(LSO) - Phiên tòa phúc thẩm dân sự mở ra do có đơn kháng cáo của phía nguyên đơn và bảy người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cùng một yêu cầu xin hủy hợp đồng trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” với bị đơn - thân chủ của tôi. Họ là những người nông dân hiền lành, cần cù, chất phác, ra tòa khi luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình vắng mặt với lý do “đi công tác nước ngoài”.
Bản án sơ thẩm đã tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu của họ và buộc họ phải chịu án phí với số tiền gần 100 triệu đồng. Họ ra tòa không có một tập hồ sơ tài liệu trong tay với lý do “Luật sư giữ hết rồi” nên không biết trình bày thế nào về yêu cầu và những căn cứ kháng cáo, cũng không biết trả lời ra sao trước những câu hỏi của hội đồng xét xử để đến nỗi vị chủ tọa phiên tòa nửa như bức xúc, nửa như thương xót. Hồ sơ vụ án cho thấy không có một căn cứ nào để có thể chấp nhận yêu cầu kháng cáo của họ. Trong khi đó, thân chủ của tôi có tới hai Luật sư: tôi là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và một Luật sư là người đại diện theo ủy quyền. Nhìn những người nông dân ra tòa trong nỗi cô đơn lúng túng, không có người bảo vệ quyền lợi, lại thấy vẻ ung dung, thanh thản của thân chủ mình, tự nhiên tôi cứ thấy chạnh lòng…
Thông cảm với những khó khăn trong tố tụng của họ đã khiến các vị trong hội đồng xét xử cố gắng tìm mọi cách để hòa giải theo hướng có lợi cho phía nguyên đơn. Họ yêu cầu thân chủ của tôi hỗ trợ cho họ 400 triệu đồng, bởi số tiền này có được, nếu chia ra cho gần mười người thì mỗi người cũng chẳng được bao nhiêu. Vị chủ tọa phiên tòa kiên trì thuyết phục thân chủ tôi đáp ứng yêu cầu đó của họ nhưng ông kiên quyết từ chối, vì lý do ở cấp sơ thẩm, ông đã đồng ý hỗ trợ số tiền 200 triệu đồng mà họ vẫn không chịu, nên ông không đồng ý hỗ trợ nữa, dù chỉ là một đồng.
Sau một hồi làm công tác tư tưởng với cả hai bên, mong ước hòa giải thành tại phiên tòa phúc thẩm của các vị trong hội đồng xét xử không có kết quả, tôi nhận rõ vẻ thất vọng hiện trên khuôn mặt của các vị… Tôi thoáng có ý nghĩ cần động viên thân chủ mình hòa giải, may ra có thể được chăng? Tôi đề nghị cho tạm dừng phiên tòa để có điều kiện thực hiện ý định đó và đã được hội đồng xét xử chấp nhận.
Nỗ lực của tôi và vị Luật sư đại diện theo ủy quyền, cuối cùng cũng đã được thân chủ chấp thuận, nhưng ông chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng, một số tiền quá ít so với yêu cầu của phía nguyên đơn. Phiên tòa được tiếp tục. Tiếc thay, thiện chí của bị đơn vẫn không được phía nguyên đơn chấp thuận, nhưng hạ mức yêu cầu hỗ trợ xuống còn 200 triệu đồng.
Nhận thấy tình hình có vẻ biến chuyển theo chiều hướng thuận lợi, tôi lại tiếp tục động viên thân chủ mình chấp nhận yêu cầu đó của các nguyên đơn, nhưng kết cục vẫn không thành, tiền hỗ trợ từ phía ông không thể nâng lên được nữa. Tôi đành xin hội đồng xét xử cho phép tôi hỏi và động viên các nguyên đơn. Nhưng nói với họ thế nào đây để họ hiểu được rằng chiều hướng hòa giải đang có lợi cho họ…
Và tôi bắt đầu chia sẻ những tâm sự của mình với họ…
Thực ra, hồ sơ và diễn biến phiên tòa phúc thẩm đang tiến triển theo chiều hướng có lợi cho thân chủ của tôi và bất lợi cho các vị. Tôi tham gia rất nhiều phiên tòa dân sự nhưng có lẽ chưa có phiên tòa nào, hội đồng xét xử lại cố tâm tìm mọi cách kêu gọi, động viên hai bên hòa giải như phiên tòa này. Tôi cũng nhận thấy những nét thoáng buồn, thất vọng trên khuôn mặt của các vị trong hội đồng xét xử, khi mọi nỗ nực của mình đã không thành.
Tiếc rằng, các vị phía nguyên đơn lại không thấy được điều đó. Lẽ ra, là Luật sư của bị đơn có quyền lợi đối lập với các vị, tôi không cần thiết phải nói những lời này, nhưng xin thưa các vị, tôi là một Luật sư xuất thân từ nông dân, cha mẹ tôi cũng là nông dân, cũng hiền lành, chân chất, ít hiểu biết pháp luật như các vị. Hôm nay, nhìn các vị ra tòa trong khung cảnh cô quạnh, không có luật sư của mình, không biết nói gì để tự bảo vệ cho mình, thực lòng tôi thương các vị lắm. Chính vì thế, tôi đã xin phép hội đồng xét xử cho dừng phiên tòa để tôi có điều kiện tâm sự, chia sẻ, động viên thân chủ tôi hỗ trợ phần nào cho các vị. Và tôi đã đạt được kết quả, dù chỉ là số tiền ít tỏi so với yêu cầu của các vị.
Thực ra, khi nói chuyện, thân chủ của tôi còn cho biết, ở phiên tòa sơ thẩm, ông đã đồng ý hỗ trợ cho các vị 200 triệu đồng, ngoài số tiền đã cho các vị mượn để lo ma chay cho cụ bà, chữa bệnh cho con trai cụ và cả đám tang của ông con trai sau đó nữa. Số tiền này ông cũng không yêu cầu các vị phải trả lại. Thân chủ tôi còn có ý định, sau khi nhận được tiền đền bù từ lô đất này, sẽ đến thăm và hỗ trợ thêm cho các vị… Nhưng tiếc rằng, tại phiên tòa đó, các vị đã không chấp nhận… Thời cơ hòa giải đã qua một lần, bây giờ là điều kiện để các vị thấy, các vị sẽ được lợi hơn, nếu chấp nhận tấm lòng thiện ý của thân chủ tôi, các vị sẽ được 100 triệu đồng và nếu hòa giải thành, các vị sẽ không phải chịu số tiền án phí gần 100 triệu đồng nữa… Các vị có thể sẽ còn đắn đo khi nghe lời một luật sư bảo vệ cho phía “bên kia”, nhưng những điều tôi nói là xuất phát từ lương tâm, đạo lý và tấm lòng thành thực của tôi, để hy vọng các vị đỡ bị thiệt thòi… Tôi mong các vị hãy suy nghĩ những điều tôi nói.
Có lẽ những lời tâm sự của tôi đã thấm được vào tấm lòng chất phác của họ nên tôi thấy mọi người phía nguyên đơn thì thào bàn tán, trao đổi gì đó. Cả phòng xử án im lặng… Lát sau, vị đại diện phía nguyên đơn xin đồng ý hòa giải theo ý kiến của luật sư.
Thế là nỗ lực của hội đồng xét xử, của đại diện viện kiểm sát và bản thân tôi đã có kết quả. Kết thúc phiên tòa, hai luật sư chúng tôi và ông thân chủ được từng người bên phía nguyên đơn bắt tay nói lời cảm ơn, khiến chúng tôi thực sự cảm động. Tôi chợt nghĩ rằng, trong tố tụng dân sự, chỉ cần mỗi người có một tấm lòng là không tranh chấp nào không thể hòa giải được.
Luật sư NGUYỄN MINH TÂM UVBTV Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Luật sư |