/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Khởi đăng tập truyện dài kỳ về những vụ án kinh điển của thập niên 90

Khởi đăng tập truyện dài kỳ về những vụ án kinh điển của thập niên 90

05/01/2021 18:05 |

LTS: Những câu chuyện mang màu sắc trinh thám được tác giả Phong Linh ghi chép lại dựa trên thực tế mà tác giả được trải nghiệm, chứng kiến và tiếp cận hồ sơ vụ án. Mỗi một câu chuyện là một tình huống pháp lý được đưa ra, trong đó các nhân vật là những tấm gương phản chiếu của các đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Với bối cảnh xã hội là những năm sau đổi mới, tác giả đã khéo léo vận dụng tính cách nhân vật cùng với thực tế cuộc sống tạo nên một bức tranh vừa thực tế, vừa ly kỳ cuốn hút người đọc.

Qua mỗi câu chuyện từng nhân vật sẽ hiện lên với số phận và tính cách tiêu biểu của bản thân, người đọc sẽ thấy một nhân vật A Quý mới 24 tuổi nhưng đã có “số má” trong giới giang hồ với những chuyến hàng buôn từ Singapore sang Việt Nam…; hay Lai Kam Yuen (tức A Dìn) kẻ bị truy tố và xét xử về hai tội “Làm tiền giả” và “Trốn khỏi trại giam” đang thụ hình bản án chung thân. Nhưng A Dìn với những tài lẻ đã tìm cách trốn khỏi nhà giam một cách đầy ngoạn mục; hoặc những kẻ phản quốc với những hành động chống phá tinh vi… Nhìn chung, kết cục của những “nhân vật chính” trong các câu chuyện này đều không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật. Hy vọng với những phân tích về mặt pháp lý, những tâm trạng của nhân vật trong các tình huống và bằng bút pháp mang tính nhân văn, các bài viết của tác giả có thể sẽ đem lại cho người đọc cảm nhận của riêng mình về những bài học cần rút ra trong cuộc sống.

Luật sư Việt Nam Online xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả tập chuyện dài kỳ của tác giả Phong Linh.

Những chiếc vòi bạch tuộc (kỳ 1): SINGAPORE, THÁNG 12 NĂM 1988...

Giới thuyền viên tàu viễn dương qua Singapore như thường lệ, sau khi giao hàng xuất khẩu, bắt đầu liên hệ nhận hàng nhập khẩu theo đơn đặt hàng và tìm mối mua hàng tiêu dùng để kiếm tiền. Bất cứ hàng nào có “chênh lệch” là “đánh quả” ngay, từ các mặt hàng điện máy cho đến kẹo sin-gum... Trong số thuyền viên của tàu Jet Star thuộc Vietranchart có Hồ Th. đã tìm cách gặp Ng. Boon Kwee (còn gọi là A Quý) sau khi tàu cập cảng Singapore vào cuối năm 1985. Theo đồn đại trong giới thuyền viên, Th. hình dung A Quý là loại “ông chủ” cỡ bự, bụng phệ, đội nón phớt, không bao giờ ra mặt... Nhưng thật bất ngờ trước mặt Th., chỉ là một thanh niên trạc 24 tuổi, dong dỏng cao, nước da trắng, khuôn mặt sáng sủa và đặc biệt là nói tiếng Việt rất sõi với âm điệu miền Bắc. Sau vài lần gặp gỡ, đưa Th. đi chơi tại Singapore với cung cách ăn chơi sành điệu, A Quý cảm thấy mến Th. vì “khẩu vị”. Trong thâm tâm A Quý biết sơ sơ qua giới thiệu rằng Hồ Th. là loại “con ông cháu cha”... Việc kết thân này chắc chắn sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho bước đường làm ăn của A Quý sau này.

Hình ảnh A Quý trước phiên tòa… (Ảnh: Xuân Ngọc)

Mộtbuổi chiều tại một tiệm ăn sang trọng gần Cảng Singapore, khi chai rượu Martelđã gần cạn, A Quý bá vai Th. gật gù:

-Suốt mấy năm làm ăn tôi thấy ông chơi được! Ông biết không cuộc đời tôi, từ nhỏlớn lên cũng là dân bụi đời, chuyên xách hàng cho bọn cướp giật... Nghĩ lại,thấy ớn cả người. Nay thì...

Nhìnkhuôn mặt A Quý, Th. chưa hiểu tại sao bữa nay anh ta lại tỏ ra thân mật vớimình đến vậy? Qua ánh sáng lấp loáng của đèn màu, A Quý vẫn đều đều tâm sự:

- Nói thiệt với ông, sống ở thời buổi này, không tinh khôn, mưu chước không xong. Ông hỏi tôi tại sao nói được tiếng Việt? Ôi dà, chuyện vặt... Tôi “đánh hàng” với thuyền viên của nhiều nước châu Á đến Cảng Singapore, trong đó có các nước Miến Điện, Ấn Độ, Indonesia và chủ yếu là thuyền viên Việt Nam. Để dễ làm ăn, tôi phải học tiếng Việt... Thời gian này thuyền viên chủ yếu là người miền Bắc, nhất là ở Hải Phòng, nên tôi nói theo giọng Bắc... Làm ăn lúc đó dễ lắm á! Vì thuyền viên Việt Nam mua hàng nhiều nên anh em tôi quyết định chỉ “đánh hàng lậu” về Việt Nam là có lợi nhất... Ông cứ lấy hàng của tôi, so với các mối khác bao giờ cũng rẻ hơn!

- Tôi biết mà, Th. gật gù tán thưởng - làm ăn với anh, tụi tôi cũng được nhờ. Nhưng mà..., sao anh không sang Việt Nam làm ăn chính thức cho dễ dàng hơn?

- Ông khỏi lo, tôi đã tính cả rồi. Nếu chỉ đi hàng bằng đường biển thì nhằm nhò gì? Đã làm ăn lớn, phải đi bằng nhiều đường, có vỏ bọc hợp pháp, không thì làm sao vào được Việt Nam? Rồi ông sẽ thấy...

Cuộc mạn đàm rồi cũng kết thúc, cả A Quý lẫn Th. dường như vẫn chưa hiểu hết về nhau. Lạ thật, Th. nghĩ - hắn có một cơ ngơi lớn cùng một người anh trai là A Hùng, có cả một công ty thương mại có tiếng là Yatsing Co... Vậy mà... Không sao hiểu nổi. Nhưng nhìn hắn không ai tin là hắn có một thời “bụi đời”. Có lần hắn kể cho Th. nghe những “phi vụ” làm ăn với các băng nhóm “xã hội đen” của Malaysia và Singapore... Các băng nhóm này thường xuyên đánh cướp các sòng bạc, khống chế hoặc đánh cướp các cửa tiệm, cướp xe chở tiền của các công ty... Số tài sản bọn chúng cướp được thường đem cho A Quý tiêu thụ với giá rẻ chỉ bằng 30% giá thị trường. Thảo nào mà hắn giàu nhanh thế! Hắn còn nói trong số các băng nhóm “xã hội đen”, phải kể đến nhóm Tan Fei cầm đầu, gốc người Hoa ở Malaysia. Nhóm này nổi tiếng với thủ đoạn sử dụng “bạo lực” bằng vũ khí. Chính người anh của Tan Fei cũng vì “thanh toán” với một băng khác mà bị bắn chết, sau Fei lên thay. Tan Fei có mối quan hệ thân thiết với A Quý.

Nhữngđiều tâm sự của A Quý dù sao cũng chỉ là những nét chấm phá trong cuộc đời bí ẩnmà Hồ Th. không làm sao biết được. Sau này, khi không còn đi tàu viễn dươngnữa, Th. hình dung A Quý là một người hợp tính, có thể bắt mối làm ăn lâu dàiđược. Th. vừa đi về tàu vừa nghĩ…

Với A Quý, thật ra Th. chỉ là một “khách hàng” trong muôn ngàn thuyền viên thường xuyên lấy hàng (chủ yếu là đồng hồ, máy tính điện tử, hàng tiêu dùng...). Nhưng A Quý vốn là kẻ thận trọng và tính toán. Y cẩn thận ghi chép địa chỉ nhà riêng của Th. tại TP. HCM để nếu có dịp sẽ liên hệ lại, mặc dù biết rằng Th. không còn đi tàu nữa.

Đã gần hết năm 1988, A Quý bồn chồn lo lắng về một sự kiện động trời. Nằm trong trại giam quận trung tâm thuộc Tổng cục cảnh sát Singapore, y đang điên đầu không biết phải tính làm sao với việc y bị bắt do liên quan đến hoạt động của băng Tan Fei. Trong một lần sang Singapore, Tan Fei bị cảnh sát Singapore bắt ngay tại sân bay Changi. Chính Tan Fei là kẻ chủ mưu tổ chức cướp một sòng bạc bằng vũ khí và đã khai với cảnh sát A Quý là người giữ tiền cướp được cho y, trị giá khoảng 70.000 đô la Singapore (tương đương 40.000USD) và gửi súng tại nhà A Quý.

Ngay sau đó, cảnh sát đến khám nhà A Quý tại số 72 lầu 10, Bik 20 đường Torok, Blanegan Cresent, phường 10 quận 9 Singapore, phát hiện tại đây một vali, mở ra có một khẩu súng Rulo (kiểu Mỹ) và 8 viên đạn. Chính vì vậy A Quý mới bị bắt. Buổi lấy cung đầu tiên và những lần tiếp theo, A Quý đều một mực chỉ khai là do sự quen biết tình cờ với Tan Fei nên có cho Tan Fei gởi nhờ một vali, chứ không hề biết là Tan Fei đã tổ chức vụ cướp sòng bạc nói trên. Sở dĩ A Quý khai như vậy là do cảnh sát thu giữ vali của Tan Fei, chiếc vali này vẫn khóa. Mặc dù vậy với những chứng cứ trực tiếp thu giữ tại nhà cùng với lời khai của Tan Fei, A Quý cũng biết rằng y cũng phải chịu hình phạt vài ba năm tù là ít.

A Hùng là anh trai của A Quý ở bên ngoài hết sức bất ngờ vì sự kiện này, vì nó có nguy cơ làm hỏng cả kế hoạch làm ăn lớn của anh em y tại Việt Nam, nhất là khi nghe được sắp tới, sẽ có những thông thương quan trọng giữa Việt Nam và Singapore - bạn hàng có kim ngạch xuất khẩu hai chiều lớn nhất so với các nước trong khu vực của Việt Nam, đặc biệt là sẽ mở đường bay trực tiếp từ TP. Hồ Chí Minh đi Singapore... Ở bên ngoài, ngay sau khi A Quý bị bắt , A Hùng phải thuê ngay một luật sư với số tiền lên tới 40.000 USD, để tìm mọi cách làm sao đưa A Quý ra khỏi trại giam. Theo luật pháp Singapore, kẻ phạm tội có thể nộp một khoản tiền thế chân để được tại ngoại hầu tra. A Hùng không ngần ngại bỏ ra tiếp 100.000 đô la Singapore (tương đương 60.000 USD) để đóng tiền thế chân cho A Quý. Vậy là chỉ sau 12 ngày nằm trong trại giam của quận trung tâm, A Quý đã được tại ngoại, công cuộc của anh em y tiếp tục được tiến triển theo mục tiêu đánh hàng lậu vào Việt Nam - một thị trường mới mở của và còn khan hiếm đủ thứ.

Dựa sẵn vào một công ty đã được thành lập từ năm 1980 là Yatshingco, A Quý bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam với danh nghĩa một thương nhân sang Việt Nam làm ăn buôn bán sau khi Việt Nam mở của với bên ngoài. Hai anh em y bàn bạc là những chuyến đi như vậy sẽ rất có lợi vì A Quý sẽ có những lý do chính đáng để tránh phải hầu tòa do liên quan đến vụ Tan Fei. Mặt khác dưới các con mắt của các giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam, y là một thương nhân làm ăn buôn bán đàng hoàng, chính thức với các đơn vị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Thực tế thì khi tòa sơ thẩm Singapore xử Tan Fei với mức án 7 năm tù, A Quý vẫn vắng mặt với lý do đang làm ăn ở Việt Nam. Nhiều đơn vị xuất nhập khẩu của Việt Nam thấy Yatshing Co là một công ty được thành lập gần 10 năm, có vốn liếng nên tin tưởng làm ăn. A Quý thường qua Việt Nam đặt mua các mặt hàng nông sản như café, hạt điều, tiêu... đem về Singapore “sang tay” cho các hãng khác và nhập về cho Việt Nam những mặt hàng xa xỉ phẩm.

Saumột thời gian khoảng 2 năm làm ăn, A Quý bàn bạc với A Hùng làm ăn theo đườngchính ngạch như vậy lời chẳng bao nhiêu mà tốn quá nhiều công sức.

- Thế chú định thế nào? Một lần A Hùng hỏi:

-Theo tôi, công ty Yatshing Co làm ăn đã lâu, có tiếng nên dễ bị để ý. Anh phảigiữ nguyên công ty này và thành lập thêm công ty mới để dễ bề làm ăn...

AHùng lờ mờ hiểu ra ý đồ của A Quý. Thực tế khi thành lập một công ty mới ởSingapore chỉ cần một số tiền rất nhỏ về thủ tục và muốn trốn tránh thuế thìchỉ khai tiền trong Ngân hàng rất ít (vì ở Singapore chỉ có số vốn từ 30.000 đôla Singapore trở lên mới đóng thuế), Thế là một công ty mới là Yesca Trading cũngdo anh em A Quý làm chủ đã ra đời năm 1990. Với công ty mới này, A Quý chỉ mởtài khoản ở Vietcombank 100USD và thường xuyên khai báo với sở thuế Singaporelà làm ăn liên tục thua lỗ, có khi lại khai là thất nghiệp để tránh sự dòm ngócủa các cơ quan chức năng của Singapore, trong khi thực chất hoạt động củaYesca Trading như là một vỏ bọc hợp pháp cho việc ra vào Việt Nam của A Quý.

Vậy là từ thế bị động từ tháng 12/1988 do việc bị bắt vì liên quan đến một băng nhóm “xã hội đen” ở Malaysia, anh em A Quý đã đảo ngược tình thế bằng những bước đi đầy tính toán để chọn con đường mới: Tổ chức những đường dây buôn lậu quốc tế lớn vào Việt Nam. Với những tính toán đầy thủ đoạn đó, A Quý đã cố quên đi cả sự kiện vợ y tên Tan Stang Gek vào tháng 7/1991 đã đệ đơn ra tòa ly dị y. A Quý đơn giản hiểu rằng chắc vợ y không chịu nổi cảnh hiu quạnh vì y thường xuyên vắng nhà nên mới đòi ly dị và thực tế là y cũng không có mặt ở Singapore để mà tòa có thể gọi trát mời y ra xử!

Mời quý độc giả đón đọc “Những chiếc vòi bạch tuộc: Đêm Nô-en 1989 ở khách sạn nối Sài Gòn (kỳ 2)” sẽ được đăng tải vào ngày 06/6/2020.

PHONG LINH