Ảnh minh họa.
Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về sửa chữa, bổ sung bản án như sau:
Điều 261: Sửa chữa, bổ sung bản án
1. Không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án được thể hiện bằng văn bản và giao ngay cho những người được quy định tại Điều 262 của Bộ luật này.
2. Việc sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại khoản 1 Điều này do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.
Điều 365: Giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án
1. Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.
2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực hiện.
Từ quy định trên, có thể rút ra một số điểm cần lưu ý khi sửa chữa, bổ sung bản án hình sự là:
Thứ nhất, có hai trường hợp bản án được sửa chữa, bổ sung là: (1) Khi có yêu cầu từ phía Cơ quan thi hành án hình sự, Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc thi hành án; (2) Khi Tòa án tự phát hiện có cơ sở để sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định.
Thứ hai, trường hợp do Tòa án tự sửa chữa, bổ sung thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Chỉ được sửa chữa, bổ sung nếu phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai.
- Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm thay đổi bản án vụ án hoặc gây bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
Thứ ba, thẩm quyền sửa chữa, bổ sung bản án thuộc về Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đã ra bản án; nếu Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được vì Chánh án Tòa án đã xét xử tiến hành.
Một số bất cập và sai sót khi áp dụng trên thực tế sửa chữa, bổ sung bản án hình sự và kiến nghị khắc phục
Thứ nhất, về phạm vi sửa chữa, bổ sung: Hiện nay, căn cứ vào các quy định đã trích dẫn ở trên, chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án nếu: có lỗi về chính tả; có lỗi nhầm lẫn số liệu, tính toán sai số liệu. Trong đó, nhầm lẫn số liệu được hiểu là viết sai số, sai vị trí các chữ số…; tính toán sai số liệu được hiểu là tính nhầm kết quả phép tính. Theo tác giả, phạm vi này còn tương đối hẹp. Trên thực tế, còn nhiều lỗi gặp phải khi ban hành bản án không đến mức phải sửa thông qua thủ tục phúc thẩm nhưng cũng không được sửa chữa, bổ sung vì không có căn cứ.
Ví dụ: Trong vụ án có nhiều vật chứng, trong đó có vật chứng có cách thức xử lý rõ ràng (tức là không nhầm lẫn, không tranh cãi như phần ma túy còn lại phải tịch thu, phương tiện, công cụ phạm tội không còn giá trị sử dụng phải tịch thu tiêu hủy…) mặc dù trong phần nhận định đã thể hiện đầy đủ quan điểm của Hội đồng xét xử, nhưng phần quyết định lại “quên” không xử lý… hay bản án quyết định cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ, phần nhận định có nêu về việc áp dụng tình tiết này nhưng chưa phân tích vì sao lại cho bị cáo hưởng tình tiết đó… Đối với những lỗi này, việc sửa chữa, bổ sung bản án không làm thay đổi bản chất vụ án, không gây bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, nhưng theo quy định hiện nay lại không có căn cứ thực hiện.
Do đó, tác giả cho rằng cần mở rộng phạm vi cho phép sửa chữa, bổ sung bản án đối với những trường hợp đó. Những trường hợp này rất đa dạng, nên để liệt kê được từng trường hợp là rất khó khăn, dễ dẫn đến thiếu sót. Có thể nghiên cứu mở rộng theo hướng trao quyền xem xét linh hoạt cho Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa xác định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến vụ án bởi văn bản sửa chữa, bổ sung bản án sẽ được gửi cho Viện kiểm sát để kiểm sát, nếu thấy không phù hợp, Viện kiểm sát có thể kháng nghị hoặc thực hiện các quyền khác theo quy định.
Thứ hai, về thời hạn sửa chữa, bổ sung: Hiện nay, chưa có quy định nào quy định việc sửa chữa, bổ sung bản án được tiến hành trong thời hạn nào. Do đó, có thể hiểu việc này có thể thực hiện bất cứ lúc nào. Điều này là chưa thật sự phù hợp và gây khó khăn cho nhiều chủ thể khác. Đặc biệt, trường hợp các chủ thể liên quan có yêu cầu sửa chữa, bổ sung thì cần có một thời hạn cụ thể, tránh kéo dài khiến bản án khó, chậm được thi hành, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác. Do đó, kiến nghị trường hợp này, thời hạn sửa chữa, bổ sung bản án là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được yêu cầu.
Thứ ba, thực tiễn sửa chữa, bổ sung bản án trên thực tế hiện nay có rất nhiều sai sót. Hoạt động này đã và đang được tiến hành tương đối tùy tiện. Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa ra thông báo về việc sửa chữa, bổ sung bản án trong đó có nội dung sửa chữa, bổ sung về những vấn đề, nội dung không được phép, không đáp ứng điều kiện, thậm chí gây bất lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng. Khi văn bản được ban hành, giao, gửi cho các chủ thể liên quan, Viện kiểm sát cũng không phát hiện ra vi phạm hoặc phát hiện vi phạm nhưng chưa xử lý đúng mức đối với những sai sót này.
Ví dụ: Có trường hợp sửa chữa, bổ sung về tiền sự của bị cáo (bản án ban hành có nội dung bị cáo phạm tội khi đã chấp hành xong thời gian thử thách án treo, nhưng khi sửa chữa, bổ sung lại sửa nội dung thành bị cáo phạm tội mới trong thời gian thử thách án treo); có trường hợp sửa chữa, bổ sung về khấu trừ thu nhập của bị cáo…
Như vậy, các trường hợp trên không phải lỗi chính tả, lỗi nhầm lẫn, lỗi tính toán nhưng Tòa án vẫn ra thông báo sửa chữa, bổ sung; thậm chí những sửa đổi, bổ sung nói trên đã gây bất lợi cho bị cáo, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng không bị phát hiện xử lý. Do đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát việc thông báo sửa chữa, bổ sung bản án; có văn bản chỉ đạo quán triệt nghiêm, nếu phát hiện sai sót, thiếu sót nhưng không thuộc trường hợp sửa chữa, bổ sung thì không được ra thông báo sửa chữa, bổ sung mà cần kiến nghị, kháng nghị… để sửa theo đúng quy định.
VĂN LINH
Tòa án quân sự Khu vực Hải quân
Xử lý tài sản liên quan tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự