Ảnh minh họa.
Án điểm và bản lĩnh người kiểm sát
Cho đến giờ này tôi vẫn không quên phiên toà phúc thẩm vụ án "Buôn lậu” lớn nhất toàn quốc ở thời điểm đó xảy ra tại Kiên Giang. Vụ án Huỳnh Bĩnh Phước (Bĩnh Họt) do Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm. Vụ án được tỉnh ủy, các cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang xác định là án điểm của địa phương, có sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan tố tụng trung ương. Án sơ thẩm xử Huỳnh Bĩnh Phước (Bĩnh Họt) 12 năm tù. Tôi cùng Luật sư Trịnh Đình Ban, Luật sư Xuân Mai bào chữa cho bị cáo. Vụ án có sự tham gia của nhiều Luật sư danh tiếng của TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ: Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Luật sư Phạm Quốc Hưng, Luật sư Đoàn Mộng Thu...
Điều đặc biệt là phiên toà phúc thẩm đặt dưới sự điều hành của Chánh án Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh Trần Tuấn Sĩ. Đại diện Viện kiểm sát là Viện trưởng Viện kiểm sát phúc thẩm tối cao Lê Xuân Dục và thư ký tòa là bà Lương Ngọc Trâm, nay là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đây là vụ án lớn đầu tiên trong nghề Luật sư mà tôi được tham gia và trong suy nghĩ của mình đối với án điểm để thay đổi được một bản án đối với bị cáo theo hướng có lợi hơn sẽ vô cùng nan giải.
Phiên toà sơ thẩm bị cáo không nhận tội tuy nhiên tại phiên toà phúc thẩm qua phân tích của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử đặc biệt là sự trao đổi giữa Luật sư và bị cáo trong giờ giải lao, bị cáo sau đó nhận tội và xin giảm án. Chính đây là tiền đề để Luật sư tranh luận và làm thay đổi nhận thức của kiểm sát viên và Hội đồng xét xử rằng “Luật sư không phải cãi bằng mọi giá mà tranh cãi trên cơ sở sự thật, chứng cứ”.
Lần đầu nghe Chánh án Lê Xuân Dục kết luận về vụ án, đó là một bản kết luận rất gọn, nhẹ nhàng nhưng sắc sảo sâu sắc. Chánh án đề nghị giảm án cho tất cả các bị cáo trong đó bị cáo Huỳnh Bĩnh Phước (Bĩnh Họt), bị cáo đầu vụ từ 12 năm xuống 7 năm tù. Hội đồng xét xử đã chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát để tuyên bản án phúc thẩm. Bản án được công luận và dân chúng đồng tình mặc dù là Án điểm. Tôi nghĩ đó là bản lĩnh của người kiểm sát viên giữ quyền công tố.
Luật sư, Kiểm sát viên tại toà án: Đối đầu hay tranh tụng?
Những năm tháng hành nghề Luật sư, nhiều người trong đó có các Luật sư đồng nghiệp của tôi nói rằng, giữa Luật sư và Kiểm sát viên trong một phiên toà hình sự thường là đối đầu. Bên buộc tội, bên gỡ tội nên suy nghỉ này là lẽ đương nhiên. Nhiều phiên toà căng như dây đàn, thậm chí có phiên toà kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư xem xét về thái độ Luật sư khi tranh cãi tại toà, ngôn ngữ sử dụng thiếu chuẩn mực. Ngược lại có Luật sư đề nghị thay đổi kiểm sát viên bởi thái độ của họ đối với Luật sư đó không được thân thiện.
Riêng tôi, một kỷ niệm khó phai về một vị kiểm sát viên, ông Phạm Phổ (nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát phúc thẩm tối cao tại TP. Hồ Chí Minh). Ngày đó, ông đi cùng đoàn kiểm tra với Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương về Cần Thơ để kết luận rút kinh nghiệm một số vụ án. Buổi tối ăn cơm ở nhà khách tỉnh ủy, đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Trịnh Hồng Dương, người nổi tiếng về nhân cách, nghiệp vụ trong ngành tòa án.
Chánh án Trịnh Hồng Dương có hỏi tôi: “Cậu này là cậu nào?”, “Cậu này là Luật sư, người thường bào chữa chỉ định chữa cháy trong các phiên toà hình sự mà bắt buộc phải có Luật sư”, chú Phạm Phổ nói. Nghe vậy, Chánh án mời tôi lại uống trà, qua đây tôi không chỉ được nghe kể những câu chuyện nghề nghiệp mà còn chuyện đời, chuyện tiếu lâm tôi hiểu hơn về nghề luật .
Thế mới thấy, suy cho cùng kiểm sát viên hay Luật sư thì cũng hướng tới sự thật và công lý và tranh tụng thay cho đối đầu thì thật là tuyệt vời.
Nhà báo, Luật sư NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH
Vai trò của Luật sư trong hoạt động tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013