Ảnh minh họa.
Trong các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay, chỉ có thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, các thành viên hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản. Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp 1999, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đều không có tư cách pháp nhân, tuy nhiên đến Luật Doanh nghiệp 2005 thì các nhà lập pháp thừa nhận công ty hợp doanh có tư cách pháp nhân, riêng doanh nghiệp tư nhân thì không có gì thay đổi. Cơ sở để các nhà làm luật công nhận công ty hợp danh có tư cách pháp nhân cũng hết sức đơn giản, chỉ cần tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty [1] để “loại hình công ty này bảo đảm điều kiện có tài sản độc lập”.
Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề, phải chăng nhà làm luật đã “đặc cách” cho công ty hợp danh như một trường hợp ngoại lệ? Nếu pháp luật quy định chủ doanh nghiệp tư nhân chuyển quyền sở hữu vốn đầu tư của mình thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân thì hiển nhiên tài sản của doanh nghiệp tư nhân sẽ bảo đảm “tính độc lập” tương tự như công ty hợp danh, nhưng tại sao nhà làm luật lại không làm như vậy? Trên thực tế, khi công ty hợp danh hoạt động bình thường, có khả năng tự chịu mọi trách nhiệm bằng tài sản của công ty thì nghĩa vụ của công ty hoàn toàn không liên quan gì đến tài sản của các thành viên hợp danh. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty hợp danh không đủ để chịu trách nhiệm thì tài sản riêng của các thành viên hợp danh mới được tính đến.
Vậy tại sao nhà làm luật lại không áp dụng cho cả doanh nghiệp tư nhân? Xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, nhà làm luật hoàn toàn có thể tạo cơ hội và “đặc cách” để doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân tương tự như công ty hợp danh. Giả sử chúng ta thừa nhận doanh nghiệp tư nhân có tư cách pháp nhân thì trên thực tế hoạt động của loại hình doanh nghiệp này có ảnh hưởng gì đến các chủ thể khác không? Trong khi đó trên thực tế, loại hình doanh nghiệp tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn do bản thân “không có tư cách pháp nhân”.
Pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự
Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy phạm định nghĩa pháp nhân mà chỉ quy định các điều kiện để một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân. Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, một tổ chức được thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đầy đủ 04 điều kiện: Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Khác với Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể của quan hệ dân sự gồm hai chủ thể cơ bản là cá nhân và pháp nhân. Việc xác định một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không có vai trò quan trọng trong việc xác định địa vị pháp lý của tổ chức đó. Địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật thể hiện thành một tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể trong các hoạt động của mình. Thông qua địa vị pháp lý có thể phân biệt chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời, cũng có thể xem xét vị trí và tầm quan trọng của chủ thể pháp luật trong các mối quan hệ pháp luật. Trên thực tế, quy định doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân so với các loại hình doanh nghiệp khác đã làm phát sinh nhiều ý kiến trái chiều về mặt lý luận và thực tiễn trong việc bảo đảm tính công bằng, bình đẳng về mặt pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân trong quá trình hoạt động, kinh doanh.
Trước đây, theo Luật Doanh nghiệp 1999, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh đều không có tư cách pháp nhân. Đa phần các ý kiến cho rằng hai loại hình doanh nghiệp này không có “tài sản độc lập”, tức không có sự tách bạch rõ ràng giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của chủ doanh nghiệp hoặc các thành viên hợp danh, chính vì vậy chủ doanh nghiệp và các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Nói cách khác, “tài sản độc lập” đồng nghĩa với “trách nhiệm hữu hạn” và “tài sản không độc lập” đồng nghĩa với “trách nhiệm vô hạn”. Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời, thừa nhận công ty hợp danh có tư cách pháp nhân, do vậy nhóm quan điểm trên cho rằng quy định này không phù hợp với Bộ luật Dân sự bởi vì, “thành viên chịu trách nhiệm vô hạn, nên tài sản của công ty không độc lập với tài sản của thành viên”.
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng: “khó có thể chứng minh được việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự. Và giả thiết như điều đó được chứng minh thì cũng không có ảnh hưởng gì về lý luận pháp lý khi chúng ta thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh. Bộ luật Dân sự là luật chung còn Luật Doanh nghiệp là luật chuyên ngành. Vì vậy, có thể coi việc thừa nhận tư cách pháp nhân của công ty hợp danh là một ngoại lệ của Bộ luật Dân sự” [2] hoặc “Luật Doanh nghiệp có thể quy định công ty hợp danh là pháp nhân vì mục đích riêng của luật. Các nhà làm luật có thể ban cho loại công ty này tư cách pháp nhân, mặc dù nó có chế độ trách nhiệm tài sản vô hạn, và như vậy làm tổn hại đến chế định pháp nhân của pháp luật dân sự.
Tuy nhiên, các nhà làm luật có thể lập luận điều đó vì một lợi ích lớn hơn” [3]. Một số quan điểm xem “tài sản độc lập” của pháp nhân không gắn với trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn của thành viên. Một tổ chức có tài sản độc lập có nghĩa là tài sản của nó được hình thành theo quy định tương ứng của pháp luật và đương nhiên thuộc về sở hữu của tổ chức đó; tất cả tài sản của tổ chức đều mang danh của tổ chức đó. Có lẽ các quan điểm, lập luận lý giải tại sao doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vẫn tiếp tục được tranh luận và khó đi đến kết thúc. Tuy nhiên, mục tiêu của tác giả muốn phản ánh những khó khăn, trở ngại thực tế mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải khi thiếu tư cách pháp nhân, đồng thời làm thế nào để các loại hình doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp thực sự có một địa vị pháp lý hoàn toàn bình đẳng với nhau.
Những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân khi không có tư cách pháp nhân
Trong hoạt động kinh doanh
Bộ luật Dân sự 1995 và 2005 đều thừa nhận 3 loại chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác (hộ gia đình, tổ hợp tác…), trong khi đó Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân [4], để phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Sau khi Thông tư 39/2016/TT-NHNN ra đời, không ít doanh nghiệp tư nhân rơi vào tình trạng khủng hoảng, các tổ chức ngân hàng đồng loạt không cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn do không có tư cách pháp nhân. Một số ngân hàng còn yêu cầu các doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng chuyển sang loại hình doanh nghiệp khác, nếu không thực hiện, tài khoản của doanh nghiệp sẽ bị xóa sổ.
Trước thực trạng nêu trên, nhiều doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng chuyển đổi sang các loại hình doanh nghiệp khác (chủ yếu là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), một số doanh nghiệp tư nhân không muốn chuyển đổi thì xoay chuyển sang hình thức lập văn bản xác nhận tài sản của doanh nghiệp tư nhân là tài sản riêng của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này các ngân hàng đều từ chối không cho các doanh nghiệp tư nhân vay vốn. Các ngân hàng cho rằng chủ thể vay vốn chỉ có thể là pháp nhân hoặc cá nhân, trong khi đó theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên không thể nhân danh doanh nghiệp để ký hợp đồng vay vốn mà chỉ có thể vay vốn với tư cách cá nhân. Thực tế doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ, tuy nhiên chúng ta không thể đồng hóa tư cách của chủ doanh nghiệp, đại diện theo pháp luật cho một tổ chức kinh tế với tư cách cá nhân của chủ doanh nghiệp trong các mối quan hệ dân sự khác.
Quan hệ vay vốn để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không thể đồng nhất với quan hệ của chủ doanh nghiệp vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng riêng cho cá nhân chủ doanh nghiệp. Mặt khác, nếu chúng ta không có sự phân biệt rạch ròi đâu là các quan hệ của chủ doanh nghiệp tư nhân phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp với các quan hệ dân sự khác của chủ doanh nghiệp thì làm sao phân biệt các chi phí đầu vào hợp lý của doanh nghiệp để hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh, chưa kể đến nhiều ngành luật buộc phải sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với nhau. Tuy nhiên, phải trải qua hơn nửa năm, Ngân hàng Nhà nước mới có chỉ đạo để doanh nghiệp tư nhân được tiếp tục vay vốn trở lại. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phải trải qua những ngày tháng gian nan, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế và uy tín của doanh nghiệp.
Trong quá trình xét xử của tòa án nhân dân
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách là người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước trọng tài, tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong các vụ án phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp sẽ là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân. Trong thực tế xét xử, khi chủ doanh nghiệp tư nhân là người cao tuổi, việc áp dụng quy định miễn, giảm án phí theo Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì các tòa án có quan điểm khác nhau:
Thứ nhất, nếu chủ doanh nghiệp thuộc trường hợp người cao tuổi thì được miễn án phí. Cụ thể, trong vụ án phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Bến tre về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra” nhận định: “Tại thời điểm xét xử sơ thẩm thì bà Văn Thị Công D. 61 tuổi (sinh năm 1956) thuộc diện người cao tuổi nên được miễn án phí theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2026 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng để miễn phí mà buộc bà D. phải chịu án phí dân sự sơ thẩm… là không phù hợp” (bà Văn Thị Công D. là nguyên đơn, chủ doanh nghiệp tư nhân LD) [5]. Tương tự, tại Bản án số 01/2021/KDTMST ngày 26/02/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu về tranh chấp hợp đồng phân phối hàng hóa đã tuyên miễn toàn bộ án phí cho ông Trần Quan B., chủ doanh nghiệp tư nhân T. vì ông Trần Quan B. là người cao tuổi.
Thứ hai, quan điểm này cho rằng không thể miễn án phí cho chủ doanh nghiệp tư nhân vì đây là vụ án phát sinh từ hoạt động kinh doanh của một loại hình doanh nghiệp, là tổ chức kinh tế có đăng ký kinh doanh. Cụ thể, khi giải quyết phúc thẩm về tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận định: “Vì bị đơn trong vụ án là ông Lê Văn K., chủ doanh nghiệp tư nhân VHX I, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các Điều 12, 14 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định miễn nộp án phí sơ thẩm cho ông K do thuộc trường hợp người cao tuổi cũng là sai lầm, gây thất thoát ngân sách Nhà nước” [6].
Trong quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 của các cơ quan tố tụng
Bộ luật Hình sự 2015 lần đầu tiên ghi nhận chủ thể của tội phạm không chỉ là thể nhân (cá nhân) mà còn bao gồm cả pháp nhân thương mại. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự 2015 không xây dựng khái niệm pháp nhân thương mại, do đó pháp nhân thương mại được căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Điều 75 Bộ luật Dân sự quy định pháp nhân thương mại như sau: (i) Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên; (ii) Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”.
Như vậy, một tổ chức được công nhận là pháp nhân thương mại trước tiên phải hội đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, sau đó mới xác định là pháp nhân thương mại hay phi thương mại. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân là một pháp nhân thương mại vì “pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác”. Trên thực tế, khi áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 sẽ phát sinh hai tình huống trái chiều:
Thứ nhất, công nhận doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân thương mại. Khi công nhận doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân thương mại thì doanh nghiệp tư nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm được quy định tại một trong các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật Hình sự 2015.
Thứ hai, không công nhận doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân thương mại. Nếu không công nhận doanh nghiệp tư nhân là pháp nhân thương mại thì trên thực tế không có căn cứ để xử lý hình sự trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân có dấu hiệu vi phạm các tội danh được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015.
Kiến nghị
Trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức tương đối đơn giản, tinh gọn, do một cá nhân lãnh đạo nên có tính quyết đoán nhanh, phán ứng kịp thời với những biến động của nền kinh tế thị trường. Trải qua một thời gian dài, doanh nghiệp tư nhân vẫn khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để bảo đảm cho quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thật sự bình đẳng với nhau, trước tiên các chủ thể phải có địa vị pháp lý ngang bằng nhau. Mặt khác, thực tế đã chứng minh nhiều bất cập liên quan đến loại hình doanh nghiệp tư nhân do thiếu tư cách pháp nhân. Chính vì vậy, tác giả kiến nghị các nhà làm luật nên tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn để doanh nghiệp tư nhân có địa vị pháp lý, ngang bằng với các loại hình doanh nghiệp khác.
============================ [1] Khoản 1 Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2005. [2] Đỗ Văn Đại, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, số 6/2005, tr. 52-56. [3] TS Phạm Huy Hồng - TS Lê Nết - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. [4] Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước. [5] Bản án số 132/2018/DS-PT ngày 06/4/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre về “yêu cầu bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra”. [6] Bản án số 14/2021/KDTM-PT ngày 09/3/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. |
Danh mục tài liệu tham khảo 1. Hoàng Yến (2013), Địa vị pháp lý của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Luận văn thạc sĩ Luật 2013. 2. Nguyễn Hoàng Long (2020), “Các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong quan hệ pháp luật dân sự”, Tạp chí Tòa án (04/6/2020). 3. Huy Hồng, Lê Nết (2008), Trách nhiệm tài sản của pháp nhân hữu hạn hay vô hạn, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Posted on 12 tháng 2, 2008 by Civillawinfor. 4. Phạm Hồng Đào (2017), Pháp nhân thương mại trong pháp luật Việt Nam, Văn phòng Luật sư Thạnh Hưng, moj.gov.vn (16/10/2017). 5. Phan Quang Huy, Địa vị pháp lý của doanh nghiệp tư nhân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, www.vkskh.gov.vn |
Luật sư ĐINH TRỌNG LIÊN
Khoa Luật - Đại học Nguyễn Tất Thành
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
Thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và tội 'Cướp giật tài sản'