Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo cụ thể về những vấn đề nóng liên quan đến sách giáo khoa đang được người dân, xã hội quan tâm hiện nay như: Nội dung các bộ sách; những yếu tố cấu thành giá sách; tính ổn định của nội dung và khả năng dùng lại của các bộ sách mới; việc sử dụng sách bổ trợ, sách giáo viên, sách tham khảo; quy mô thị trường sách hiện nay; hệ thống phân phối; ưu đãi về thuế cho các nhà xuất bản… Theo đó, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai các giải pháp để giảm giá sách giáo khoa như sửa đổi, ban hành Thông tư số 5/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức; các nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa...
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm tổ chức các diễn đàn, hội thảo về sách giáo khoa, kết hợp triển lãm, trưng bày các bộ sách giáo khoa nước ngoài, sách giáo khoa điện tử nhằm làm rõ những thay đổi về chất lượng và hình thức các bộ sách giáo khoa ở Việt Nam hiện nay; đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào các thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, năm nay, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để rà soát phương án kê khai giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản; khuyến nghị các đơn vị giảm các khoản chi phí trung gian để giảm giá sách giáo khoa. Thực tế, giá sách giáo khoa tăng do trong cơ cấu giá có chi phí phát hành, chi phí đầu tư để tổ chức bản thảo (trước đây sử dụng bằng toàn bộ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA) và các khoản chi phí khác như truyền thông; triển khai thị trường; bồi dưỡng, tập huấn và sử dụng sách; chi phí tặng sách cho cơ sở giáo dục... Bên cạnh đó, do thay đổi về chất lượng, tăng khổ giấy lên 1,3 lần, sách mới tiên tiến hơn với các phần mềm điện tử (video, hệ thống bài tập, đánh giá năng lực học sinh...) nên giá thành sách giáo khoa tăng. Đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phân biệt rõ giữa sách giáo khoa và sách tham khảo; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các khoản mục chi phí…
Đồng quan điểm, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều sự đổi mới tích cực trong vấn đề đổi mới sách giáo khi có sự thay đổi về chất lượng dựa trên quy chuẩn đã được nghiên cứu, tham khảo từ các bộ sách trên thế giới. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân nên các ý kiến đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân.
Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới giáo dục là vấn đề rất lớn, trong đó đổi mới chương trình sách giáo khoa là nhiệm vụ nhận được sự quan tâm cao của người dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp tuyên truyền, tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vì sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp; tổ chức diễn đàn, hội thảo để làm rõ một số vấn đề quan trọng liên quan đến sách giáo khoa mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của các nước và thực tiễn triển khai ở Việt Nam, các ý kiến, tham luận tại hội thảo, diễn đàn cần làm rõ một số vấn đề như dự kiến số lượng các bộ sách giáo khoa ở Việt Nam trong thời gian tới; tính ổn định của nội dung, khả năng sử dụng lại nhiều lần của các bộ sách giáo khoa sau khi hoàn thành lộ trình đổi mới, tiến tới thực hiện số hóa, triển khai sách giáo khoa điện tử trong tương lai. Bên cạnh đó, các bên liên quan cần làm rõ các quy định, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo liên quan đến đổi mới việc dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; công khai các quy định về thẩm định, biên soạn, phê duyệt các bộ sách giáo khoa nhằm bảo đảm nội dung phù hợp với chương trình, cần công bố bản thảo để xã hội, cộng đồng vào “nhặt sạn”; đánh giá quy mô thị trường sách giáo khoa, sách bổ trợ, sách tham khảo để đề ra các giải pháp hỗ trợ học sinh, giáo viên hiệu quả; đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề định giá, hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp…
Ngoài r, Về hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu phương án sử dụng ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa, đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng.
PV
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020