Tại dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Biện pháp này áp dụng với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã khi đơn vị nợ quá hạn trên 120 ngày và từ 100 triệu đồng trở lên.
Góp ý về đề xuất này, VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng quy định này là "quá thấp". Doanh nghiệp đề nghị nâng ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên 200 triệu đồng với cá nhân và doanh nghiệp là 1 tỉ đồng. Hiện cơ quan thuế có nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản. VCCI cho rằng nhà điều hành cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba, trước khi hạn chế quyền đi lại của người dân. Chưa kể, ngành thuế đang nắm dữ liệu hàng triệu tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng nên được triển khai thời gian tới, khi thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu trở lên phổ biến.
Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính cho hay, một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại với các cá nhân nợ thuế lớn và thời gian dài. Mặt khác, đây cũng là biện pháp tích cực để thu hồi nợ thuế tồn đọng lâu nay.
Theo VCCI, cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn. Bởi, theo tổ chức này, đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ra nước ngoài không phải để trốn nghĩa vụ thuế mà vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, từ đó họ có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước. Tổ chức này cũng cho rằng nếu cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, giảm thu ngân sách trong dài hạn.
Ngoài các đối tượng này, cơ quan quản lý đề xuất cấm xuất cảnh ngay với người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký. Tức là, việc áp dụng sẽ không cần theo ngưỡng quy định. Tuy nhiên, theo VCCI, có trường hợp số thuế còn thiếu rất nhỏ, phát sinh sau khi doanh nghiệp dừng hoạt động, như lệ phí môn bài. Với giá trị nhỏ, chi phí để thu sẽ lớn hơn so với số tiền thu được.
Các biện pháp cưỡng chế đang được nhà chức trách áp dụng, gồm tạm hoãn xuất cảnh, được áp dụng với người có khoản nợ quá hạn 90 ngày. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh có thể tra cứu trên website của ngành thuế và ứng dụng etax, etaxmobile. Cơ quan thuế thường xuyên rà soát để gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định này. VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định về dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh nhằm tránh vướng mắc khi thực hiện. Cùng với đó, nhà chức trách cần nghiên cứu cơ chế cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế hoặc tiền tạm ứng tương đương ngay tại cửa khẩu. Việc này giúp Nhà nước sớm thu được tiền, tạo điều kiện cho người nợ thuế có thể ngay lập tức được dỡ bỏ biện pháp tạm hoãn xuất cảnh để đi lại bình thường.