Một vấn đề làm tôi tò mò là dựa vào cơ sở nào để Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp phân công đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách công tác đối ngoại?
Tôi vào ngành ngoại giao năm 1998, rất lâu sau khi Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh qua đời. Do vậy, rất khó để một người thuộc thế hệ hậu bối như tôi có thể đưa ra các nhận xét, đánh giá chính xác, khách quan về các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành trước đó. Qua tìm hiểu các tư liệu lịch sử, có thể khẳng định rằng Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh chính là kiến trúc sư trưởng của mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965–1975.
Tại sao lựa chọn đồng chí Nguyễn Duy Trinh?
Một vấn đề làm tôi tò mò là dựa vào cơ sở nào để Bác Hồ và Bộ Chính trị trực tiếp phân công đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách công tác đối ngoại? Theo nguyên Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, người có thời gian làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Duy Trinh, đồng chí Nguyễn Duy Trinh rất thích phụ trách về kinh tế, không muốn chuyển sang làm ngoại giao, song Bác Hồ và Bộ Chính trị đã phân công, nên đồng chí Nguyễn Duy Trinh không dám từ chối. Và chỉ sau vài năm điều hành công tác ngoại giao, mọi người đều xác nhận việc Đảng và Bác Hồ chọn đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao là sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt.
Đó là sự giải thích tương đối đơn giản của một nhân chứng lịch sử, một người đã từng làm việc trực tiếp với đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Tuy nhiên, tôi tin rằng còn có những lý do sâu xa hơn thế bởi Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn người đều phải có cơ sở. Hơn nữa, giao phó một mặt trận công tác rất quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ chống Mỹ khốc liệt như vậy và đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao lâu như vậy không thể không có những nguyên nhân sâu xa bên trong. Tôi cho rằng có bốn lý do sau đây, là cơ sở để Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định lựa chọn đồng chí Nguyễn Duy Trinh vào cương vị Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ.
Một là, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã chứng tỏ được phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, bản lĩnh chính trị rất vững vàng. Đồng chí đã từng trải qua thời kỳ lao tù, đấu tranh với thực dân, đế quốc. Hai là, đồng chí Nguyễn Duy Trinh có nhiều kinh nghiệm công tác thực tiễn và nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam, cả ở trung ương và địa phương.
Ba là, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người có tư duy khoa học và phương pháp làm việc cẩn thận, gắn rất sát với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các nhân chứng lịch sử đều khẳng định ông là người có phong thái làm việc rất điềm đạm, chịu khó và biết cách lắng nghe, ghi chép cẩn thận. Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Bộ trưởng Ngoại giao, tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, rồi mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương; cuộc chiến tranh Lạnh và đối đầu Xô – Mỹ lên đến đỉnh điểm… Ngay trong nội bộ phe XHCN cũng đã bắt đầu bộc lộ rạn nứt và mâu thuẫn, thậm chí dẫn tới xung đột, chiến tranh biên giới. Trong bối cảnh phức tạp như vậy, tôi tin rằng Bác Hồ và Bộ Chính trị đã cân nhắc rất kỹ trước khi lựa chọn nhân tài cho vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.
Bốn là, đồng chí Nguyễn Duy Trinh có quan hệ rất gần gũi, thân thiết với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi khá bất ngờ về chi tiết này. Khi khảo sát các bộ hồ sơ lưu trữ, tôi nhận thấy cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Nguyễn Duy Trinh rất thường xuyên, trao đổi bàn bạc, bất kể giờ giấc, về nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đối ngoại. Dấu ấn của cả hai người trên mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước là rất rõ nét.
Nói tóm lại, việc Bác Hồ và Bộ Chính trị lựa chọn đồng chí Nguyễn Duy Trinh, một người chưa từng được đào tạo, chưa từng làm ngoại giao, vào cương vị Bộ trưởng Ngoại giao trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước đã cho thấy rõ trí tuệ và cách dùng người tài tình của Bác và Trung ương Đảng ở cấp chiến lược. Đó cũng là tầm nhìn và sự chuẩn bị chiến lược của Trung ương cho giai đoạn gay go nhất của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.
Dấu ấn trong đàm phán Paris về Việt Nam
Đàm phán tại Paris là một trong những cuộc đàm phán, đấu tranh ngoại giao dài nhất của Việt Nam cũng như trên thế giới trong thế kỷ XX. Sau gần 5 năm đàm phán, đấu trí với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp kín cấp cao, 500 cuộc họp báo và khoảng 1.000 cuộc phỏng vấn, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã kết thúc thắng lợi. Ngày 27/1/1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đến Paris, chính thức ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam, tạo bước ngoặt lớn trên chiến trường buộc Mỹ phải rút quân, còn quân ta thì ở lại.
Qua khảo sát các tư liệu lịch sử, tôi khẳng định đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đóng vai trò rất quan trọng và có dấu ấn rõ nét trong suốt quá trình diễn ra đàm phán tại Paris và cả về sau khi Hiệp định Paris được thực thi.
Trước hết, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã đóng vai trò cầu nối rất thành công giữa tổng hành dinh (Bộ Ngoại giao) tại Hà Nội với Bộ Chính trị, phái đoàn ta tại Paris, với chiến trường miền Nam và với Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam (sau này gọi là Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam).
Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Duy Trinh là người trực tiếp đề xuất nhiều chủ trương, bước đi lớn trong đấu tranh ngoại giao. Tất cả các đề án đấu tranh ngoại giao trong giai đoạn 1967 – 1973 đều có dấu ấn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ở những thời điểm có tính bước ngoặt như khi Mỹ leo thang ném bom, bắn phá miền Bắc, hay sau sự kiện tết Mậu Thân, hay khi Mỹ phải chấp nhận đi vào đàm phán thực chất từ năm 1972, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đều chỉ đạo kịp thời Bộ Ngoại giao xây dựng các đề án, các chủ trương đấu tranh ngoại giao, kịp thời trình Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo và triển khai hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh còn đặc biệt xuất sắc trong việc sử dụng mặt trận báo chí, tuyên truyền đối ngoại để phục vụ các mục tiêu cách mạng. Trong suốt thời gian diễn ra đấu tranh ngoại giao tại Paris, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã có hàng trăm bài nói chuyện, trả lời phỏng vấn báo chí trong nước và quốc tế để triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta, để chuyển thông điệp tới các bên…
Xuyên suốt cả hành trình, đồng chí Nguyễn Duy Trinh luôn kiên định về mục tiêu chiến lược, nhưng linh hoạt, mềm dẻo về biện pháp thực thi; kiên quyết đấu tranh với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đến cùng để triển khai có hiệu quả Hiệp định Paris năm 1973. Trong bài viết với tựa đề “Kiến quyết đấu tranh giữ vững hòa bình và thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam”, cố Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã chỉ rõ mối quan hệ hữu cơ, sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận đấu tranh ngoại giao, đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự để hình thành sức mạnh tổng hợp quốc gia Việt Nam.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh là dịp hiếm có để các thế hệ ngoại giao hôm nay như tôi được tri ân, tưởng nhớ về các bậc tiền bối đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, cho sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong số các di sản mà ông để lại, đấu tranh ngoại giao tại Paris giai đoạn 1968 – 1973 vẫn là đỉnh cao của ngoại giao Việt Nam, mà đến nay chưa có cuộc đàm phán, đấu tranh ngoại giao nào có thể vượt qua được.
Những con người được làm việc cùng ông, được ông rèn luyện và đào tạo về sau đều trở thành trụ cột của ngành ngoại giao và của đất nước. Thế hệ chúng tôi được may mắn kế thừa, học tập và rất biết ơn, trân trọng những di sản to lớn và vô cùng quý báu đó. Qua đó càng cảm phục hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn và cách dùng người của Bác Hồ và các thế hệ lãnh đạo, ngoại giao lão thành.
Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Chỉ riêng việc ông làm Bộ trưởng liên tục trong vòng 15 năm, ở thời điểm khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam khi đó, đã chứng tỏ mọi phẩm chất của ông cũng như sự tin tưởng mà ông nhận được từ Bác Hồ và Trung ương Đảng.
........
Trích tham luận tại Hội thảo Khoa học "Đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam" ngày 15/7 tại Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Duy Trinh (15/7/1910-15/7/2020).
PGS. TS Trần Việt Thái/Baoquocte.vn