Ảnh minh họa.
Bạo lực gia đình là vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm bởi nó tác động trực tiếp đến hôn nhân và gia đình, tác động đến hạnh phúc của mọi nhà và liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội, không loại trừ ai. Bởi vậy bạo lực gia đình không phải là khái niệm mới, thậm chí là khái niệm rất gần gũi, là vấn đề xã hội được nhà nước rất quan tâm. Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, nhà nước lại đưa ra các giải pháp, biện pháp để đấu tranh với tình trạng bạo lực gia đình nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em và mở rộng hơn nữa là quyền con người, quyền công dân theo quy định pháp luật, để duy trì hạnh phúc gia đình, tạo môi trường văn minh, lành mạnh, hạnh phúc cho nhân dân.
Khái niệm "bạo lực gia đình" được ghép từ hai khái niệm là "bạo lực" và "gia đình". Trong đó bạo lực được hiểu một cách đơn giản đó là: “sức mạnh dùng để cưỡng bức, trấn áp hoặc lật đổ”. Bạo lực là sức mạnh, có thể là sức mạnh về vật chất hoặc sức mạnh về tinh thần tác động đến những chủ thể khác trong xã hội để lấn át, kiểm soát, lật đổ, để thống trị kẻ khác, người khác, để đạt được mục đích, thoả mãn nhu cầu khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong xã hội. Bạo lực không chỉ xảy ra trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội mà kể cả trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng có thể xảy ra bạo lực...
Các mối quan hệ xã hội vốn rất đa dạng và phức tạp, các mâu thuẫn, xung đột có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực nên hành vi bạo lực cũng rất phong phú, được chia thành nhiều dạng khác nhau tùy theo từng góc độ nhìn nhận như: bạo lực có thể nhìn thấy và bạo lực không nhìn thấy được; bạo lực bằng hành động và bạo lực không hành động; bạo lực với phụ nữ, với trẻ em,…
Khái niệm bạo lực gia đình được sử dụng khá phổ biến rộng rãi trong các lĩnh vực pháp luật và trong đời sống xã hội. Việt Nam đã sớm ban hành các văn bản để phòng chống bạo lực gia đình, điển hình nhất có thể nhắc đến là Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 và các văn bản pháp luật có liên quan. Hành vi bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị chịu chế tài hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Theo cách hiểu thông thường, bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là hành vi có ý chí, có mục đích của chủ thể tác động đến các thành viên trong gia đình gây ra những tổn thương hoặc đe dọa gây ra những tổn hại đối với các thành viên khác trong gia đình, khiến cho gia đình mâu thuẫn, rạn nứt và có thể tan vỡ. Theo quy định tại Điều 1, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình.
Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân chia các loại bạo lực gia đình như phân chia theo hành vi (hành động hoặc không hành động), phân chia theo hình thức bạo lực; hậu quả bạo lực; lĩnh vực bạo lực, theo đó, có thể phân chia bạo lực gia đình thành các hình thức chủ yếu sau:
- Bạo lực thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ;
- Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình. Điều đáng chú ý là bạo lực về tinh thần có thể biểu hiện ở hành động là dùng lời nói mạt sát, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín, làm nhục những người thân, thành viên trong gia đình hoặc cũng có thể là thể hiện "hành vi không hành động" như: không nói, không giao tiếp, thể hiện thái độ coi thường gây áp lực, ức chế cho các thành viên khác trong gia đình,...
- Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền tự do lao động, tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản,…)
- Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định các hành vi bạo lực bao gồm: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; Cưỡng ép quan hệ tình dục; Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Như vậy, bạo lực gia đình là khái niệm rộng, bao quát, thể hiện ở nhiều hành vi khác nhau, với những chủ thể khác nhau, gây ra những hậu quả khác nhau. Những hành vi bạo lực gia đình bằng lời nói như chửi bới, xúc phạm, bạo lực; về thể xác như đánh đập hành hạ, bạo lực còn thể hiện ở không hành động như không giao tiếp, không giao tiếp, không thực hiện nghĩa vụ, tỏ thái độ im lặng, bày tỏ thái độ coi thường, khinh miệt, tạo ra tâm lý ức chế khiến cho những người trong gia đình cảm thấy căng thẳng, lo lắng, sợ hãi... Kể cả hành vi khen người khác một cách có chủ đích để qua đó so sánh, chê các thành viên trong gia đình, thể hiện thái độ coi thường, sỉ nhục các thành viên trong gia đình thì đó cũng là hành vi bạo lực gia đình. Hành vi bạo lực gia đình cụ thể rất đa dạng, có nhiều dạng biểu hiện khác nhau, cách thức biểu hiện khác nhau và cũng gây ra những hậu quả khác nhau đối với đời sống tâm lý sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Trên cơ sở các khái niệm, căn cứ vào các quy định pháp luật về hành vi, xác định hậu quả, đối tượng, các biện pháp phòng chánh... ta có thể thấy đặc điểm của bạo lực gia đình như sau: Bạo lực gia đình trước hết phải là hành vi “cố ý" của "thành viên" gia đình và hành vi này phải "gây tổn hại" hoặc có khả năng gây tổn hại, về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 31/5/2022 về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn về hành vi bạo lực trong gia đình. Đơn cử như đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam cho rằng, vợ chồng kiểm tra tin nhắn của nhau, khen hàng xóm đẹp, về nhà không nói chuyện, so sánh con với bạn khác,... cũng là bạo lực gia đình. Còn đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung thì đề nghị, chồng đi làm về nhưng im lặng không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo, giận dỗi vô cớ,... cũng phải bị xem là hành vi bạo lực gia đình. |
Bởi vậy, nội dung phát biểu của các đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3 vừa qua về các biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình không sai, tuy nhiên đó là những biểu hiện cụ thể, chi tiết trong những tình huống cụ thể. Để đưa ra khái niệm chính xác thì phải dựa trên hệ thống khái niệm đã có, phải chỉ ra những thuộc tính, nội hàm đầy đủ của một khái niệm. Từ đó có thể có những đặc điểm để phân biệt với các khái niệm khác, các lĩnh vực khác, làm căn cứ để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, từ đó đưa ra các giải pháp để phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả.
Vì vậy khi xây dựng khái niệm, cần phải đảm bảo tính khái quát, sử dụng từ ngữ thể hiện đầy đủ nội hàm của một khái niệm, không nên mô tả theo phương pháp liệt kê hay loại trừ,... Nên dùng phương pháp tổng hợp, khái quát, chứ không nên mô tả từng hành vi cụ thể để tránh thiếu sót và có những hiểu lầm..
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp