/ Tư vấn
/ Họp xử lý kỷ luật lao động vắng mặt ban cháp hành công đoàn có hợp pháp?

Họp xử lý kỷ luật lao động vắng mặt ban cháp hành công đoàn có hợp pháp?

25/06/2021 03:40 |

(LSVN) - Tôi có ký kết hợp đồng lao động với Công ty A. Tuy nhiên, vài ngày sau, tôi đã vi phạm lỗi theo quy định của công ty và bị quản lý phát hiện. Sau đó, tôi bị công ty xử lý kỷ luật lao động với hình thức buộc thôi việc. Nhưng vào ngày xử lý kỷ luật lao động thì ban chấp hành công đoàn không tham dự. Vậy trong trường hợp này, Công ty A có xử lý kỷ luật lao động đúng theo quy định của pháp luật không và quyết định xử lý kỷ luật lao động có hợp pháp không? Bạn đọc L.T.T hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ Luật lao động 2019 thì việc “người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc” sẽ thuộc trường hợp người sử dụng lao động được quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động vi phạm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Bộ Luật lao động năm 2019 việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau: “a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên; c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật; d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.”

Quy định nêu trên được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, theo đó:

“2. Trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 123 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động như sau:

a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động, người sử dụng lao động thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, họ tên người bị xử lý kỷ luật lao động, hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật lao động đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp;

b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;

c) Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại điểm a, điểm b khoản này. Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động.”

Theo các quy định nêu trên, cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên (trong trường hợp của bạn là đại diện công đoàn). Tuy nhiên, nếu Công ty A đã thực hiện việc  thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Công đoàn theo đúng quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP nhưng Công đoàn không xác nhận tham dự cuộc họp hoặc vắng mặt thì Công ty vẫn có thể tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Và trong trường hợp này, dù vắng mặt đại diện Công đoàn thì việc tổ chức họp và ra quyết định xử lý kỷ luật của Công ty A đối với bạn sẽ là hợp pháp.

Ngược lại, nếu đại diện Công đoàn không tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động là do Công ty A đã không thực hiện việc thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Công đoàn theo đúng các quy định nêu trên, thì việc Công A tổ chức cuộc họp và ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải đối với bạn là không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, nếu không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật sa thải của Công ty A thì bạn có quyền quyền khiếu nại với Công ty, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG

Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. 

Đủ điều kiện về hưu có được tiếp tục đóng BHXH không?

Lê Minh Hoàng