Lẽ công bằng trong văn học dân gian và yêu cầu trong xây dựng, thực thi pháp luật hiện nay

22/01/2019 17:28 | 5 năm trước

LSVNO - Bộ máy công quyền là nơi người dân kỳ vọng tìm lại lẽ công bằng khi có những mâu thuẫn, oan uổng,... Quan tòa được dân gian xưa gọi là những người “cầm cân, nảy mực” một cách “chí công...

LSVNO - Bộ máy công quyền là nơi người dân kỳ vọng tìm lại lẽ công bằng khi có những mâu thuẫn, oan uổng,... Quan tòa được dân gian xưa gọi là những người “cầm cân, nảy mực” một cách “chí công vô tư”.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”[1]. Tư tưởng này tiếp tục kế thừa từ tư tưởng lấy dân làm gốc mà ông cha ta đã đúc kết từ xưa: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, thuận lòng dân thì sống, nghịch lòng dân thì chết”[2]. Việc tiếp cận lẽ công bằng từ góc nhìn của văn học dân gian ở Việt Nam sẽ cho ta cái nhìn thân thuộc, gần gũi, đi sâu vào tâm tư, đời sống của người dân, từ đó có những ứng xử pháp luật phù hợp hơn - cả trong quá trình xây dựng pháp luật (lắng nghe ý kiến nhân dân) cũng như trong quá trình thực thi pháp luật, quá trình phân xử các tranh chấp…

Lẽ công bằng thể hiện trong văn học dân gian Việt Nam

Quan niệm về lẽ công bằng của người Việt Nam thể hiện trong văn học dân gian thông qua nhiều hình thức, như: thành ngữ, tục ngữ, ca dao, vè, chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn… Từ xa xưa, người dân Việt Nam luôn hướng tới lẽ công bằng của tự nhiên. Thuyết nhân quả “gieo nhân nào gặt quả nấy” thể hiện ước mong về một cuộc sống công bằng, những người sống không tốt sẽ gặp nhiều điều xui xẻo, tai ương về sau.

Cái xấu, cái ác sẽ bị trừng trị vì “gieo gió sẽ gặt bão” hay “ác giả, ác báo”. Không những thế, người Việt xưa quan niệm rằng những người làm điều xấu, điều ác còn có thể gây ra “nghiệp chướng” cho con cháu đời sau: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Ngược lại, những người tốt bụng, sống “tốt đời, đẹp đạo” sẽ được đền đáp “ở hiền gặp lành” hay “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”. Sống ngay thẳng sẽ được tâm an, không lo lắng, sợ sệt: “Cây ngay không sợ chết đứng”, “Người gian thì sợ người ngay/Người ngay chẳng sợ đường cày cong queo”. Bên cạnh đó, niềm tin ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác vừa là triết lý sống vừa là đạo lý, ước mơ về sự công bằng của người dân gửi gắm trong truyện cổ tích.

 Ảnh minh họa.

Triết lý “ở hiền gặp lành” được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau trong hầu hết các thể loại sáng tác dân gian truyền thống của người Việt (tục ngữ, ca dao, tuồng, chèo...), nhưng tập trung nhất là ở truyện cổ tích, đặc biệt là ở bộ phận cổ tích thần kỳ - bộ phận quan trọng và tiêu biểu nhất của truyện cổ tích. Triết lý này chi phối toàn bộ sự xây dựng và phát triển của các nhân vật chính diện, phản diện và lực lượng thần kỳ ở trong truyện cổ tích. Đối với các nhân vật chính diện như: Sọ Dừa, Thạch Sanh, cô Tấm, người em trong truyện Cây Khế... dân gian xưa không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông đối với những đau khổ, đắng cay, oan ức của họ mà còn đặc biệt quan tâm, tìm cách, tìm đường giải thoát cho họ để họ được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy mà nhiều nhân vật chính diện trong truyện cổ tích đã được đổi đời, được đền bù thích đáng.

Đối với các nhân vật phản diện, dân gian xưa không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỷ, độc ác, dã man của những nhân vật này mà còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt để những người lương thiện được sống yên vui. Vì thế, hầu hết các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích đều dẫn đến kết cục bi thảm và bị trừng phạt thích đáng.

Bên cạnh thuyết nhân quả, dân gian xưa coi trọng chữ tín và đề cao lẽ phải. Những người sống thuận lẽ phải còn được đề cao hơn cả tiền tài, vàng bạc, châu báu: Dù anh què quặt chân tay/Anh làm chuyện phải em nài theo anh/ Dù anh sập gụ nhà vàng/Anh làm điều quấy giỏ vàng cũng chê”. Dân gian xưa đề cao những người sống đạo đức, thật thà: “Những người tính nết thật thà/Đi đâu cũng được người ta tin dùng”, “Tu thân rồi mới tề gia/Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai”. Dân gian xưa kịch liệt lên án những thói hư, tật xấu, như những người “của mình thì giữ bo bo, của người thì đớp cho no mới về”, hay những người thường “hứa hươu, hứa vượn”, “treo đầu dê, bán thịt chó”, “rao mật gấu, bán mật heo”, “rao ngọc, bán đá”. Bởi vậy mà trong dân gian xưa quan niệm “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

Bộ máy công quyền là nơi người dân kỳ vọng tìm lại lẽ công bằng khi có những mâu thuẫn, oan uổng... Quan tòa được dân gian xưa gọi là những người “cầm cân, nảy mực” một cách “chí công vô tư”. Đó là tôn chỉ của các quan thanh liêm xưa. Các quan giải quyết việc công bao giờ cũng lấy sự công bằng làm mực thước, và dứt khoát không tư vị một ai, dù đó là người thân của chính mình. Những vị quan thanh liêm, công minh, theo đúng chuẩn mức đạo lý và giữ đúng kỷ cương xã hội được người dân ca tụng như những bậc “phụ mẫu” của dân. Tuy nhiên, khi những kỳ vọng, lòng tin vào bộ máy công quyền bị những vị quan lại tha hóa, biến chất làm cho lung lạc thì người dân cực lực lên án dưới nhiều cách thức khác nhau:

Mạnh dạn tố cáo những quan lại bị tha hóa bởi mãnh lực kim tiền, khiến cho “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “kim ngân phá luật lệ”, “tiền bạc đi trước, mực thước đi sau”, “của vào quan như than vào lò”. Mỗi lần có chuyện kiện tụng giữa dân chúng với nhau là quan lại “mở cờ trong bụng” vì sắp được hưởng lợi, chẳng thế mà“quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”. Khi có tiền hối lộ thì quan xử kiện không còn công minh nữa, “mèo tha miếng thịt xôn xao/Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi!” Người có quyền lực như quan thì nói như thế nào, “phán” như thế nào cũng được, chẳng ai dám cãi lại, khiến người dân chế giễu chua cay rằng“muốn nói oan làm quan mà nói”, “Con ơi mẹ bảo con này/Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; Tố cáo những vị quan dâm ô, hà hiếp dân lành: “Em là con gái đồng trinh/Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè/Ông Nghè sai lính ra ve.../Trăm lạy ông Nghè tôi đã có con/Có con thì mặc có con/Thắt lưng cho giòn, theo võng cho mau”. Dân gian lên án hành vi dâm ô có tính cách liên kết giữa các quan lại, sâu xa là lên án hành vi coi thường luật pháp có tính chất bao che, cấu kết lẫn nhau của các nhóm quan lại: “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi”. Người dân “thấp cổ, bé họng” nhiều khi đành chỉ phản kháng một cách trào lộng rằng: “Đẻ đứa con trai/Chẳng biết nó giống ai/Cái mặt thì giống ông Cai/Cái đầu ông Xã, cái tai ông Trùm”.

Khi xã hội được thống trị bởi những tầng lớp vua chúa, quan lại bị mãnh lực kim tiền và sắc dục làm cho lung lạc, tùy tiện, lộng hành, lạm quyền thì việc tới “cửa quan” để tìm kiếm công bằng của người dân trở nên xa xôi, thậm chí dân gian xưa còn coi việc phải tới thưa kiện nơi “cửa quan” là một điều xui xẻo,  “vô phúc đáo tụng đình”. Trong thời gian thưa kiện, bên nguyên đơn cũng như bên bị đơn đều phải lên xuống hầu quan nhiều lần. Mỗi lần như vậy lại phải bỏ việc nhà năm ba ngày, có khi hàng tháng, vì đường sá ngày xưa đi lại khó khăn, bên cạnh đó, tốn hao không biết bao nhiêu tiền của, chi tiêu dọc đường, tiền xe đi lại, tiền ngủ trọ, và... đút lót cho các sai nha... để cuối cùng bên nào cũng sạch túi cả: “chờ được vạ, má đã xưng”.

Khi việc tìm kiếm công bằng tại chốn quan lại, triều đình trở nên khó khăn, dân gian xưa gửi gắm ước mong về lẽ công bằng nơi những thế lực siêu nhiên như ông trời, chúa trời, đức phật, bồ tát, thần linh, thánh thần,… “đèn trời soi xét”. Bên cạnh đó, khi “con giun xéo mãi cùng quằn” và “tức nước vỡ bờ” thì người dân ước mong về một xã hội công bằng, với việc “Con vua rồi lại làm vua/Con sãi ở chùa lại quét lá đa/Bao giờ dân nổi can qua/Con vua thất thế lại ra quét chùa”.

Như vậy có thể thấy, cùng với sự phong phú của tiếng Việt, với những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, vè, chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn…, với văn phong “nôm na”, gần gũi, dễ thuộc, dễ nhớ, những phép ẩn dụ thể hiện triết lý sâu cay, những quan niệm về lẽ công bằng trong văn học dân gian có lẽ đã ăn sâu, bám rễ vào tâm thức bao thế hệ người dân Việt Nam, trong dân gian xưa và vẫn đang tiếp tục hiện diện trong đời sống hiện tại. Đó là những triết lý được thể hiện một cách gần gũi về tính cộng đồng, tương thân, tương ái, coi trọng sự hài hòa, “có lý, có tình” khi giải quyết công việc, coi trọng danh dự, chữ tín, lên án sự bội ước, đề cao đức tính hy sinh, lên án thói hư, tật xấu, tố cáo những hành vi tiêu cực và mong muốn sự thưởng/phạt tương xứng.

Một vài yêu cầu trong xây dựng và thực thi pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay, không thể phủ nhận tình trạng pháp luật còn tồn tại không ít bất cập cần giải quyết, tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính ổn định thấp, tính công khai minh bạch còn hạn chế, đặc biệt tính khả thi của hệ thống pháp luật Việt Nam còn nhiều bất cập[3]. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, tình trạng “luật rừng” vẫn hoành hành trong đời sống của người dân trong khi Nhà nước ban hành một “rừng luật”!

Tình trạng án oan sai còn tồn tại không ít trong xã hội. Khi pháp luật còn nhiều bất cập, cơ chế thực thi pháp luật còn nhiều điểm hạn chế, trong hành xử thường ngày của người dân có những ứng xử mang tính bột phát, thể hiện sự đấu tranh mạnh mẽ của người dân nhằm tìm kiếm lẽ công bằng. Tiêu biểu như vụ án liên quan tới cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng[4]. Hay các trường hợp khi bắt được một người ăn trộm, thậm chí chỉ là trộm một con chó, vài ba con vịt, con gà, đôi khi cả làng kéo nhau ra đánh tên trộm đó[5]. Nhiều vụ việc dân làng cùng bao vây và đánh trộm dẫn đến hậu quả chết người và nhiều người dân vướng vào vòng lao lý một cách không đáng có. Những sự việc đau lòng này đã diễn ra một cách phổ biến trong xã hội Việt Nam thời gian qua, không còn là cá biệt.

Những hành xử trong cộng đồng trên đây thể hiện thái độ căm ghét cái xấu, cái ác, sự bất công trong xã hội, tìm kiếm lẽ công bằng một cách tự phát, tuy nhiên, những hành xử này không phù hợp trong bối cảnh nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay. Để lẽ công bằng luôn lan tỏa trong cộng đồng đúng như tinh thần khoản 1 Điều 2 Hiến pháp năm 2013, thiết nghĩ, quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật ở Việt Nam hiện nay cần chú trọng tới một vài yếu tố sau:

Thứ nhất, quá trình xây dựng cũng như thực thi pháp luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử dân tộc, với truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước cho tới nay, người dân Việt Nam vẫn lưu giữ một số truyền thống đặc trưng như: tính cộng đồng, tương thân, tương ái, coi trọng sự hài hòa, có lý, có tình khi giải quyết công việc, coi trọng danh dự, chữ tín, lên án sự bội ước, đề cao đức tính hy sinh, lên án thói hư, tật xấu, tố cáo những hành vi tiêu cực và mong muốn sự thưởng/phạt tương xứng.

Một đặc điểm quan trọng trong điều hành xã hội ở nước ta là sự tồn tại song hành trên thực tế một dạng thức kép giữa những nguyên tắc quản lý xã hội được ghi thành văn bản với những nguyên tắc được quy ước và công nhận không thành văn bản. Các chuẩn mực về hoạt động và hành vi của con người không phải chỉ được quy định trong pháp luật mà còn trong rất nhiều quy ước, thông lệ, tập tục, tập quán, đạo đức, giáo lý... Vai trò của luật pháp trong nhiều trường hợp lại không phải là chủ yếu. Bên cạnh luật lệ do địa phương làng, xã đặt ra và được ghi chép trong hương ước, con người với tư cách cá nhân còn bị ràng buộc bởi những phong tục, tập quán, lề thói khá nặng nề. Hành vi, cử chỉ của con người thường gắn bó chặt chẽ với những thang bảng của giá trị đạo đức xã hội hơn là với luật lệ[6].

Ảnh minh họa.

Thứ hai, sự ràng buộc về phong tục, tập quán, đạo đức, giáo lý... còn khá nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến cách hành xử của người dân. Điểm quan trọng tồn tại trong xã hội Việt Nam là sự song hành giữa “phép vua” và “lệ làng”, vai trò của luật pháp thành văn trong nhiều trường hợp không là yếu tố quyết định chủ yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam xây dựng pháp luật theo hệ thống thành văn nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng những phong tục, tập quán, thói quen ứng xử... trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để quá trình xây dựng pháp luật cũng như thực thi pháp luật có những hành xử phù hợp nhất.

Thứ ba, việc tiếp cận lẽ công bằng, hay rộng hơn là công lý trong khuôn khổ thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần tập trung vào xem xét trong lĩnh vực tư pháp xét xử. Người dân không đặt nặng câu chữ trong các văn bản pháp quy mà thường quan tâm đến những giá trị thực chất của bộ máy công quyền khi thực thi nhiệm vụ, mà trung tâm là hệ thống bộ máy tư pháp xét xử. Nếu bộ máy tư pháp xét xử không đủ hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hóa lẽ công bằng trong xã hội. Bộ máy tố tụng phải đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là công bộc phục vụ, đem lại sự hài lòng, công bằng cho người dân, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Lẽ công bằng như một dòng chảy tự nhiên xuyên suốt văn học dân gian Việt Nam, là nơi gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của người dân, là nguồn mạch chảy xuyên suốt trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục hiện diện trong đời sống hiện tại của người dân Việt Nam. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, chúng ta cần lắng nghe ý kiến người dân nhiều hơn nữa, đi sâu vào đời sống người dân để có những ứng xử pháp lý phù hợp hơn, để lẽ công bằng ngày càng lan tỏa trong cộng đồng.

Đỗ Thúy Hằng

 ---***---

[1] Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013.

[2] Quan điểm của nhà quân sự lỗi lạc, đại văn hào Nguyễn Trãi.

[3] Xem chi tiết tại Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

[4] Tranh chấp giữa ông Đoàn Văn Vươn và Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), vụ việc khiến 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác và bị cách chức.

[5] Xem các vụ việc:

- Cả làng nhận tội đánh chết trộm chó: http://www.doisongphapluat.com/phap-1uat/an-ninh-hinh-su/vu-ca-1ang-nhan-toi-danh-chet-trom-cho-dan-to-cong-an-ep-cung-a1813.html

- Cả làng bao vây đánh chết 02 tên trộm chó: http://nld.com.vn/phap-luat/bi-ban-tra-dan-lang-bao-vay-danh-chet-2-ke-trom-cho-20141220113534156.htm

- Dân làng đánh chết thanh niên trộm chó: http://www.tinmoi.vn/hai-phong-dan-lang-danh-chet-thanh-nien-trom-cho-011259606.html

[6] Xem: TS. Đỗ Đức Minh, “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - những yếu tố tác động từ truyền thống và hiện tại”, Tạp chí Cộng sản online, ngày 16/10/2014:http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen/2014/29855/Xay-dung-Nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-Viet-Nam.aspx