/ Tin tức
/ 03 nhóm chính sách lớn của dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư mới

03 nhóm chính sách lớn của dự kiến đề cương chi tiết Luật Luật sư mới

07/06/2024 14:20 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp vừa có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Luật sư thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội).

Ảnh minh họa. 

Theo Bộ Tư pháp, ngay sau khi Luật Luật sư được ban hành, thể chế, pháp luật về tổ chức và hoạt động của Luật sư đã tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến thời điểm hiện nay, trong cả nước đã có hơn 18.200 Luật sư hoạt động trong hơn 5.400 tổ chức hành nghề luật sư (tăng khoảng 14.000 Luật sư so với năm 2006) đã dần đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, tổ chức. Đồng thời, với số lượng tổ chức hành nghề luật sư như hiện nay đã tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với dịch vụ của Luật sư. Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. 

Bên cạnh đó, với việc chuyển giao nhiều nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, Luật Luật sư đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể phát huy tối đa tính tự quản, tự chịu trách nhiệm của mình. Nhà nước chỉ thực hiện chức năng định hướng, điều tiết và hỗ trợ phát triển nghề Luật sư. Cơ quan quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và hoạch định chính sách phát triển nghề Luật sư, hoàn thiện thể chế, đào tạo nghề Luật sư, kiểm tra, thanh tra và tranh thủ mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển nghề Luật sư.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, như: Chất lượng Luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của một số ít Luật sư hạn chế. Còn hiện tượng Luật sư có biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị;

Một số quy định trong Luật Luật sư còn dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất cần được nghiên cứu, hoàn thiện như: khái niệm về Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư, dịch vụ pháp lý của Luật sư, kinh doanh dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật…;

Một số quy định chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam như tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Luật sư, hành nghề Luật sư, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Quy định về hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư cần tương thích với pháp luật về tố tụng…;

Một số quy định về hình thức, phạm vi hoạt động hành nghề Luật sư chưa rõ, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của Luật sư: còn thiếu các quy định tạo điều kiện phát triển tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn; quy định về tiêu chuẩn, điều kiện Luật sư nước ngoài được hành nghề tại Việt Nam, việc cấp, gia hạn Giấy phép hành nghề tại Việt Nam, trình tự, thủ tục tạm ngừng hoạt động, thay đổi nội dung Giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam… cần được hoàn thiện để bảo đảm cụ thể, chặt chẽ và đầy đủ hơn; chưa có quy định để nội địa hóa các hãng luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;

Việc đăng ký kinh doanh hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật còn có cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến tình trạng cho phép những người không đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp Luật sư được cung cấp dịch vụ như Luật sư. Tình trạng cá nhân, tổ chức không phải là Luật sư nhưng cung cấp dịch vụ như Luật sư vẫn tồn tại ở nhiều địa phương. Điều này gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh, trật tự, gây khó khăn cho công tác quản lý Luật sư và việc thực hiện các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ pháp lý mà Việt Nam tham gia ký kết;

Công cụ pháp lý để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động tự quản của Luật sư còn chưa đầy đủ;

Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư còn chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa nhận thức đúng về trách nhiệm tự quản và vai trò của quản lý nhà nước, còn tình trạng thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước và chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư còn bất cập, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Trên cơ sở chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và trước yêu cầu thực tiễn của tổ chức và hoạt động Luật sư, việc thay thế toàn diện Luật Luật sư nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động Luật sư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật, phù hợp với chỉ đạo của Đảng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, thông lệ quốc tế là rất cần thiết.

Đề cương chi tiết Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012) gồm 8 Chương với 100 Điều, tập trung vào 03 nhóm chính sách lớn:

Chính sách 1: Xây dựng đội ngũ Luật sư có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Chính sách 2: Chuẩn hóa hình thức, phạm vi hành nghề Luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề Luật sư phát triển, đồng thời bảo đảm phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam.

Chính sách 3: Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung dự án Luật Luật sư mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (dự kiến diễn ra vào tháng 5/2025), trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2025). Thời gian Luật có hiệu lực dự kiến từ ngày 01/6/2026. 

HUY PHONG

Cần tạo điều kiện cho Luật sư có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi khách hàng

Nguyễn Mỹ Linh