Ảnh minh họa.
Theo điểm c khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự (THADS) 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định: “Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác”.
Điều 48 Luật THADS và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng quy định các trường hợp:
Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như: “Khi người phải thi hành án bị ốm nặng, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án; Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết…”.
Hoặc trường hợp “Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị”. Đối với trường hợp này Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn. Cụ thể, thời điểm tiếp nhận yêu cầu chia làm hai mốc: Thủ trưởng CQTHADS ra quyết định hoãn ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế; Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì "Thủ trưởng CQTHADS có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết".
Số lần yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án TAND Tối cao và và Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND cấp cao và VKS tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.
Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.
Thêm vào đó, Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng quy định không tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, theo Luật THADS hiện hành thì người có quyền yêu cầu hoãn thi hành án dân sự là các đương sự (Người phải thi hành án, Người được thi hành án). Người có thẩm quyền ra quyết định hoãn thi hành án là Thủ trưởng cơ quan thi hành án và Phó Thủ trưởng CQTHADS thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng CQTHADS.
Việc cưỡng chế thi hành án dân sự có sự tham gia của nhiều lực lượng nên nếu để xảy ra bất cứ sai phạm nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức liên quan. Việc xem xét kỹ những sai phạm là điều cần thiết, đặc biệt là trong những trường hợp buộc phải hoãn hoặc tạm dừng thi hành án dân sự. Do đó, trên thực tế không phải chỉ có đương sự có quyền yêu cầu hoãn thi hành án dân sự.
Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự được thành lập trong trường hợp cần thiết để thực hiện việc chỉ đạo, đối vớiviệc thi hành án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nhiều cấp nhiều ngành, nhiều địa phương (quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 05/2016). Thẩm quyền thành lập Ban chỉ đạo thi hành án thuộc về UBND cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục THADS; hoặc UBND cấp huyện trên cơ sở đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục THADS (Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/05/2016).
Theo Điều 4 Thông tư 05/2016, thành phần Ban Chỉ đạo THADS gồm có:
Đối với Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh: 01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; 01 Phó Trưởng ban là Cục trưởng Cục THADS; Các Thành viên gồm: Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh.
Ngoài thành phần nêu trên, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể yêu cầu đại diện Sở Nội vụ, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải và mời đại diện Lãnh đạo TAND, Bảo hiểm xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự, Đoàn Luật sư, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Đối với Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện: 01 Trưởng ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; 01 Phó Trưởng ban là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự; Các thành viên gồm: Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Công an cấp huyện.
Ngoài các thành phần nêu trên, Chủ tịch UBND cấp huyện có thể yêu cầu đại diện Phòng Nội vụ, Phòng Xây dựng, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thông tin và Truyền thông; mời đại diện TAND, Bảo hiểm xã hội, Ban Chỉ huy quân sự, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan làm Thành viên Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện.
Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự:
Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp tỉnh gồm 01 Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án của Cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng UBND cấp tỉnh.
Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện gồm 01 Chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự và 01 công chức Văn phòng UBND cấp huyện.
Ban chỉ đạo thi hành án dân sự có vai trò: Tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương”. (Điều 5 Thông tư 05/2016).
Tại Điều 6 Thông tư này, nêu rõ trách nhiệm của ban chỉ đạo THADS, trong đó, “Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND về tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự; Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự”.
Đồng thời theo quy định tại khoản 29 Điều 1 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014, khi cần huy động lực lượng, chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án dân sự và gửi ngay cho VKSND, cơ quan Công an cùng cấp, UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của Chấp hành viên. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của CQTHADS cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Đồng thời, Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.
Do đó, các cơ quan, tổ chức trong Ban chỉ đạo thi hành án, VKSND, cơ quan Công an cùng cấp, UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế cũng có quyền yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự.
Ví dụ thực tế, khi UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế để bàn bạc, thống nhất và hội ý để triển khai, bố trí lực lượng, kiểm tra thành phần, nhưng thiếu thành phần tham gia là đại diện địa phương mà không có lý do, lãnh đạo xã cũng không phân công cán bộ chuyên môn cấp xã tham gia buổi cưỡng chế (đại diện UBND xã, cán bộ địa chính xây dựng xã...). Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật THADS thì việc kê biên phải lập thành biên bản và đại diện chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế... phải ký vào biên bản cưỡng chế. Như vậy đại diện địa phương, tổ dân phố tham gia chứng kiến việc cưỡng chế là bắt buộc, không được vắng dù bất kỳ lý do gì. Bởi theo quy định tại khoản 29 Điều 1 Luật THADS sửa đổi 2014, thì kế hoạch cưỡng chế phải gửi ngay cho UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế. Do đó, UBND xã phải sắp xếp bố trí thời gian, cử người tham gia, đây là trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác phối hợp tổ chức cưỡng chế nói riêng và công tác thi hành án nói chung (Điều 175 Luật THADS). Vì thế, khi UBND cấp xã vắng, thì phải tạm dừng việc cưỡng chế.
Do đó, các cơ quan, tổ chức trong Ban chỉ đạo thi hành án, VKSND, cơ quan Công an cùng cấp, UBND cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế cũng có quyền yêu cầu “tạm dừng” việc cưỡng chế thi hành án dân sự. (Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật không quy định khái niệm “tạm dừng cưỡng chế” nhưng trong thực tế thì vẫn dừng cưỡng chế với những lý do khác nhau tuỳ theo tình hình thực tế có thể dẫn đến hậu quả không an toàn nếu cưỡng chế).
Vì vậy, việc hoãn thi hành án dân sự trong một số trường hợp là cần thiết để đảm bảo công tác tổ chức thi hành án được diễn ra đúng pháp luật, nhưng cũng không được lạm dụng hoặc tùy tiện trong việc yêu cầu hoãn, tạm dừng thi hành án. Điều này đòi hỏi cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, hết sức thận trong việc ra các quyết định cưỡng chế thi hành án, hoãn hoặc tạm dừng thi hành án…, tránh để xảy ra sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN - NGỌC HIẾU
Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Hoàn thiện quy định pháp luật về tội 'Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có'