Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ tổ chức Hội nghị về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 17/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8 dự kiến có khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào sáng 03/12/2024. Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 đến 12/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến 03/12/2024.
Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, cơn bão số 3 vừa qua diễn biến rất phức tạp, hậu quả để lại rất nặng nề và cho đến thời điểm này chưa thống kê hết những thiệt hại.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại thêm khó khăn mới, thách thức mới. Chính phủ phải đứng trước khó khăn, áp lực thêm trong việc thu, chi ngân sách, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo ổn định vĩ mô của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát và tăng giá các mặt hàng để đảm bảo đời sống cho người dân.
Vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả, thể chế kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng.
Cho rằng, thời gian để thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 05 năm chỉ còn hơn 01 năm nữa là kết thúc, bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của cơn bão số 3 rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần phải xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.
Những vấn đề nào Chính phủ điều hành, Chính phủ sẽ quyết định. Những nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Luật, nghị quyết có chất lượng hay không thì trước hết phải xuất phát từ cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định và Chính phủ.
Khi Chính phủ trình sang đây thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội phải làm việc liên tục, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, thực chất để đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với những người đứng đầu các bộ, ngành cần phải đeo bám các dự án luật, nghị quyết đến cùng.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần "khó đến đâu, gỡ đến đó".
MẠNH QUÂN