/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa

Một số vấn đề về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa

10/11/2021 15:37 |

(LSVN) – Trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành các quy định về trình tự, thủ tục khi tham gia bào chữa của người bào chữa theo hướng làm giảm các thủ tục, giải quyết hồ sơ nhanh nhất khi có yêu cầu bào chữa để bảo đảm được quyền tiếp cận đối với người bào chữa của người bị buộc tội. Qua đó, góp phần hạn chế, khắc phục những trường hợp oan sai trong tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa. 

Quyền bào chữa của người bị buộc tội luôn là vấn đề quan trọng gắn liền với quyền con người, quyền công dân. Tại khoản 4, Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”. Đây là một trong những nguyên tắc không chỉ thể hiện chính sách dân chủ, nhận đạo mà còn góp phần hạn chế, khắc phục những trường hợp oan sai trong tố tụng hình sự.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra; được tham gia khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can. “Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ” (Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015). Quy định này cho phép người bào chữa được tham gia tố tụng sớm hơn, đồng thời cụ thể hóa Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn yêu cầu người bào chữa cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Nếu yêu cầu bào chữa của người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giam phải có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu bào chữa cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận đơn yêu cầu người bào chữa, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chuyển đơn cho người bào chữa hoặc người thân thích của họ. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận đủ các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và không thuộc trong các trường hợp tại khoản 5 của Điều này thì mới giải quyết cho phép bào chữa hay không. Trong khi đó, quy định tại Điều 114 của Bộ luật này về những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ bị bắt, thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành lấy lời khai ngay.

Với quy định như trên thì trên thực tế người bào chữa gần như không thể hoặc rất khó khi tham gia lấy lời khai từ khi người bị bắt, tạm giữ khi họ có mặt tại trụ sở cơ quan điều tra. Quy định của pháp luật cũng đang gây khó khăn cho sự tiếp cận sớm của người bào chữa nhằm bảo vệ người bị bắt, tạm giữ đồng thời phòng ngừa vấn đề bức cung, dùng nhục hình, tra tấn đối với người bị buộc tội.

Một vấn đề nữa là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận những người bị buộc tội có quyền không tự đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Đây là nội dung được thể chế hóa từ quyền im lặng đang được áp dụng rất phổ biến trong tố tụng hình sự của các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nếu quá trình ghi nhận lời khai mà người bị buộc tội im lặng, không khai báo gì thì rất có thể người bị buộc tội còn bị ghép vào tình tiết tăng nặng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Như vậy, về bản chất quyền này chưa được thực hiện hữu hiệu trong thực tiễn và còn mang nặng tính hình thức.

Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành các quy định về trình tự, thủ tục khi tham gia bào chữa của người bào chữa theo hướng làm giảm các thủ tục, giải quyết hồ sơ nhanh nhất khi có yêu cầu bào chữa để bảo đảm quyền tiếp cận đối với người bào chữa của người bị buộc tội. Theo đó, chỉ cần người bào chữa xuất trình được giấy tờ có liên quan đến việc bào chữa, thì cơ quan tiến hành tố tụng phải cho họ tham gia ngay để tạo điều kiện tốt nhất trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật.

HỒ QUÂN

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

Bàn về thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm trong trường hợp kết án sai tội danh

Lê Minh Hoàng