Ảnh minh họa.
Việt Nam là một quốc gia đã và đang phải đối mặt với các vấn đề về biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển nền kinh tế giống như rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu tới nền kinh tế, từ năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa mục tiêu kép về phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu vào Nghị quyết số 24-NQ/ TW. Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu “UNFCCC (1992)”, theo đó đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 (COP 26) của các bên tham gia UNFCCC (1992) và tiếp tục khẳng định cam kết này tại COP 27 và COP 28.
Nhằm thực hiện cam kết quốc tế tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2023, tầm nhìn 2050 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó giải pháp trọng tâm là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2022 đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng khi Việt Nam ký kết thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với nhóm các đối tác quốc tế (IPG), mà thông qua JETP, các quốc gia như Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Với những cam kết quốc tế, chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong bối cảnh chính đất nước cũng đang có nhu cầu lớn về huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư và cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này, chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều quan ngại khi đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này bởi các lý do liên quan đến chính sách và pháp luật. Bởi vậy, dù có nhu cầu và tiềm năng lớn về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết cơ hội và thế mạnh của mình và điều này đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc hiện thực hoá cam kết quốc tế về việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh của quốc gia.
Một số khó khăn, vướng mắc chính trong việc xúc tiến, hỗ trợ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo
Về phương thức, thủ tục đầu tư
Để thu hút nguồn lực về tài chính và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong những năm qua Việt Nam đã rất nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phương thức đối tác công tư (PPP) với kỳ vọng đây là một giải pháp để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng thực tiễn cho thấy, nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với PPP do vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 với các luật chuyên ngành khác, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy trình lập, phê duyệt dự án PPP; hình thức, quy trình lựa chọn nhà đầu tư; tiêu chí năng lực nhà đầu tư, tiêu chuẩn công nghệ áp dụng cho dự án, tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư; triển khai dự án; bảo đảm đầu tư; các mẫu hợp đồng PPP chưa được hoàn thiện và chưa bảo đảm hài hòa được lợi ích của các chủ thể tham gia dự án đầu tư… Đây là nguyên nhân khiến cho chính khu vực công gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị, triển khai dự án đầu tư PPP, nên cũng tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Thực tế, nhà đầu tư vẫn có xu hướng lựa chọn phương thức đầu tư hoàn toàn bằng nguồn vốn tư nhân và không mặn mà với các dự án có sử dụng nguồn vốn công hay liên kết, hợp tác với khu vực công, ngay cả khi phương thức đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế, chính sách và quy định pháp luật đồng bộ, chi tiết.
Về ưu đãi, hỗ trợ và bảo đảm đầu tư
Hiện đã có nhiều chính sách, quy định về ưu đãi thuế đối với dự án năng lượng tái tạo, nhưng việc thiếu các quy định thống nhất và hướng dẫn chi tiết về khái niệm “năng lượng tái tạo”, thiếu các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn để xác định “công nghệ cao”, “quy mô lớn” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,… là những rào cản lớn khiến cho nhà đầu tư và cơ quan có thẩm quyền khó hoàn tất thủ tục được hưởng ưu đãi. Các quy định về thời gian hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và chuyển lỗ hiện nay cũng ngắn hơn thời gian triển khai thực tế của dự án năng lượng tái tạo.
Các cơ chế, quy định cụ thể về hỗ trợ đầu tư, đặc biệt là các hỗ trợ cần thiết của nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, giải quyết vấn đề xã hội có liên quan đến dự án năng lượng tái tạo cũng chưa rõ ràng, nên cũng làm mất đi tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực này.
Việt Nam cũng chưa được coi là đã hoàn tất việc nội luật hóa các nguyên tắc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA/EVIPA). Hiện các quy định về bảo đảm đầu tư cũng mới được quy định tại Luật Đầu tư và một số văn bản khác liên quan đến quyền được bảo đảm quyền sở hữu tài sản, hoạt động kinh doanh, quyền bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật, cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh,... còn chung chung và chưa được thực thi hiệu quả.
Về cơ chế mua, bán điện của các dự án năng lượng tái tạo
Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn từ năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thủy điện… nhưng việc đàm phán về các điều kiện mua bán điện của nhà đầu tư chỉ thực hiện thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), là tổ chức duy nhất hiện được Nhà nước giao mua toàn bộ sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Nhiều dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện rác chưa thực sự được hưởng cơ chế khuyến khích và hỗ trợ như chủ trương của Nhà nước như: không áp dụng được giá FIT, chưa có cơ chế đấu thầu rõ ràng được ban hành, chưa được bảo đảm về hạ tầng mạng lưới điện đồng bộ, chưa có các bộ tiêu chuẩn về đánh giá công nghệ, năng lực của nhà đầu tư, thiếu các cơ chế hỗ trợ riêng, đặc thù và quy định rõ ràng trong thủ tục hành chính, nghiệm thu, thanh toán…
Về thanh toán, cơ chế chia sẻ rủi ro
Đặc thù của hầu hết các dự án năng lượng tái tạo là có sự tham gia của nhiều chủ thể gồm Nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, Bên mua điện (EVN) và người dân. Tuy nhiên, hiện chỉ có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có quy định mới về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu nhưng chủ yếu áp dụng cho các dự án trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Hiện chưa có quy định cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro và doanh thu tại các dự án năng lượng tái tạo giữa các chủ thể trên. Bởi vậy, khi có khó khăn khách quan hoặc vướng mắc liên quan đến thực thi chính sách, pháp luật, thì hầu như các nhà đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời và điện rác tại Việt Nam hiện nay vẫn đang một mình chịu thiệt hại trực tiếp từ sụt giảm doanh thu do các nguyên nhân trên.
Một số gợi ý hoàn thiện chính sách, pháp luật
Để nâng cao hiệu quả thu hút và hỗ trợ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi cho rằng trong thời gian tới cần thực hiện những việc dưới đây:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, định hướng mang tầm vĩ mô về phát triển năng lượng tái tạo, nhưng để hiện thực hóa các cam kết quốc tế và Chiến lược quốc gia, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc, cam kết quốc tế, FTAs về năng lượng, chống biến đối khí hậu và bảo hộ đầu tư.
Thứ hai, cần thiết có một văn luật riêng về năng lượng tái tạo để nhất thể hóa các quy định đang nằm rải rác ở rất nhiều luật chuyên ngành và chưa đồng bộ như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Điện lực, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...
Thứ ba, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần đẩy mạnh vai trò của các tổ chức, đơn vị tư vấn, đặc biệt biệt là luật sư, các tổ chức hành nghề luật có sự am hiểu và kinh nghiệm thực tiễn về pháp luật liên quan đến năng lượng tái tạo để tư vấn, tham mưu cho cả các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong việc tiếp cận thị trường, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về thủ tục đầu tư, bảo đảm đầu tư, hưởng ưu đãi đầu tư, giải quyết tranh chấp về đầu tư…
Tài liệu tham khảo 1. Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030. |
ThS.LS. NGUYỄN THANH HÀ
Công ty Luật TNHH Vietthink
Chính sách, pháp luật và một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam