin trên không gian mạng là quyền tự do của mỗi người, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, mỗi người phải có trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đúng, không xuyên tạc, trái quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác.
PV
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được Quốc hội thông qua