/ Kinh tế - Pháp luật
/ Đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

06/06/2023 14:56 |

(LSVN) - Bộ Xây dựng vừa có Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Hội nghị triển khai Đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Ảnh minh hoạ. 

Thông báo nêu rõ, Chính phủ trình Quốc hội cho phép các chính sách về nhà ở xã hội có hiệu lực sớm sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (dự kiến từ ngày 01/01/2024). Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023 sửa đổi Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021; chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng  đã hướng dẫn các ngân hàng, địa phương triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng như: Xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi...

Tuy nhiên việc phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán, việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải trải qua nhiều bước nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư bị kéo dài. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, không thực chất, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư...

Đáng nói là gói tín dụng 120.000 tỉ đồng chưa được triển khai do các địa phương chưa công bố danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm...

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, để hoàn thiện, ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), pháp luật về thuế. Trong đó, tập trung sửa đổi các cơ chế, chính sách nhà ở xã hội về: Đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; trình tự thủ tục thực hiện dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước...

Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tích cực nghiên cứu, tối ưu hóa các thiết kế nhà ở xã hội, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ mới... nhằm giảm giá thành, rút ngắn thời gian thi công, công bố để các chủ đầu tư, doanh nghiệp tham khảo, áp dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, sửa chữa chung cư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội…

Nguyễn Mỹ Linh