/ Đời sống - Xã hội
/ Giao thông tĩnh trong khu vực phố cổ: “Bài toán” cần lời giải đáp

Giao thông tĩnh trong khu vực phố cổ: “Bài toán” cần lời giải đáp

05/01/2021 17:49 |

LSVNO - Nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cho người dân thủ đô, đặc biệt là khu vực phố cổ. Hiện nay, TP. Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và ứng d...

LSVNO - Nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh cho người dân thủ đô, đặc biệt là khu vực phố cổ. Hiện nay, TP. Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng. Nhưng, để giải quyết vấn đề này vẫn là một “bài toán” khó và rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ban ngành để có những giải pháp phù hợp và đổi mới.

Giao thông tĩnh là một vấn đề lớn trong các đô thị hiện nay của Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội. Giải quyết có hiệu quả về giao thông tĩnh đáp ứng yêu cầu hiện tại và phát triển trong tương lai của hệ thống dịch vụ này là góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống giao thông đô thị nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị nói chung.

Thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 197 ngày 3/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 TP. Hà Nội, hiện nay, các cơ quan chức năng thành phố đã và đang quyết liệt, kiên trì xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, dừng, đỗ xe trái phép, đặc biệt là khu vực phố cổ. Các đợt ra quân được thực hiện thường xuyên, liên tục đang từng bước tạo diện mạo mới cho đô thị theo hướng phong quang, gọn gàng hơn và được đông đảo dư luận đánh giá cao.

Tận dụng lòng đường rộng để đỗ xe hợp lí một trong giải pháp phù hợp tại thủ đô.

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này làm nảy sinh một số bất cập, nhất là nhu cầu về giao thông tĩnh. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT (Bộ GT-VT) cho thấy, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có là hơn 90ha, chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Do quá thiếu điểm đỗ nên tình trạng xe ô tô dừng, đỗ tùy tiện đã gây ùn tắc giao thông cục bộ thường xuyên ở nhiều nơi. Tại khu vực nội thành, đặc biệt là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng..., nhu cầu điểm đỗ xe rất cao nhưng khả năng đáp ứng lại thấp nên xuất hiện các điểm đỗ xe không phép. Không đủ chỗ đỗ nên 90% phương tiện đỗ ở bãi xe chung cư, khu đô thị, trước cơ quan, công sở.

Còn tại địa bàn phố cổ hiện có mật độ dân cư cao nhất thành phố, khoảng 80 nghìn người/ha. Hầu hết các tuyến phố đều có cửa hàng, cửa hiệu buôn bán sầm uất. Phương tiện giao thông chính của người dân và khách hàng là xe máy. Trước đây, nhiều khách hàng đỗ xe tạm ở lòng đường, vỉa hè mua hàng. Hiện tại, do quản lý chặt chẽ hơn, tình trạng này được khắc phục, nhưng bất cập nảy sinh khi khách hàng không có chỗ để xe.

Đặc biệt, tình trạng thiếu chỗ để xe xảy ra trong ngày thường lẫn dịp cuối tuần, khi phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm thuộc phường Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Đào, phố đi bộ trong khu phố cổ hoạt động. Các tuyến phố Tạ Hiện, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ (phường Hàng Buồm) nằm trong khu bảo tồn cấp 1, thu hút nhiều khách du lịch, nhưng cũng được bố trí ba điểm trông, giữ xe với tổng diện tích là 120 m2. Nhiều khách hàng loay hoay tìm chỗ gửi xe trên con phố hẹp khiến giao thông thêm ùn tắc. Thiếu chỗ gửi xe là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng "nở rộ" các dịch vụ trông, giữ xe trái phép, "chặt chém" gây mất trật tự, cũng như tái diễn tình trạng đỗ xe trái phép trên lòng đường, vỉa hè

Đánh giá cao nỗ lực của TP. Hà Nội, các chuyên gia giao thông cho rằng, thành phố cần có biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết nhu cầu chỗ gửi xe trong khu vực, tận dụng những không gian trống chưa sử dụng hết công năng. Hiện tại, thành phố cho phép trông xe dưới gầm cầu Chương Dương vào ba buổi tối cuối tuần, khi phố đi bộ trong khu phố cổ hoạt động. Về nguyên tắc, gầm cầu không được sử dụng làm nơi gửi xe, nhưng trong khi chưa tìm được giải pháp mang tính lâu dài, TP. Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm cần tính toán đến những biện pháp ngắn hạn, chẳng hạn như nới rộng khung thời gian được phép trông xe tại gầm cầu, để giảm tải cho những điểm đỗ xe trong phố cổ. Nếu không có biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề giao thông tĩnh cho khu vực phố cổ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị của Thủ đô.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển GT-VT, với tốc độ tăng trưởng xe máy 7,66% mỗi năm; ô tô 16,15% mỗi năm thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 983.000 ô tô và 6,2 triệu xe máy; năm 2025 có 1,3 triệu ô tô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 có 1,7 triệu ô tô và 7,7 triệu xe máy. Cùng với phát triển hạ tầng, tăng cường đầu tư cho mạng lưới giao thông tĩnh là một yêu cầu bức thiết.

Thế Nguyễn