/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Khách hàng cần gì từ Luật sư và Công ty luật thông qua Thư tư vấn pháp lý?

Khách hàng cần gì từ Luật sư và Công ty luật thông qua Thư tư vấn pháp lý?

30/03/2023 11:02 |1 năm trước

(LSVN) - Trong mối quan hệ tương quan giữa pháp luật và kinh tế, pháp luật đóng vai trò là yếu tố thượng tầng, chịu sự ảnh hưởng và đồng thời cũng tác động ngược lại đến hạ tầng kinh tế. Song hành với sự phát triển của kinh tế, pháp luật cũng luôn vận hành không ngừng để bảo đảm vai trò của mình trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự phát huy hết vai trò của mình khi pháp luật được vận dụng vào thực tiễn của đời sống kinh tế. Điều này một phần được thực hiện thông qua hoạt động tư vấn pháp lý của các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư.

Ảnh minh họa.

Xét trên phương diện truyền tải thông tin, hoạt động tư vấn pháp lý có thể được Luật sư và các tổ chức hành nghề Luật sư (sau đây gọi chung là “Công ty luật”) thực hiện thông qua nhiều hình thức như trao đổi trực tiếp, thư từ, thư điện tử, cuộc gọi điện thoại hoặc các nền tảng giao tiếp trực tuyến khác. Tuy nhiên, nếu xét về độ chính chuyên và giá trị pháp lý thì Thư tư vấn pháp lý vẫn luôn được ưu tiên so với các hình thức tư vấn còn lại.

Trên thực tế, khách hàng khi tìm đến Công ty luật thường gồm nhiều đối tượng khác nhau, hoạt động đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề. Điều này dẫn đến sự đa dạng trong nhu cầu của mỗi đối tượng khách hàng. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, tác giả nhận thấy để có thể mang đến cho khách hàng yhư tư vấn pháp lý với giá trị cao nhất, điều tiên quyết là Luật sư cần thấu hiểu sâu sắc những mong muốn của khách hàng. 

Vậy thông qua Thư tư vấn pháp lý, khách hàng thực sự mong đợi điều gì từ Luật sư và Công ty luật?

Sự hiệu quả

Lựa chọn sử dụng dịch vụ của Công ty luật đồng nghĩa với việc khách hàng đã lựa chọn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của Luật sư tại Công ty luật, qua đó mong muốn tìm được giải pháp pháp lý nhằm giải quyết các vấn đề mà mình gặp phải.

Do đó, sự hiệu quả có thể nói là yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị của một Thư tư vấn pháp lý. Sự hiệu quả của Thư tư vấn pháp lý đến từ việc Luật sư phải giải quyết được hai yêu cầu căn bản sau: 

Trả lời được các câu hỏi pháp lý liên quan đến vấn đề pháp lý mà khách hàng gặp phải

Mỗi vấn đề khách hàng đặt ra có thể hàm chứa nhiều câu hỏi pháp lý mà Luật sư cần giải quyết. Do đó, việc xác định đầy đủ các câu hỏi pháp lý cần trả lời là nhiệm vụ tối quan trọng của Luật sư. Điều này giúp Luật sư thấu hiểu toàn diện về vấn đề mà khách hàng gặp phải, làm cơ sở để giải quyết vấn đề một cách logic hơn. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình trong quá trình hành nghề, đặc biệt là khả năng hệ thống hóa các quy định pháp luật, Luật sư sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi pháp lý đã xác định, từ đó, đưa đến cho khách hàng cái nhìn toàn diện nhất về vấn đề khách hàng gặp phải, cũng như giải đáp tất cả các vấn đề này.

Đưa ra được giải pháp để giải quyết vấn đề pháp lý của khách hàng

Trong một số trường hợp, mong muốn thật sự của khách hàng đôi khi không chỉ là câu trả lời cho các vấn đề pháp lý mà họ gặp phải, Luật sư còn phải đưa ra được giải pháp để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề này. Luật sư với kinh nghiệm thực tiễn có thể đưa ra các giải pháp pháp lý cũng như những ưu điểm và hạn chế của từng giải pháp cho vấn đề mà khách hàng gặp phải. Tuy nhiên, lưu ý rằng những giải pháp mà Luật sư đưa ra chỉ là ý kiến của Luật sư, căn cứ vào quy định pháp luật và thực tiễn hành nghề của Luật sư và mang tính chất tham khảo, việc lựa chọn sử dụng các giải pháp này hoàn toàn là quyết định độc lập của riêng khách hàng.

Sự chỉn chu

Trong mọi trường hợp, việc giữ Thư tư vấn pháp lý ở trạng thái chỉn chu nhất cũng cần được Luật sư và Công ty luật lưu tâm. Theo quan điểm của tác giả, sự chỉn chu này bắt nguồn từ hai yếu tố: 

Thứ nhất, chỉn chu về hình thức thể hiện của Thư tư vấn pháp lý.

Có thể nói rằng, Thư tư vấn pháp lý là một bức tranh hoàn chỉnh thể hiện trình độ và sự chuyên nghiệp của một Luật sư/Công ty luật. Sự chỉn chu trong hình thức thể hiện thông qua việc trình bày các nội dung một cách trật tự, logic và khoa học, giúp khách hàng dễ theo dõi, dễ hiểu và nắm bắt nội dung của văn bản. 

Thứ hai, chỉn chu trong câu từ, cách diễn đạt, chính tả.

Khi soạn thảo Thư tư vấn pháp lý, Luật sư cần sử dụng ngôn từ trang trọng, lịch sự; văn phong rõ ràng, rành mạch; tránh diễn đạt dài dòng, hạn chế việc nhắc lại nhiều lần cùng một sự việc và tránh đề cập đến những việc không liên quan đến vấn đề pháp lý mà khách hàng đặt ra.

Ngoài ra, Luật sư cần hết sức lưu tâm đến các lỗi chính tả thường gặp trong quá trình soạn thảo Thư tư vấn pháp lý, chắc rằng không một khách hàng nào có thể hài lòng nếu đọc một văn bản tồn tại các lỗi chính tả, đặc biệt là văn bản trong lĩnh vực pháp lý, nơi mà mọi sai sót về câu chữ đều có thể khiến cách hiểu vấn đề trở nên sai khác.

Sự phù hợp và linh hoạt

Suy cho cùng, Thư tư vấn pháp lý cũng là một phương tiện để Luật sư truyền tải thông tin đến khách hàng. Do đó, việc lựa chọn cách truyền tải phù hợp và linh hoạt đến từng khách hàng là nhiệm vụ đặt ra đối với Luật sư. Trong quá trình hành nghề, Luật sư có thể tiếp xúc với rất nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, do đó, việc phân loại đối tượng khách hàng giúp Luật sư/Công ty luật có những điều chỉnh cần thiết, bảo đảm tất cả khách hàng đều nắm bắt được thông điệp mà Luật sư muốn truyền tải. Về cơ bản, để bảo đảm tính phù hợp và linh hoạt, Luật sư cần:

- Lựa chọn cách diễn đạt, trình bày Thư tư vấn pháp lý phù hợp với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau.

Hoạt động tư vấn pháp luật là một hoạt động đòi hỏi quá trình lao động trí óc cẩn trọng và sâu sắc. Tuy nhiên, nếu Thư tư vấn pháp lý hướng đến khách hàng là người chưa bao giờ tiếp xúc với các vấn đề liên quan đến pháp lý hay khách hàng không có nhiều chuyên môn về pháp lý, Luật sư cần linh hoạt trong việc sử dụng từ ngữ cũng như cách trình bày. Luật sư không thể trình bày vấn đề một cách quá hàn lâm, thay vào đó có thể sử dụng cách trình bày đơn giản, ưu tiên các thuật ngữ phổ thông có nghĩa tương đương hoặc phải định nghĩa, chú giải rõ ràng về thuật ngữ đó. 

Ngược lại, đối với các khách hàng đã có chuyên môn hoặc thậm chí là người dày dạn trong lĩnh vực pháp lý, Luật sư đôi khi phải có cách tiếp cận trực diện hơn vào vấn đề, bởi lẽ những đối tượng này hầu hết đều có kiến thức chuyên môn một cách căn bản, điều mà họ mong đợi từ Luật sư phải là những ý kiến cụ thể, trực diện và sâu sắc hơn.

- Vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật và thực tiễn đối với mỗi đối tượng khách hàng khác nhau 

Tương tự như cách diễn đạt, trình bày, việc vận dụng và kết hợp các quy định pháp luật và thực tiễn cũng cần được Luật sư linh hoạt đối với từng đối tượng khách hàng khác nhau.

Tùy từng trường hợp mà Luật sư phải ưu tiên giữa việc cung cấp cho khách hàng các cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề hoặc việc cung cấp các giải pháp pháp lý để khách hàng cân nhắc thực hiện. Yếu tố này không chỉ phụ thuộc vào đối tượng khách hàng mà còn tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn cụ thể của từng khách hàng đối với Luật sư.

Tóm lại, điều quan trọng của Luật sư khi soạn thảo Thư tư vấn pháp lý cho khách hàng là cần nắm bắt và thấu hiểu sâu sắc mong đợi của khách hàng, đồng thời, cần cẩn trọng, chỉn chu trong tất cả các khía cạnh, bao gồm cả nội dung và hình thức của Thư tư vấn pháp lý. Đạt được những yếu tố này, Luật sư mới có thể mang đến cho khách hàng những Thư tư vấn pháp lý với giá trị cao nhất. 

Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC

Luật sư NGUYỄN NHẬT DƯƠNG

Công ty Luật TNHH HM&P

Tóm lược mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng

Bùi Thị Thanh Loan