Kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư

07/09/2023 22:31 | 8 tháng trước

(LSVN) – Tác giả cho rằng quy định về phạm vi công việc pháp lý mà người tập sự hành nghề luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành đang quá thận trọng và điều đó làm giới hạn đáng kể giá trị của một quá trình tập sự hành nghề Luật sư. Trong bài viết này, tác giả trình bày những hạn chế của quy phạm này và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Không thể phủ nhận, những chuyển biến của chất lượng đào tạo luật - nghề luật và sự phát triển hội nhập của nền kinh tế xã hội Việt Nam đã thúc đẩy sự tiến bộ cả về chất và về lượng của một thế hệ Luật sư tập sự trẻ đầy tiềm năng. Họ không những sẵn sàng trở thành thế hệ kế thừa xứng đáng mà còn có khả năng đóng góp uy tín và chất lượng của nghề nghiệp luật sư và góp phần xây dựng pháp luật Việt Nam ở hiện tại và tương lai. Do đó, việc tạo điều kiện bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề cho người tập sự hành nghề luật sư là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng của thế hệ Luật sư trẻ Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về phạm vi công việc mà người tập sự hành nghề luật sư được giúp Luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành, tác giả thấy rằng quy phạm này đang quá thận trọng và điều đó làm giảm đi đáng kể mục đích và giá trị cần đạt được của một quá trình tập sự hành nghề luật sư kéo dài 12 tháng bởi những luận cứ sau đây:

Thứ nhất, quy định về việc Luật sư tập sự không được đại diện cho khách hàng tại phiên tòa theo khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành là chưa thật sự phù hợp với ý nghĩa của hoạt động tập sự hành nghề luật sư.

Bởi lẽ, thực tế cho thấy trong một số vụ việc dân sự đơn giản, khách hàng vẫn tin tưởng và đồng ý với Luật sư hướng dẫn là để người tập sự đại diện cho mình tại phiên toà để tiết giảm chi phí thù lao Luật sư. Trong trường hợp này, rõ ràng xét về khía cạnh ý chí và lợi ích thiết thực thì cả tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự, Luật sư hướng dẫn, khách hàng và người tập sự đều được thoả mãn. Đối với người tập sự thì rất cần và mong muốn có thêm kinh nghiệm quý báo này nhưng lại vướng phải rào cản không đáng có từ một quy định thiếu thực tế tại khoản 3 của Điều 14 Luật Luật sư; trong khi có những Luật sư tập sự có kiến thức chuyên môn rất tốt, thậm chí đang đang là nghiên cứu sinh luật học hoặc Thạc sĩ luật học, hoàn toàn có thể đáp ứng khả năng đại diện cho khách hàng trong một số vụ việc cụ thể. Thiết nghĩ, cho người tập sự thử thách sớm khả năng đại diện tham gia tố tụng cho khách hàng khi được sự đồng ý của khách hàng, hướng dẫn của Luật sư hướng dẫn và chấp thuận của tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự cũng là một cách để giúp người tập sự cảm thấy hoạt động tập sự luật sư ý nghĩa và thiết thực hơn, từ đó thêm yêu và quý trọng nghề nghiệp mình hơn.

Thứ hai, quy định về việc “người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với Luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,... khi được người đó đồng ý” tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành cũng chưa thật sự phù hợp với điều kiện khách quan trên thực tế và thiếu sự linh hoạt cho hoạt động tập sự hành nghề luật sư. Như Luật Luật sư đã quy định: “người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt đồng nghề nghiệp…”, nên khi phát sinh vụ việc mà khách hàng (những người nêu trên) có yêu cầu Luật sư hướng dẫn bảo vệ hoặc bào chữa cho mình thì mặc nhiên luật sư tập sự (có quyết định của Đoàn luật sư nơi đăng ký tập sự) cũng được đi cùng với Luật sư hướng dẫn của mình để trợ giúp cho người yêu cầu, trừ khi họ từ chối việc có mặt của Luật sư tập sự vì lý do riêng.

Giả thuyết đặt ra là ngay từ lần gặp đầu tiên, chính sự có mặt và ghi nhớ của Luật sư tập sự mà phát hiện được chứng cứ, tình tiết giúp họ được vô tội thì có phải chăng chính cấu trúc điều luật theo hướng “khi họ đồng ý” đã giới hạn một quyền lợi chính đáng, có thể quyết định số phận của một khách hàng? vậy câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không để khách hàng được thực hiện quyền này một cách mặc nhiên hơn? đó là nếu ngay lần gặp đầu tiên mà họ không muốn thì hoàn toàn có thể từ chối sự có mặt của Luật sư tập sự; thay vì bắt buộc Luật sư hướng dẫn phải soạn thảo văn bản có sự đồng ý của họ thông qua những lần tiếp xúc đầu tiên.

Đề xuất, kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, tác giả xin phép được đề xuất, kiến nghị giải pháp hoàn thiện quy phạm này như sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành theo hướng cho phép người tập sự hành nghề luật sư được đại diện tham gia tố tụng cho khách hàng khi được khách hàng đồng ý, Luật sư hướng dẫn cam kết hỗ trợ và tổ chức hành nghề luật sư nơi tập sự chấp thuận bằng văn bản.

Thứ hai, cấu trúc lại kỹ thuật lập pháp của quy phạm tại khoản 3 Điều 14 của Luật Luật sư hiện hành theo hướng: “người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,... trừ khi người đó từ chối”.

Thạc sĩ QUÁCH MINH TRÍ

Công ty Luật TNHH Passio Lawyers

Tìm hiểu pháp luật Liên minh châu Âu về quyền con người và liên hệ thực tiễn tại Việt Nam