Nhà Nguyễn triều đại cuối cùng quân chủ trong lịch sử Việt Nam, chọn Huế làm kinh đô. Năm 1805 Gia Long cho xây dựng kinh thành Huế, năm 1832 hoàn thành. Trong suốt 27 năm triều đình nhà Nguyễn đã huy động hàng triệu nhân công trong cả nước về xây dựng ở đây, do vậy kinh thành Huế là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo, một kỳ công của dân tộc. Kinh thành Huế gồm có 3 vòng thành, ngoài lớn trong nhỏ, xây dựng theo kiểu Vauban (tên một kỹ sư công binh người Pháp), diện tích 520ha, chu vi hơn 10.000m, tường cao 6m, dày 20m, 2 mặt tường trong và ngoài ốp gạch, giữa đắp bằng đất. Thành có 10 cửa ra vào, dựa theo phương hướng để đặt tên. Cửa Đông Nam gọi là cửa Thượng Tứ, cửa chánh Đông là Đông Ba, cửa Tây Bắc gọi là An Hòa.
Kinh thành Huế từ trên cao nhìn xuống. ( Ảnh sưu tầm).
Theo các nguyên tắc địa lý phong thủy của phương Đông và thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học các nhà kiến trúc cho xây thành quách, cung điện quay mặt về hướng Nam, lấy núi Ngự Bình cao 104m, nằm phía Nam Sông Hương làm tiền án, hai đảo nhỏ là Cồn Hến và Dã Viên trên Sông Hương làm “Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu vào trước mặt kinh thành. Gần chân thành đào một hệ thống hào chạy quanh 4 mặt, ngoài hào khoảng 200m còn đào một hệ thống sông sâu và rộng hơn gọi là Hộ Thành Hà. Đây là hai hệ thống tăng cường bảo vệ Thành nội cơ quan đầu não của triều đình. Trên mặt xây các pháo đài, vọng lâu canh gác. Ở giữa mặt Kinh thành có Kỳ đài cao lớn, uy nghi.
Nằm trong Kinh thành là Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, tức là Hoàng Cung, gọi chung là Đại Nội, khởi công xây dựng năm 1804, dưới thời vua Gia Long, hoàn chỉnh năm 1833. Nhà vua giao cho 2 đại thần Nguyễn Văn Trương và Lê Chất phụ trách công việc xây dựng. Đây là trung tâm sinh hoạt chính trị và hành chính quan trọng nhất của triều đình và là nơi ăn chốn ở của nhà vua.
Các con số dịch học được ứng dụng tối đa, nhất là số 9 và số 5 (Ảnh: Sưu tầm).
Hoàng Thành có mặt bằng hình chữ nhật, cạnh Nam, Bắc mỗi cạnh 640m, cạnh Đông, Tây mỗi cạnh 568m, tường bao quanh xây bằng gạch, cao 4,16m, dày 1,04m, diện tích bên trong 36ha. Bên ngoài Hoàng Thành có hào nước bao bọc và 10 chiếc cầu xây bằng đá bắc qua. Bốn mặt Hoàng Thành có 4 cổng: Ngọ Môn ở mặt Nam dành cho vua đi khi có đoàn Ngự đạo theo hầu, Hòa Bình ở mặt Bắc dành cho vua đi chơi, Hiển Nhân ở mặt Đông dành cho các quan lại và lính tráng phục vụ ra vào làm việc, Chương Đức ở mặt Tây giành riêng cho các bà ở trong nội cung.
Tử Cấm Thành nằm trong Hoàng Thành có hình chữ nhật, cạnh Nam, Bắc mỗi bên 432m, cạnh Đông, Tây mỗi bên 308m, tường thành cao 3,27m, dày 0,72m, diện tích bên trong hơn 9ha. Tử Cấm Thành có 10 cửa ra vào, cửa chính phía Nam là Đại Cung Môn giành cho nhà vua đi, phía Bắc có 3 cửa: Tường Loan, Nghi Phụng và Văn Phòng, phía Đông có 4 cửa: Đông An, Hưng Khánh, Cấm Uyển, Duyệt Phi, phía Tây có 2 cửa: Tây An và Gia Tường. Tử Cấm Thành khu vực quan trọng nhất, nơi sinh hoạt của nhà vua và Hoàng gia, có nhiều cung điện hoành tráng, lộng lẫy, vàng son
Theo nguyên tắc về phong thủy và quan niệm xây dựng thành trì truyền thống phương Đông, Hoàng Cung Huế được bố trí trên trục Bắc- Nam, nhưng lệch về phía Đông. Toàn bộ các công trình kiến trúc bên trong đều bố trí đăng đối ngay ngắn trên trục này, biểu hiện rõ tư tưởng đọc tôn quân quyền. Các nguyên tắc cổ điển được tôn trọng: tả văn hữu võ, tả nam hữu nữ, tả chiêu hữu mục. Các con số dịch học được ứng dụng tối đa, nhất là số 9 và số 5. Như Ngõ Môn 5 cửa 9 lầu, cửu đỉnh, cửu phẩm, cửu vị thần công. Hoàng Cung có khoảng 100 công trình lớn nhỏ được bố trí theo các khu vực. Khu vực cử hành đại lễ của triều đình gồm các công trình từ Ngõ Môn đến điện Thái Hòa. Các đại lễ như: lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ (sinh nhật vua), lễ Nguyên Đán, lễ Đại triều (mỗi tháng 2 lần) , lễ Thường triều, lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô đều thực hiện tại đây. Khu vực thờ phụng các vua chúa nhà Nguyễn: gồm 5 tòa miếu thờ. Bố trí ở hai bên khu vực cử hành đại lễ. Năm khu miếu thờ này là Triệu Miếu thờ ông Nguyễn Kim thân sinh chúa Nguyễn Hoàng, Thái Miếu thờ các đời chúa Nguyễn cùng các phi, Hưng Miếu thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long, Thế Miếu thờ các đời vua Nguyễn và hoàng hậu và điện Phụng Tiên miếu thờ riêng của hoàng gia. Cung Diên Thọ và cung Trường Sanh, mỗi cung có một tòa điện chính ở giữa và hơn 10 tòa nhà phụ ở chung quanh, giành riêng cho Hoàng Thái Hậu (mẹ vua) và Thái Hoàng Thái Hậu (bà nội vua) ăn ở. Phủ nội vụ là các nhà kho cất giữ đồ quí, các xưởng thủ công mỹ nghệ chế tạo đồ vàng, bạc, ngọc ngà, gấm vóc cho triều đình và Hoàng gia sử dụng.
Nói về kiến trúc Cố đô Huế ông Amadou Mahtar M'Bow, nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét: “ Giữa lòng Huế đô thị lịch sử ấy là một mẫu mực cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo hóa ra nó”.
Cung điện Huế có phong cách, đặc điểm riêng trong kết cấu kiến trúc và trang trí nội ngoại thất. Vật liệu chính là gỗ, các cung điện làm theo kiểu nhà ghép gọi là “ Trùng diêm, trùng lương” nhà trước nhà sau liên kết lại trần thừa lưu uốn công mềm mại. Hàng cột hiên đứng ngay trên sân để tạo ra ảo giác bề cao. Mái được chia làm hai, hoặc 3 mảng, tính từ trên xuống, nên nhìn không nặng nề. Bờ nóc, bờ quyết thẳng không tàu đao uốn cong lên như đền, chùa, miếu miền Bắc. Bên trong trang trí rất phong phú bằng thơ văn và hình ảnh cố điển theo lối “ nhất thi, nhất hoa”, chạm trổ tỉ mỉ, tinh tế, nhất là các vì kèo, hệ thống con sơn.
Khu các vườn thượng uyển gồm: vườn Cơ Hạ, Hậu Hổ, Thiện Phương, Ngự Viên. Đây nơi giành riêng cho nhà vua cùng gia đình nghỉ ngơi, thư giãn. Các khu vườn này tuyệt đẹp được vua Thiệu Trị xếp vào danh mục 20 thắng cảnh của Kinh đô Huế.
Cung điện Huế tiêu biểu cho kiến trúc độc đáo một thần thái đặc biệt của triều Nguyễn. Nói về kiến trúc Cố đô Huế ông Amadou Mahtar Mbw nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét: “ Giữa lòng Huế đô thị lịch sử ấy là một mẫu mực cấu trúc cân đối, mà sự hài hòa tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo hóa ra nó”.
Kinh Thành Huế một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây chiêm ngưỡng, tìm hiểu những nét kiến trúc độc đáo, tinh hoa của dân tộc, một triệu đại để lại nhiều dấu ấn.
PV