/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề pháp lý về lạm dụng chế định ủy quyền trong doanh nghiệp

Một số vấn đề pháp lý về lạm dụng chế định ủy quyền trong doanh nghiệp

06/10/2023 06:10 |

(LSVN) – Cơ chế uỷ quyền là công cụ hữu ích được pháp luật công nhận tạo điều kiện cho các chủ thể trong xã hội nói chung và người có thẩm quyền đại diện trong doanh nghiệp nói riêng đạt được mục đích hành động của mình thông qua chủ thể khác để giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội hoặc quản trị doanh nghiệp mà vì lý do cụ thể nào đó chủ thể mang quyền không thể/không tiện tự mình xử lý.

Ảnh minh hoạ.

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay là các văn kiện giao dịch, quyết định, tài liệu được ký kết, ban hành bởi các chủ thể không có thẩm quyền quyết định hay không đủ tư cách xác lập giao dịch. Điều đáng nói, ngoài tính chủ quan của các chủ thể tạo lập giao dịch, đa phần mọi rắc rối thường phát sinh từ tính chất phức tạp đặc trưng của cơ cấu tổ chức doanh nghiệp. Quyền sở hữu, quyền điều hành và quyền đại diện trong nhiều trường hợp không cùng thuộc về một chủ thể. Trong khi đó, pháp luật chỉ ghi nhận duy nhất người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền nhân danh pháp nhân xác lập giao dịch.

Do vậy, việc không phân định rõ về chức năng, thẩm quyền của những người này sẽ tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp nội bộ hoặc doanh nghiệp lâm vào tình trạng đáo tụng đình bởi các giao dịch với đối tác, bên thứ ba được tạo lập bởi người không có năng lực pháp luật dân sự. Với một góc nhìn riêng, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin được trình bày quan điểm của mình đối với các rủi ro tiềm tàng mà doanh nghiệp có khả năng mắc phải khi lạm dụng chế định uỷ quyền để xác lập giao dịch, đặc biệt là cơ chế uỷ quyền trong loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần.

Cơ chế uỷ quyền là công cụ hữu ích được pháp luật công nhận tạo điều kiện cho các chủ thể trong xã hội nói chung và người có thẩm quyền đại diện trong doanh nghiệp nói riêng đạt được mục đích hành động của mình thông qua chủ thể khác để giải quyết các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội hoặc quản trị doanh nghiệp mà vì lý do cụ thể nào đó chủ thể mang quyền không thể/không tiện tự mình xử lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” (khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều hành doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các công việc thuộc phạm vi quyền hạn của mình. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp nên việc uỷ quyền nhiều khi không xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể mang quyền. Điều này được chứng minh tuỳ thuộc vào các hướng tiếp cận tương ứng (i) bắt buộc phải uỷ quyền; (ii) không được uỷ quyền và (iii) hạn chế đối tượng được uỷ quyền.

Có những trường hợp bắt buộc phải ủy quyền theo quy định của pháp luật như khi người đại diện theo pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam thì bắt buộc phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền (khoản 3 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020). Thứ hai, cũng có những trường hợp chủ thể có quyền không được uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

Trường hợp này được pháp luật điều chỉnh tại Khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014: “Chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”. Thứ ba, không phải chủ thể nào cũng là đối tượng được uỷ quyền, điển hình cho dạng chủ thể này là Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng là hợp tác xã không được ủy quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (khoản 5 Điều 81 Luật Các tổ chức tín dụng 2010). Ngoại trừ một số quy định bắt buộc như trên, chúng ta cần thừa nhận rằng cơ chế uỷ quyền trong doanh nghiệp đã mang lại những lợi ích rất thiết thực xét từ góc độ thuận tiện, công cụ hữu hiệu để phân định công việc phù hợp với chuyên môn, thế mạnh nghề nghiệp của người được uỷ quyền. Hơn nữa, tính ưu việt của chế định này một mặt có thể mang lại lợi ích chung cho doanh nghiệp, mặt khác giảm nhiều gánh nặng, khối lượng công việc cho người đứng đầu tổ chức.

Cần lưu ý rằng trong mọi trường hợp việc xác lập giao dịch ủy quyền không có nghĩa là sẽ triệt tiêu hoàn toàn trách nhiệm của người uỷ quyền. Theo đó, người ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi do người nhận ủy quyền thực hiện trong phạm vi và thời hạn ủy quyền. Đồng thời, người nhận ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước người ủy quyền và trước pháp luật về những hành vi mà mình thực hiện. Do vậy, người uỷ quyền cần cẩn trọng kiểm soát tương đối các hoạt động của người được uỷ quyền nhằm đảm bảo việc uỷ quyền nằm trong phạm vi công việc và phù hợp với ý chí của mình tránh trường hợp giao dịch được bên nhận uỷ quyền thực hiện vượt quá phạm vi uỷ quyền làm phát sinh các hậu quả pháp lý ảnh hưởng tiêu cực tới quyền, lợi ích hợp pháp của chính bên uỷ quyền cũng như tổ chức mà mình là đại diện.

Trong hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn và có phạm vi hoạt động đa ngành, ưu điểm vượt trội của cơ chế uỷ quyền sẽ được phát huy triệt để khi mỗi hạng mục công việc cụ thể sẽ được chủ thể mang quyền phân bổ cho từng vị trí và chức danh phù hợp tương ứng với chuyên môn nghiệp vụ, năng lực của cá nhân được uỷ quyền. Điều này vừa tránh được sự chồng chéo quyền lực trong công ty, vừa tránh xung đột lợi ích trong quá trình hoạt động doanh nghiệp và đặc biệt là giảm thiểu được áp lực về khối lượng công việc cho chủ thể uỷ quyền. Tuy nhiên, do hoạt động đa dạng, phức tạp và có nhiều tình huống phát sinh, các doanh nghiệp quy mô lớn thường không kiểm soát được một cách toàn diện tính hợp pháp của mỗi giao dịch uỷ quyền, thực tế tình trạng tiêu cực này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến chính sách pháp lý chưa thực sự rõ ràng, các văn bản pháp luật chuyên ngành có những quy phạm được xây dựng không tuân thủ nguyên tắc chung của Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó, những sai phạm trong việc áp dụng chế định uỷ quyền của doanh nghiệp thường có một phần phát sinh từ nhận thức pháp lý yếu kém, định kiến lệch lạc của người tham mưu, nhân sự phụ trách công tác quản trị nội bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả quy định của pháp luật và nhận thức pháp lý của các chủ thể thụ lý cũng không thực sự thống nhất khiến vấn đề ủy quyền càng trở nên phức tạp và không lường trước được các rủi ro tiềm tàng. Cụthể:

Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) uỷ quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT)

Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Theo quy định này thì chủ thể có thể ủy quyền được xác định là cá nhân và pháp nhân. Dưới góc độ pháp lý thì cá nhân được xem như một thực thể, một chủ thể phổ biến trong các quan hệ pháp luật. Khi tham gia giao dịch, cụ thể là ủy quyền thì chỉ cần cá nhân đó đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí khi năng lực hành vi dân sự của chủ thể có quyền là cá nhân bị hạn chế thì việc tham gia giao dịch vẫn không bị triệt tiêu nếu có người đại diện hợp pháp (người giám hộ) tham gia thực hiện thay thế. Đối với pháp nhân lại hoàn toàn khác, pháp nhân được hình thành theo ý chí chủ quan của con người và việc thành lập phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật (Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015). Dấu hiệu nhận diện và mục tiêu hành động của các pháp nhân thường có xu hướng tiệm cận tới các quan hệ tài sản, tự chủ xác lập giao dịch thông qua người đại diện được định vị theo dạng điều kiện đặc thù là năng lực pháp luật dân sự. Cụ thể hơn làđối với các chủ thể không phải là cá nhân thì tự thân nó không thể phát sinh hành vi dân sự độc lập, nó được xác lập thông qua người đại diện mới có thể tạo ra các mối quan hệ với những chủ thể khác.

Phạm vi hành động của pháp nhân, tổ chức hoặc một nhóm người đối với một hay nhiều chủ thể thứ ba sẽ phải thông qua người đại diện để đảm bảo tính nhất quán về mục tiêu và tính chất riêng rẽ tương ứng với từng lĩnh vực hoạt động. Nội dung này đã luật hoá với quy phạm được xác định là“có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình”; “Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”. Xét trên các chuẩn mực này thì rõ ràng ĐHCĐ không có đầy đủ các yếu tố cấu thành một pháp nhân đúng nghĩa. Tuân thủ nguyên tắc chung, Luật Doanh nghiệp hiện hành không có bất kỳ quy định nào liên quan đến việc ĐHCĐ uỷ quyền cho HĐQT thực hiện chức năng, quyền hạn của mình. Theo khoản 2 điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chức năng, nhiệm vụ của ĐHCĐ không chỉ có “quyền” mà bao gồm cả “nghĩa vụ”.

Như vậy, hiểu một cách phổ quát thì một chủ thể này phải có quyền cụ thể thì mới có thể uỷ quyền cho chủ thể khác thực hiện các công việc của mình. Trong khi đó, nghĩa vụ được xác định là cách xử sự bắt buộc được quy phạm pháp luật xác định trước mà một bên phải tiến hành nhằm đáp ứng trách nhiệm của mình với các chủ thể khác, trong trường hợp không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ cụ thể nào đó mà chuyển giao cho chủ thể khác thực hiện thay mình thì khái niệm đó được pháp luật định dạng là cơ chế “chuyển giao nghĩa vụ”, hoàn toàn không có tính chất của một giao dịch uỷ quyền đơn thuần. 

Tuy nhiên, trong một số quy định chuyên biệt về lĩnh vực chứng khoán thì pháp luật lại cho phép ĐHCĐ uỷ quyền một phần quyền hạn của mình cho HĐQT. Khẳng định này được chứng minh với một quy định khá đặc thù áp dụng cho công ty đại chúng khi đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng. Theo đó, ĐHCĐ thông qua hoặc ủy quyền cho HĐQT thông qua phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (điểm a khoản 2 Điều 12, Nghị định 155/2020/NĐ-CP); điểm a khoản 2 Điều 43 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định việc công ty đại chúng chào bán cổ phiếu riêng lẻ cũng có nội dung trong phương án phát hành ĐHCĐ có thể ủy quyền cho Hội đồng quản trị xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thậm chí, khoản 13 Điều 1 Nghị định 128/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán còn có quy định phạt tiền tới 70.000.000 đồng đối với Chủ tịch HĐQT nếu “không báo cáo ĐHCĐ gần nhất thông qua trước khi thực hiện thay đổi nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của ĐHCĐ, trừ trường hợp đã được ĐHCĐ ủy quyền”. 

Xét về mặt thực tế, việc ĐHĐCĐ thông qua nghị quyết ủy quyền cho HĐQT thực hiện một số chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình được các doanh nghiệp áp dụng khá thường xuyên với nhiều chiêu thức và “muôn hình, vạn trạng” về hạng mục được uỷ quyền. Vấn đề là do động cơ, mục đích đã được dự liệu từ trước, cùng với hành lang pháp lý điều chỉnh chưa thực sự rõ ràng nên chế định ủy quyền đang ngày càng bị lạm dụng, thậm chí vượt quá phạm vi luật định cũng như cố tình nguỵ biện nội hàm khái niệm để đạt kết quả theo mong muốn của chủ thể mang quyền.Hành vi lạm dụng này hầu hết là để đơn giản hoá, hợp thức hóa việc thực hiện một số hành động, thủ tục bắt buộc mà nếu chủ thể mang quyền tự thực hiện thì việc tổ chức thi hành chức năng, nhiệm vụ đó phải diễn ra hết sức chặt chẽ, công khai và phải đảm bảo tính giám sát của nhiều bên thứ ba liên quan. 

Những tồn tại này thường xảy ra tại những doanh nghiệp đa ngành, công ty đại chúng, tập đoàn kinh tế quy mô lớn. Những tổ chức kinh tế đặc biệt này đáng ra cần phải phát huy tính công khai, minh bạch một cách tối đa nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi của đa số Cổ đông nhỏ lẻ, tuân thủ nghiêm túc chính sách pháp lý nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp để thu hút các đối tượng là Cổ đông nước ngoài, định chế tài chính lớn. Đối diện với thực trạng này, một số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng có động thái “tuýt còi” ngăn chặn nhưng chỉ dừng lại ở việc phát hành những văn bản mang tính cảnh báo, không có chế tài xử lý để răn đe hay áp dụng mức phạt vi phạm cụ thể. 

Thứ hai, HĐQT uỷ quyền cho các thành viên ban Tổng Giám đốc/Giám đốc (TGĐ) 

Xét về tính chất, cũng như ĐHCĐ, HĐQT không hội tụ đủ các yếu tố cấu để thành một pháp nhân độc lập. Cụ thể là HĐQT không có tư cách pháp nhân, không có năng lực chủ thể vì thế HĐQT không thể tham gia với tư cách là chủ thể trong một giao dịch ủy quyền. Tiếp cận từ góc nhìn này thì việc HĐQT nhân danh mình uỷ quyền cho các đối tượng khác cũng không thoả mãn quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, việc HĐQT chuyển giao quyền và nghĩa vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của mình theo quy cho ban TGĐ chứa đựng nhiều dấu hiệu của việc “giao quyền” hơn là “uỷ quyền” theo đúng nghĩa. Đáng lưu ý, việc tiếp cận vấn đề theo tính chất “giao quyền” lại hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật tại khoản 2; Điểm b, khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Theo đó, phụ thuộc vào mức độ công việc cần HĐQT phải ban hành nghị quyết, động tác đầu tiên là phải phân định một cách riêng rẽ quá trình xác lập giao dịch giữa doanh nghiệp và bên thứ ba bất kỳ thành hai giai đoạn cụ thể: (i) Giai đoạn quản trị nội bộ: HĐQT giao cho ban TGĐ hoặc nhân sự cơ hữu triển khai thực hiện các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình (khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020). Từhành vi pháp lý này, chủ thể “nhận quyền” sẽ tiến hành công việc dựa trên thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm đối với công việc mình thực hiện trước chủ thể “giao quyền”; (ii) Giai đoạn hiện thực giao dịch: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhân danh công ty thực hiện các quyết định bằng việc ký các văn kiện, tài liệu để hiện thực hoá giao dịch với bên thứ ba hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện ký kết xác lập giao dịch vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Như vậy, vấn đề sẽ được giải quyết thấu đáo mà không xuất hiện “lằn ranh” tiềm ẩn nhiều yếu tố gây tranh cãi như khi áp dụng cơ chế uỷ quyền cho cặp chủ thể HĐQT và ban TGĐ.

Tuy nhiên, hiện tượng uỷ quyền giữa hai chủ thể này lại diễn ra rất phổ biến, ngày càng phức tạp và mức độ sai phạm có phần đa dạng hơn chủ thể ĐHCĐ và HĐQT. Ngoài sự bất hợp pháp trong cơ chế uỷ quyền có tính chất tương tự như sự tương tác giữa ĐHCĐ và HĐQT thì sai phạm dễ nhận biết nhất là HĐQT uỷ quyền cho TGĐ, phó TGĐ, nhân sự cơ hữu ký kết các văn kiện, tài liệu, hợp đồng với tư cách chủ thể nhân danh đại diện cho tổ chức xác lập giao dịch. Trong khi, tuỳ từng cơ cấu tổ chức của mỗi doanh nghiệp được quy định cụ thể trong điều lệ công ty (Điểm a khoản 1 Điều 137 BLDS 2015), người đại diện theo pháp luật là chủ thể duy nhất được pháp luật trao quyền nhân danh tổ chức ký kết văn bản, tài liệu nhằm xác lập giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp (Khoản 1 Điều 134 BLDS 2015; Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020). Trên cơ sở đó, không cần được chủ thể nào uỷ quyền, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mặc nhiên có quyền ký kết văn bản, tài liệu để xác lập giao dịch theo đúng chức năng được pháp luật ghi nhận cả về mặt quy phạm và hình thức pháp lý. Khẳng định này được chứng minh về mặt thực tiễn là khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, nội dung về người đại diện theo pháp luật là nội dung bắt buộc phải được thể hiện trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

Do vậy, nếu HĐQT ban hành nghị quyết về một sự vụ cụ thể mà uỷ quyền cho một trong các chủ thể nêu trên (một trong những người được ghi nhận là đại diện pháp luật theo điều lệ doanh nghiệp và ĐKDN) ký kết các văn kiện, hồ sơ, tài liệu nhân danh tổ chức kinh tế thì rõ ràng đó là một “động tác thừa”, không có ý nghĩa về mặt hình thức pháp lý nhưng động tác đó không gây hậu quả và tiềm ẩn rủi ro về sau này. Trường hợp khác, nếu HĐQT uỷ quyền cho những chủ thể không được ghi nhận trong điều lệ và ĐKDN là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký kết các văn bản, tài liệu liên quan đến sự vụ cụ thể thì giao dịch được xác lập đó hoàn toàn vô hiệu về mặt hình thức pháp lý vì chủ thể ký kết văn kiện không có đủ năng lực pháp luật dân sự. Hơn nữa, như trên đã đề cập,hiểu một cách chung nhất thì một chủ thể này phải có quyền cụ thể thì mới có thể uỷ quyền cho chủ thể khác thực hiện các công việc của mình. Trong khi đó, kiểm soát toàn bộ quy định tại khoản 2 Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 thì không có nội dung nào pháp luật trao quyền cho HĐQT ký kết các văn bản, tài liệu nhân danh doanh nghiệp để xác lập giao dịch dân sự nhằm mục đích mang lại lợi ích cho Công ty.

Từ những lập luận trên đây, có thể khẳng định chỉ có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới có đủ điều kiện để xác lập quan hệ uỷ quyền cho chủ thể khác thực hiện việc ký kết văn bản, tài liệu nhân danh doanh nghiệp. Trên thực tế, ở các tập đoàn kinh tế, công ty đại chúng quy mô lớn các giao dịch diễn ra hết sức đa dạng và có nhiều diễn biến phức tạp. Cùng một thời điểm, dạng pháp nhân đặc biệt này có thể thực hiện nhiều chương trình hành động để thu xếp tài chính, đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động, tham gia giao kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Để kiểm soát được tối đa các hạng mục công việc này, người đại diện theo pháp luật thường áp dụng cơ chế uỷ quyền để thi hành, thực hiện những công việc diễn ra thường xuyên, liên tục. Các ủy quyền này thông thường là các ủy quyền mang tính chất quản trị hành chính nội bộ của doanh nghiệp, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác, tham gia tố tụng với tư cách là một bên đương sự trong các phiên giải quyết tranh chấp. Phát huy tính ưu việt của cơ chế, nhiệm vụ của người đứng đầu tổ chức là có trách nhiệm xác định đối tượng sẽ được uỷ quyền, kiểm soát các nội dung ủy quyền phù hợp năng lực chuyên môn của đối tượng được uỷ quyền. Bên cạnh đó, người uỷ quyền phải tạo lập công cụ hữu hiệu để có thể kiểm tra, giám sát, kiểm soát hành động của bên được ủy quyền, ngăn ngừa các biểu hiện lợi dụng cơ chế để trục lợi cá nhân, thao túng công ty, loại trừ triệt để các xung đột lợi ích giữa bên được uỷ quyền và quyền lợi chung của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh hiện tại, phải thừa nhận rằng các tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh đang là tác nhân chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Song hành với sự chuyển biến tích cực này là ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản trị, đặc biệt là vấn đề về thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp. Các xung đột lợi ích, tranh chấp giữa chủ sở hữu và người quản lý hay giữa những người điều hành doanh nghiệp đang có xu hướng gia tăng về số lượng và mức độ. Đây là tín hiệu thiết thực thể hiện nhu cầu cấp bách cần phải có biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để bài toán tương đối khó về việc phân định trách nhiệm trong công tác quản trị doanh nghiệp. Trên cơ sở hoạt động nghề nghiệp, thường xuyên tiếp nhận và xử lý các công việc liên quan đến các vấn đề pháp lý của các tổ chức kinh tế, trên bình diện khách quan, tác giả bài viết hết sức quan ngại và nhận thấy rằng sự lạm dụng cơ chế pháp lý về đại diện và ủy quyền đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài những động cơ không lành mạnh của chính các tổ chức trong việc lạm dụng cơ chế uỷ quyền thì cũng cần nhìn nhận một thực tế là trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật chính thống nào quy định một cách đầy đủ và thống nhất và toàn diện về vấn đề ủy quyền.

Nguyên nhân này dẫn đến việc ủy quyền diễn ra một cách tùy tiện, thiếu minh bạch gây mất lòng tin các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài. Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể, hướng dẫn một cách chi tiết quy trình, thủ tục tiến hành thực hiện công việc uỷ quyền, giới hạn lĩnh vực được áp dụng cơ chế uỷ quyền chung (thường xuyên), liệt kê các hạng mục hoạt động cần phải có uỷ quyền độc lập, cùng với đó, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, sử dụng công cụ pháp luật là những chế tài cụ thể áp dụng cho từng hành vi vi phạm.

Do đó, trên cơ sở quy phạm pháp luật đang được thi hành, cơ quan xây dựng chính sách cần ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể cơ chế “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật” (Khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020) để giúp doanh nghiệp có căn cứ áp dụng linh hoạt quy phạm một pháp nhân có nhiều người đại diện theo pháp luật nhằm mục đích chuyên môn hoá lĩnh vực đại diện, phát huy được thế mạnh, năng lực cá nhân của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, tránh tình trạng uỷ quyền tràn lan, không hiệu quả, mang lại nhiều hệ luỵ tiêu cực cho hoạt động của tổ chức kinh tế.Đồng thời, góp phần hạn chế mâu thuẫn, bất đồng, xung đột lợi ích có thể phát sinh trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp giữa các chủ thể có liên quan khi áp dụng không đúng chế định uỷ quyền.   

                                                                                               Luật sư LƯU HẢI VŨ

                                                                                     Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội

 

 

 

Nguyễn Mỹ Linh