/ Nhìn ra thế giới
/ Kinh tế Nhật Bản kỳ vọng khởi sắc sau khi RCEP có hiệu lực

Kinh tế Nhật Bản kỳ vọng khởi sắc sau khi RCEP có hiệu lực

08/11/2021 07:54 |

(LSVN) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Nhật Bản kỳ vọng hiệp định thương mại với diện bao phủ gần như toàn bộ châu Á này sẽ là cú hích kinh tế quan trọng giúp gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản và linh kiện ô tô nhờ việc cắt giảm các loại thuế liên quan.

Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.

RCEP được ký kết vào tháng 11/2020, bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng các đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Ngày 2/11 vừa qua, Australia và New Zealand đã gửi các văn kiện chính thức liên quan việc phê chuẩn RCEP lên Tổng Thư ký ASEAN. Sau động thái này, RCEP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 ở những nước đã phê chuẩn hiệp định, vì theo thỏa thuận, hiệp định sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi được ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước bên ngoài ASEAN phê chuẩn.

Theo phóng viên tại Tokyo, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 06/11, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, Nhật Bản hoan nghênh và chờ đón RCEP có hiệu lực vào đầu năm sau, đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tối đa hóa lợi ích từ hiệp định thương mại quan trọng này.

Sau khi RCEP chính thức có hiệu lực, tỉ lệ gỡ bỏ thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu giữa 15 nước thành viên sẽ lên tới 91% với trọng tâm là các sản phẩm linh kiện ô tô. Nguyên liệu sản xuất pin xe điện Lithium-ion xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm 6% theo từng giai đoạn và sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn vào năm thứ 16. Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản.

Trong khi đó, ở góc độ nhập khẩu, một số mặt hàng sẽ được giảm thuế từng giai đoạn và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Bên cạnh đó, 5 mặt hàng nông nghiệp quan trọng là gạo, lúa mì, thịt bò, thịt lợn, các sản phẩm sữa và các sản phẩm giàu đường, tinh bột sẽ không giảm thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước của Nhật Bản.

Ngoài ra, các quy tắc, quy định trên nhiều lĩnh vực cũng sẽ được thiết lập bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, RCEP có hiệu lực sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng khoảng 15.000 tỉ yen (tương đương 132 tỉ USD), gấp đôi so với mức tăng GDP nhờ tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với khoảng 8.000 tỉ yen (tương đương 70 tỉ USD). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Nhật Bản phải cố gắng giành được thế chủ động, vì hai nền kinh tế lớn của châu Á khác là Trung Quốc và Hàn Quốc không chỉ là thành viên của RCEP mà cũng là đối tác thương mại quan trọng của Nhật Bản.

PHẠM TUÂN/TTXVN

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng