LSVNO - Ở Nhật Bản, Tòa án, Viện Kiểm sát và Luật sư là các thiết chế tư pháp độc lập. Vai trò của luật sư tại Nhật được đánh giá quan trọng như thẩm phán, kiểm sát viên.
Sau khi kết thúc buổi chiều trao đổi, làm việc với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản vào lúc 17h, cả đoàn nhanh chóng di chuyển ra ga Tokyo để đi tàu cao tốc về Osaka với quãng đường hơn 500 km. Do cả một ngày làm việc liên tục và chỉ có một chút thời gian trưa dùng cơm hộp ngay tại phòng họp nên các luật sư trong đoàn đều mệt và tranh thủ quãng thời gian hơn 2h30 phút trên tàu để tranh thủ chợp mắt. 20h30 chúng tôi đến Osaka.
Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với Ban lão đạo Đoàn luật sư Tokyo.
Mặc dù trời đã tối nhưng chúng tôi cũng kịp nhận thấy sự hiện đại của thành phố này. Oska là thành phố trung tâm hành chính của tỉnh Osaka, tỉnh lớn thứ 3 ở Nhật Bản với dân số 2,7 triệu người nằm ở vùng Kinki trên đảo Honshu ngay cửa sông Yodo trên vịnh Osaka, là một trung tâm thương mại và công nghiệp của Nhật Bản. Osaka còn là một hải cảng chính, trung tâm của vùng đô thị Kansai với dân số lên đến 18,644 triệu người.
9h sáng 17/1/2019, đoàn chúng tôi đến chào xã giao Đoàn luật sư Osaka, đoàn luật sư lớn thứ 4 ở Nhật Bản (sau 3 Đoàn luật sư của Tokyo) với khoảng 4.500 luật sư. Trụ sở của Đoàn là một tòa nhà mới được xây dựng và đưa vào hoạt động từ 4/2019. Tiếp đoàn chúng tôi có 4 luật sư là các Phó Chủ nhiệm đoàn và 1 luật sư là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Quốc tế của đoàn. Hai bên đã có những lời chào và đề nghị hợp tác sâu rộng trong thời gian tới để có thể chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu, góp phần vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa luật sư hai nước.
Ngay sau đó, chúng tôi đến Tòa án tỉnh Osaka để tham dự một phiên tòa. Không gian Tòa án trang nghiêm và đầy quyền lực. Đó là một phiên xử vụ án về “Tội lừa đảo” với Hội đồng xét xử chỉ gồm một nữ Thẩm phán còn trẻ. Không gian phòng xử án được trang bị đầy đủ các trang thiết bị điện tử, mỗi vị trí ngồi của Hội đồng xét xử (gồm 9 ghế), Viện Kiểm sát và Luật sư, thư ký đều được trang bị máy tính để bàn. Luật sư Nhật Bản đeo một phù hiệu nhỏ màu trắng là biểu tượng khi làm việc.
Trình tự phiên tòa gồm phần thủ tục bắt đầu, thẩm tra chứng cứ công khai, tranh luận, nghị án và tuyên án. Sau khi kết thúc, vị nữ Thẩm phán đã đến chào đoàn chúng tôi và giới thiệu với đoàn về thủ tục tố tụng cơ bản tại tòa theo pháp luật Nhật Bản. Có hai loại Hội đồng xét xử là Hội đồng gồm 1 Thẩm phán (như phiên hôm nay) và Hội đồng có 3 Thẩm phán và 6 Tòa án viên (tương ứng như Hội thẩm nhân dân ở nước ta).
Tuy nhiên, thiết chế Tòa án viên tham gia Hội đồng xét xử không giống như Hội thẩm nhân dân của Việt Nam. Họ là những người được lập từ danh sách cử tri. Cơ chế này dành cho người dân bình thường tham gia, những người có kiến thức về tư pháp sẽ không nằm trong danh sách này. Những người này là các ứng viên cho ghế Tòa án viên trong từng phiên xử. Có khoảng 100 ứng viên. Thẩm phán sẽ bốc thăm trong danh sách ứng viên này để chọn ra 6 người tham gia với chức danh Tòa án viên trong Hội đồng xét xử. Cách sắp xếp phòng xử án cũng giống Việt Nam, chỉ có điều vị trí ngồi của luật sư bào chữa và bị cáo ở xa cửa ra vào của phòng xử án.
Bị cáo ra tòa không bị còng tay (nếu bị tạm giam). Khi được xét hỏi, bị cáo ngồi ở ghế trước Chủ tọa. Kết thúc xét hỏi, bị cáo được về ngồi ghế cạnh luật sư. Nữ thẩm phán cho biết, tại Nhật, thẩm phán được chủ động với quá trình xét xử của mình tùy theo diễn biến của vụ án. Phiên xử hôm nay chỉ là một công đoạn trong quá trình xét xử nhằm kiểm tra chứng cứ công khai tại Tòa án đối với một bị cáo của vụ án có 3 đồng phạm. Để bảo đảm tính khách quan, bà quyết định tách vụ án ra thành các phiên thẩm tra chứng cứ riêng đối với từng bị cáo. Sau đó mới mở phiên xử cuối cùng và nghị án, tuyên án chung cho các bị cáo.
Quang cảnh buổi làm việc trao đổi với Đoàn luật sư Osaka.
Theo dõi diễn biến phiên tòa, chúng tôi thấy, sau phần thủ tục, kiểm sát viên trình bày tóm tắt nội dung cáo trạng. Sau đó, thẩm phán hỏi về những căn cứ truy tố bị cáo và các tài liệu chứng minh. Kiểm sát viên có nghĩa vụ chấp hành yêu cầu của thẩm phán. Khi trình bày xong, kiểm sát viên giao nộp toàn bộ hồ sơ truy tố cho thư ký trình cho thẩm phán. Tiếp sau đó, thẩm phán hỏi luật sư và bị cáo có ý kiến gì về nội dung truy tố và các tài liệu, chứng cứ của viện kiểm sát. Trong phiên tòa này, chúng tôi thấy luật sư và bị cáo đồng ý với quan điểm truy tố của viện kiểm sát mà không có ý kiến gì khác. Sau đó, luật sư nộp hồ sơ, tài liệu của mình cho thư ký trình lên thẩm phán xem xét.
Khi được chúng tôi hỏi: Thẩm phán có được viện kiểm sát chuyển cáo trạng và hồ sơ vụ án trước khi xét xử để nghiên cứu trước không thì bà trả lời rõ là không. Trước xét xử, thẩm phán không tiếp cận hồ sơ vụ án mà chỉ nhận được thông tin về cáo trạng với tên các bị cáo cùng tội danh bị truy tố vẻn vẹn có 3 trang giấy (bà giơ 03 trang giấy lên trước chúng tôi để chứng minh cho điều vừa nói). Ở Nhật Bản, Tòa án, Viện Kiểm sát và Luật sư là các thiết chế tư pháp độc lập. Vai trò của luật sư tại Nhật được đánh giá quan trọng như thẩm phán, kiểm sát viên. Họ cùng một nguồn đào tạo chung và cùng đỗ kỳ thi tư pháp.
Bà cho biết, trong phiên xử nếu thấy hồ sơ vụ án do kiểm sát viên trình lên chưa đủ căn cứ xác định tội danh của bị cáo thì thẩm phán sẽ hỏi kiểm sát viên, ngoài tập hồ sơ các tài liệu chứng cứ này, kiểm sát viên còn cung cấp thêm tài liệu chứng cứ nào khác nữa không? Có khi thẩm phán phải gặng hỏi nhiều lần. Nếu kiểm sát viên vẫn trả lời không còn chứng cứ nào khác thì thẩm phán căn cứ vào hồ sơ và kết quả điều tra công khai tại phiên tòa, sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Chúng tôi hỏi, khi gặp một vụ án phức tạp, thẩm phán có phải báo cáo án và hỏi ý kiến Chánh án hoặc Tòa án cấp trên để tham khảo hướng giải quyết án không, bà cho biết với vụ án có một thẩm phán thì thẩm phán là người quyết định, đưa ra phán quyết theo nguyên tắc độc lập xét xử mà không cần phải hỏi ý kiến và trao đổi với bất kỳ ai. Với vụ án có Tòa án viên thì thẩm phán và tòa án viên có quyền ngang nhau khi ra quyết định, phương thức ra phán quyết là theo đa số. Tuy nhiên, nếu đưa ra quyết định mang tính bất lợi với bị cáo thì nhóm những người có ý kiến bất lợi bắt buộc phải có đủ thành phần cả thẩm phán và tòa án viên.
Cả đoàn chúng tôi rất hứng thú với phần thực tiễn này và còn muốn đặt ra nhiều câu hỏi để tìm hiểu thêm về hệ thống tư pháp Nhật Bản nhưng vì thời gian đã hết nên chúng tôi rời Tòa, sau khi được vị thẩm phán dẫn đi thăm một số phòng làm việc của Tòa án.
Đoàn công tác Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm với Ban lãnh đạo Đoàn luật sư Osaka.
Buổi chiều, đoàn tiếp tục có mặt tại Trụ sở Đoàn luật sư Osaka để nghe, trao đổi và thảo luận hai nội dung về tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư Osaka với số lượng hơn 4.500 luật sư và Đoàn luật sư tỉnh Nara chỉ có 172 luật sư. Mỗi đoàn đều có những điểm chung trong cơ cấu tổ chức và hoạt động, theo Luật Luật sư và Điều lệ Nichibenren nhưng cũng có những điểm rất đặc thù với tính chất địa phương, số lượng luật sư của Đoàn. Trong buổi làm việc này, các luật sư thành viên của Đoàn công tác từ các Đoàn luật sư địa phương Việt Nam đã có rất nhiều thông tin hữu ích liên quan việc tổ chức đoàn, việc thu phí và quản lý tài chính, mối quan hệ với Liên đoàn Luật sư.
Buổi tối, Đoàn được lãnh đạo Đoàn luật sư Osaka mời cơm thân mật. Đêm Osaaka lạnh hơn ở Tokyo nhưng chúng tôi vẫn nhận được sự chân tình và nồng ấm trong tình cảm thân thiết của các đồng nghiệp luật sư Osaka.
Trang Minh