/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Góp ý một số nội dung điều chỉnh quan trọng trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Góp ý một số nội dung điều chỉnh quan trọng trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

09/12/2023 08:06 |

(LSVN) - Hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng và lấy ý kiến đối với Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua. Theo đó, dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng sửa đổi một mặt kế thừa phần lớn quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, một mặt đã bổ sung, điều chỉnh một số nội dung của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, trong đó có một số nội dung trọng yếu, có ảnh hưởng đến đáng kể đến thị trường kinh tế và hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tác giả xin trình bày góp ý đối với một số nội dung thay đổi trọng yếu trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa.

Với tính chất đặc thù trong hoạt động của mình và là mắt xích quan trọng của quá trình luân chuyển dòng vốn vào nền kinh tế, các tổ chức tín dụng được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Vì thế, khung pháp lý điều chỉnh đối với tổ chức tín dụng cũng được đặc biệt quan tâm, việc này thể hiện qua quá trình xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, các Cơ quan chức năng đã nhiều lần lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân nhằm hướng đến mục tiêu ban hành Luật Các tổ chức tín dụng chứa đựng những quy định phù hợp với thực tiễn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nói riêng và thị trường kinh tế Việt Nam nói chung. Trên cơ sở nghiên cứu bản dự thảo Luật mới nhất, tác giả nêu ra một số nội dung sửa đổi cần được chú ý, đồng thời mạnh dạn đưa ra đánh giá, kiến nghị để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Thứ nhất, dự thảo luật điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng theo hướng giảm so với quy định pháp luật hiện hành, cụ thể là tỉ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông (nhà đầu tư trong nước) là cá nhân; cổ đông là tổ chức; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó lần lượt từ không vượt quá 5%, 15%, 20% giảm xuống còn 3%, 10% và 15%. Mục đích của của việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng “sở hữu chéo” - sử dụng tỉ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông nhóm cổ đông lớn, cũng chính là thể chế hóa chủ trương của Đảng.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng việc điều chỉnh như trên sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến các cổ đông hiện hữu và kể cả các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, nhất là khi các cổ đông này đã hoặc dự kiến sở hữu cổ phần một cách minh bạch và không có bất kỳ ý định nào sở hữu cổ phần để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó dự thảo sử dụng phương pháp đóng để quy định mà hoàn toàn không cho phép bất cứ một trường hợp loại trừ nào, vì vậy theo Tác giả, liệu có nên bổ sung một hướng mở mà theo đó tỉ lệ sở hữu cổ phần có thể được điều chỉnh nếu được chấp thuận từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ví dụ như Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước...). 

Bên cạnh đó, tác giả cũng đồng quan điểm với một số chuyên gia hiện nay về vấn đề điều chỉnh tỉ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo , bởi có hay không có tồn tại “sở hữu chéo” sẽ thông qua việc xác định “người có liên quan” của cổ đông. Khi một cổ đông được xác định là người có liên quan của cổ đông khác thì mặc nhiên các cổ đông này sẽ phải nằm trong giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định hiện nay. Tình trạng sở hữu chéo xảy ra dựa trên việc các tổ chức, cá nhân cố gắng xử lý theo hướng không thuộc “người có liên quan” của cổ đông khác để từ đó không bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan nhưng thực tế thì giữa các cổ đông này có liên quan, liên kết với nhau để từ đó chi phối, thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Do đó, việc điều chỉnh quy định về người có liên quan hoặc cần có cơ chế để nâng cao tính minh bạch trong quản trị tổ chức tín dụng, bao gồm phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Thứ hai, dự thảo Luật đã điều chỉnh giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng mà theo đó, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó lần lượt từ không được vượt quá 15% và 25% giảm xuống còn 10% và 15% vốn tự có ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Khi nghiên cứu tài liệu thuyết minh đính kèm dự thảo, tác giả hiểu được mục đích của việc điều chỉnh tỉ lệ này là nhằm hạn chế việc tập trung nguồn vốn cấp tín dụng cho một hoặc một nhóm khách hàng duy nhất, từ đó sẽ phân tán được rủi ro.

Ngoài ra, điều này còn giúp cho nhiều chủ thể của nền kinh tế có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, làm đa dạng hoá việc sử dụng nguồn vốn chứ không chỉ một số đối tượng khách hàng nhất định mới có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Việc giảm tỉ lệ này đồng nghĩa với việc thắt chặt chính sách cấp tín dụng cho một khách hàng mà theo đó chỉ những nhu cầu vốn thiết thực, khả thi, tài sản bảo đảm tốt mới được các tổ chức tín dụng ưu tiên lựa chọn. 

Trường hợp có nhu cầu về nguồn vốn lớn thì mô hình cấp tín dụng hợp vốn là sự lựa chọn hoàn hảo cho khách hàng trong bối cảnh giới hạn cấp tín dụng đang được điều chỉnh theo hướng giảm như dự thảo hiện tại. Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện cho một khoản cấp tín dụng hợp vốn là điều hoàn toàn không dễ dàng bởi lẽ chính sách cấp tín dụng, khẩu vị rủi ro giữa các tổ chức tín dụng là khác nhau và để được cấp tín dụng thì khách hàng chắc chắn phải trải qua nhiều trình tự, thủ tục cũng như phải đáp ứng rất nhiều điều kiện vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, việc giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng đồng thời sẽ kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và việc suy thoái kinh tế toàn cầu, nay sẽ lại càng khó khăn hơn vì không đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, việc kiểm soát tập trung vốn này cũng một phần phụ thuộc vào việc xác định người có liên quan của một khách hàng, bởi nếu về mặt giấy tờ, chứng từ giữa các khách hàng không có liên quan nhưng trên thực tế có liên quan với nhau thì việc giảm tỉ lệ giới hạn cấp tín dụng này sẽ không còn ý nghĩa, tương tự như phân tích của tác giả tại phần trên. Vì vậy, tác giả cho rằng cần nghiên cứu thật kỹ nguyên nhân chính và sự cần thiết khi điều chỉnh tỉ lệ này vì việc điều chỉnh sẽ ngay lập tức có ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế đang cần vốn hiện tại. Do đó, cần xem xét có lộ trình điều chỉnh phù hợp. 

Thứ ba, dự thảo Luật có sự điều chỉnh về phạm vi các đối tượng được xem là người có liên quan của một chủ thể. Theo đó, dự thảo bổ sung thêm các trường hợp là (1) tổ chức tín dụng với công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng và ngược lại; (2) các công ty con của công ty con của cùng một công ty mẹ; (3) cá nhân với ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại; bác ruột, cô ruột, dì ruột, chú ruột, cậu ruột và ngược lại. Việc mở rộng phạm vi như dự thảo có thể được xem là một biện pháp thắt chặt quản lý. Bởi lẽ việc xác định người có liên quan sẽ ảnh hưởng đến một số vấn đề về tỉ lệ sở hữu cổ phần, giới hạn hạn cấp tính dụng, chấp thuận giao dịch với người có liên quan, nghĩa vụ công khai, công bố thông tin, những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ… mà vốn dĩ các nội dung này theo quy định hiện hành đã được nhận xét là đã khá chặt chẽ và khó để tuân thủ. Một số chuyên gia cho rằng cần xem xét lại về phạm vi người có liên quan dựa trên việc tham khảo kinh nghiệm lập pháp quốc tế để pháp luật Việt Nam được tiệm cận với thế giới, đồng thời không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đang trên đà phát triển của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, như các đề cập ở phần trên về các sửa đổi về tỉ lệ sở hữu cổ phần và tỉ lệ cấp tín dụng đều chịu sự tác động rất lớn của chế định người có liên quan nên cần bao quát các trường hợp người có liên quan, bao gồm cả việc áp dụng quy định người có liên quan hiện nay đang được quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và Luật Doanh nghiệp 2020.

Kết luận: Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng là kết quả của một quá trình dài nghiên cứu bởi Cơ quan soạn thảo, kết hợp với các góp ý từ các tổ chức tín dụng và luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp am hiểu pháp luật về hoạt động này. Với vai trò quan trọng và có tác động rất lớn của Luật Các tổ chức tín dụng, việc xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đánh giá toàn diện là điều cần thiết, đảm bảo quy định pháp luật được ban hành vừa đáp ứng mục đích quản lý của Nhà nước, vừa tạo động lực, thúc đẩy kinh tế phát triển.        

NGUYỄN ANH THƯ - ThS.LS TRẦN MINH PHÁP

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Nguyễn Hoàng Lâm