/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Gặp lại người bắt phi công Mỹ đầu tiên ở Hà Tĩnh

Gặp lại người bắt phi công Mỹ đầu tiên ở Hà Tĩnh

05/01/2021 18:16 |

(LSVN) - Vào một buổi chiều cuối tháng 11/2019, tôi về thôn Cát Thủy, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh để gặp cụ Trần Thái Quát - người bắt phi công Mỹ đầu tiên ở Hà Tĩnh cách đây 54 năm. Hai ông bà ở trong một ngôi nhà cấp 4, gian tiếp khách phải che bạt để khi trời mưa khỏi nước xuống. Nghe tôi nói về chuyện bắt phi công năm xưa cụ sôi nổi hẳn lên.

Cụ Trần Thái Quát cầm tấm ảnh suy nghĩ không biết viên Trung tá  phi công Diuyn Ria mình bắt hiện nay ở bên Mỹ có còn sống nữa không?.

Dù bước sang tuổi 80 nhưng trông cụ rất minh mẫn, cụ kể: "Năm 1960 tôi vào công an vũ trang, vì hoàn cảnh khó khăn, mẹ già không ai chăm sóc, năm 1964 xuất ngũ. Về địa phương tôi được giao nhiều nhiệm vụ, làm Phó bí thư Đoàn xã, xã đội phó, kiêm trung đội trưởng dân quân thôn, làm thủ quĩ Hợp tác xã (HTX)".

Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 10/9/1965 ( rằm tháng 8 Âm lịch) tôi cùng với ông Phan Xuân Thiện tài vụ, bà Hoàng Thị Thu kế toán đang kiểm quĩ HTX tại nhà ông Nguyễn Giai, HTX mượn làm văn phòng thì thấy máy bay Mỹ từ biển vào bắn phá Nhà máy điện Vinh.

Ba người chạy ra hầm trú ẩn. Hai người xuống hầm còn tôi đứng trước miệng hầm quan sát, thấy pháo phòng không bảo vệ thành phố Vinh bắn trả quyết liệt. Ở huyện Nghi Xuân, dân quân xã Xuân An, Xuân Giang bắn không cho máy bay thấp vào thành phố Vinh. Trong lúc pháo nổ, thấy một chiếc máy bay bốc cháy như một bó đuốc bay về hướng xã Xuân Viên rồi rơi xuống đồng Cồn Giông dưới chân núi Hồng Lĩnh.

Theo hướng máy bay rơi có một chiếc dù màu trắng. Nhìn một lúc chiếc dù có phi công. Tôi vào nhà lấy khẩu súng K44 chạy theo hướng dù bay. Chạy được chừng 200m thì chiếc dù và tên phi công rơi xuống đất. Máy bay địch quây kín bầu trời. Chúng chia làm 3 tầng, trên cao máy bay phản lực, rồi đến máy bay AD6, thấp có máy bay trực thăng, bắn đạn xuống như mưa để bảo vệ tên phi công. Pháo phòng không ở bên kia Sông Lam, dân quân xã Xuân An, Xuân Viên, Xuân Giang chống trả mãnh liệt. Ta đánh mạnh có lúc máy bay bay cao lên rồi lại sà xuống. Tôi lợi dụng địa hình, địa vật tiếp cận tên phi công.

Máy bay trực thăng bay thấp nhiều lúc thấy tên phi công ngồi trong buồng lái, tôi dùng súng bắn, vừa bắn, vừa chạy. Vào đến chỗ máy bay rơi, thấy đang bốc cháy, quan sát không thấy gì, tôi lên gò cao nhìn thì thấy một chiếc dù rơi xuống ruộng lúa. Tiến lại tiếp cận chiếc dù không thấy tên phi công đâu cả. Tôi mở rộng phạm vi tìm khoảng 30 phút, thấy chỗ cách chiếc dù rơi chừng 500m, có một vệt lúa dẹp xuống.

Vào thời điểm này thấy tiếng súng pháo cao xạ nổ gần hơn. Máy bay địch bay sà xuống thấp thưa hơn. Sau đó tôi mới biết Trung đoàn 280 pháo cao xạ vượt phà Bến Thủy sang bố trí pháo dọc đường 18 đánh máy bay hỗ trợ cho dân quân bắt phi công. Đến ruộng có lúa dẹp xuống, thấy dấu người bò, tôi lần theo dấu đi đến một ruộng lầy thấy lúa chụm lại một vòng. Tôi khả nghi tên phi công trốn trong đó, bắn bên phái và bên trái cụm lúa mỗi bên một phát.

Thấy trong cụm lúa tên phi công đứng lên. Tôi dùng súng lên bắn một phát chỉ thiên, tên phi công run cầm cập. Tôi bảo nó giơ tay lên đầu hàng. Tên phi công giơ tay lên tôi rút chiếc thắt lưng nhựa màu trắng đang thắt trong người ra trói lại.

Ba mươi phút sau dân quân, bộ đội, công an của ta mới đến. Người đầu tiên là anh Phan Viết Mai. Anh Mai đến cùng hai người nữa dẫn tên phi công đi. Đi được một quãng thấy huyện đội trưởng Nghi Xuân là ông Đoàn Tượng, sau đó là ông Phan Đức Thụ trưởng công an huyện. Ông Đoàn Tượng tuyên bố: “Thay mặt Thường vụ Huyện ủy tôi tuyên bố kết nạp đồng chí Trần Thái Quát vào Đảng Cộng sản Việt Nam”. Anh em dẫn tên phi công về giao cho huyện đội Nghi Xuân, lúc đó khoảng 17 giờ chiều.

Tên Trung tá Diuyn Rive là phi công Mỹ bị bắt đầu tiên trên đất Hà Tĩnh. Chiều hôm đó, người dân Nghi Xuân reo hò vang trời trước chiến công của quân và dân ta bắn rơi 2 máy bay, bắt sống giặc lái. Hà Tĩnh lấy kinh nghiệm bắt phi công của dân quân xã Xuân Viên làm bài học kinh nghiệm. Tôi được đi báo cáo điển hình, kinh nghiệm cho dân quân trong tỉnh và bộ đội ở Quân khu 4.

Tôi được thưởng một chiếc bút máy Trường Sơn và một chiếc áo mưa bộ đội, tặng Huân chương Chiến công hạng 2. Sau một thời gian, tôi được công an huyện cho đi học, năm 1972 vào chiến đấu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1976, vì mẹ mất nên tôi được cấp trên cho về công tác tại phòng hình sự công an tỉnh Hà Tĩnh, năm 1991 về hưu, quân hàm Thiếu tá.

HẢI HƯNG

/soi-noi-cac-hoat-dong-chao-mung-tet-quan-doi.html