Một số vướng mắc khi xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo

14/09/2020 22:37 | 3 năm trước

(LSO) - Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo đưa ra khái niệm: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

Ảnh: Internet.

Án treo có những đặc điểm như sau:

– Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều đó có nghĩa là người được hưởng án treo là người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn nhưng được miễn việc chấp hành hình phạt tù tại trại giam.

– Án treo là biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù từ 3 năm trở xuống.

– Người được hưởng án treo phải tự cải tạo, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương trong một thời gian thử thách nhất định do Tòa án ấn định.

Những vướng mắc, bất cập

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, bên cạnh những mặt tích cực khi áp dụng án treo, thực tiễn áp dụng quy định về án treo vẫn còn những vướng mắc, bất cập đó là:

Thứ nhất, quy định người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Quy định như trên còn có cách hiểu khác nhau, là chưa cụ thể, chưa sát với quy định tại Luật khác có liên quan như Luật cư trú, Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Ví dụ: Nguyễn Thanh D phạm tội ‘‘Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’’ theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự, đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, có 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, D là lao động tự do, công việc không ổn định, D được chú ruột của mình có nơi cư trú rõ ràng tại phường X, thành phố H bảo lĩnh. Trường hợp của D có 2 quan điểm xử lý.

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Thanh D đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, D đã được chú ruột có nơi cư trú rõ ràng bảo lĩnh. Vì vậy, có đủ điều kiện để xử phạt D tù nhưng cho hưởng án treo, thể hiện tính khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả: Nguyễn Thanh D mặc dù đã bồi thường khắc phục xong toàn bộ thiệt hại, có nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS nhưng D không có nơi cư trú rõ ràng trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, không có nơi làm việc ổn định. Căn cứ Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo, không cho D được hưởng án treo nhưng có thể xử phạt D hình phạt khác, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Thứ hai, còn có nhận thức, quan điểm khác nhau áp dụng hay không áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với một số tội bị dư luận xã hội lên án, hoặc các tội phạm về chức vụ, tội ‘‘Đào ngũ’’.

Ví dụ: Trần Văn T có hành vi dâm ô với cháu Nguyễn Thị M 7 tuổi, phạm tội ‘‘Dâm ô với người dưới 16 tuổi’’ theo khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015, T có 4 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS, T có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, T có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt, cho T được hưởng án treo. Trường hợp này có 2 quan điểm xử lý đối với Trần Văn T.

Quan điểm thứ nhất: Trần Văn T có đủ các điều kiện để được hưởng án treo nhưng hành vi dâm ô với cháu M của T làm tổn thương nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường về tâm sinh lý và nhân cách của cháu M, gây dư luận xấu trong xã hội, bị xã hội lên án. Vì vậy T không đủ điều kiện xử phạt tù cho hưởng án treo.

Quan điểm thứ hai: Trần Văn T có đủ điều kiện để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, bởi lẽ T có 4 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng TNHS, T có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường xong cho người bị hại, T có nơi cư trú, làm việc rõ ràng và người giám hộ, cũng như gia đình bị hại có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt, cho T được hưởng án treo thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự.

Tác giả nhất trí với quan điểm thứ nhất, Trần Văn T không đủ điều kiện để xử phạt tù cho hưởng án treo, mặc dù T có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng TNHS, có nhân thân tốt, nhưng trường hợp của T không được xem là ‘‘phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’, bởi lẽ hành vi của T dâm ô với trẻ em gây dư luận xấu, bị xã hội lên án, mặt khác Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đối với tội ‘‘Đào ngũ’’, tùy từng hành vi phạm tội cụ thể, từng trường hợp để Tòa án xem xét cho bị cáo được hưởng án treo hay không?

Ví dụ: Tháng 2/2000 Trần Thiên D nhập ngũ vào quân đội, được biên chế về Đại đội thông tin, Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đ. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự D đã 03 lần tự ý bỏ đơn vị, sau khi được đơn vị và gia đình động viên, D 02 lần quay trở lại đơn vị, đơn vị kỷ luật D với hình thức cảnh cáo trước Đại đội. Lần thứ 3, vào ngày 22/8/2000 D bỏ đơn vị, trốn vào thành phố H làm ăn, sinh sống . Đến ngày 01/8/2013 D ra đầu thú, bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội ‘Đào ngũ’’ theo khoản 1 Điều 325 BLHS năm 1999 (nay là khoản 1 Điều 402 BLHS năm 2015). Vụ án này có những quan điểm khác nhau khi xử lý đối với Trần Thiên D.

Quan điểm thứ nhất: Trần Thiên D được đơn vị giáo dục, rèn luyện nhưng vì ngại khó, ngại khổ, ý thức tổ chức kỷ luật kém, coi thường kỷ luật quân đội và pháp luật nhà nước, nhiều lần rời bỏ đơn vị, đã bị đơn vị xử lý kỷ luật cảnh cáo trước đại đội, nhưng vẫn thực hiện hành vi rời bỏ đơn vị, trốn vào thành phố H làm ăn, sinh sống, gần 12 năm sau mới ra đầu thú, xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hành vi của D cần phải xét xử nghiêm, xử phạt tù giam, để làm bài học giáo dục riêng, phòng ngừa chung.

Quan điểm thứ hai: Hành vi phạm tội ‘‘Đào ngũ’’của Trần Thiên D là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của quân đội, việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên trước và sau khi phạm tội D có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. D nhận thấy lỗi lầm, đã ăn năn hối cải, khi được gia đình thông báo, biết mình có lệnh truy nã nên ngày 01/8/2013 D ra đầu thú, thành khẩn khai báo. Sự việc phạm tội xảy ra đã lâu, hành vi của D không còn nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, không cần thiết cách ly khỏi xã hội, xử phạt D hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo cũng đảm bảo giáo dục D trở thành công dân tốt.

Quan điểm tác giả: Nhất trí với quan điểm thứ hai, hành vi phạm tội ‘‘Đào ngũ’’ của Trần Thiên D là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu của Quân đội, việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, phải xử lý nghiêm để giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của D xảy ra đã lâu, không còn nguy hiểm cho xã hội, D có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hiện tại D đã có cuộc sống, công việc ổn định, là lao động chính trong gia đình, được địa phương xác nhận luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Vì vậy, xử phạt Trần Thiên D hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo cũng đảm bảo giáo dục D trở thành công dân tốt, không cần thiết phải cánh ly D khỏi xã hội, qua đó thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự.

Đối với các tội phạm về chức vụ, như tội ‘‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’’, ‘‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’’, tùy hành vi phạm tội cụ thể, từng trường hợp để Tòa án xem xét có áp dụng cho bị cáo được hưởng án treo hay không?

Vụ án: Đoàn S, Trung tá, Trưởng ban quân y, được cấp trên giao Chủ tịch Hội đồng giám định sức khỏe của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Q, nhiệm vụ của Hội đồng là khám, xác định tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động cho các đối tượng tại tỉnh Q. S đã cùng Hội đồng khám và kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 81% cho 433 người/478 người sai quy định về giám định y khoa để hưởng chế độ bệnh binh. Từ kết luận của Hội đồng giám định y khoa, 433 trường hợp không đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ bệnh binh đã được cấp giấy chứng nhận bệnh binh và nhận tiền hổ trợ theo chính sách ‘‘người có công’’ của Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Q, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 4.720.644.000 đồng. Trường hợp Đoàn S có các quan điểm xử lý khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Hành vi phạm tội của Đoàn S, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao Chủ tịch Hội đồng giám định sức khỏe Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Q đã không tổ chức khám cận lâm sàng theo quy định, tự ý điều chỉnh tình trạng bệnh tật,tự nâng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho 433/478 người để những người này hưởng chế độ bệnh binh sai, không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 4.720.644 đồng, hậu quả hành vi của Đoàn S gây ra là nghiêm trọng, gây nguy hại lớn cho xã hội, gây thiệt hại cho Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan trong việc giải quyết chế độ, chính sách người có công, tạo ra dư luận xấu, gây bất bình và làm mất lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc tri ân, đãi ngộ đối với người có công với đất nước. Vì vậy, cần xử phạt tù giam đối với Đoàn S để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Quan điểm thứ hai: Đoàn S với chức trách Chủ tịch Hội đồng giám định sức khỏe Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Q đã phạm tội do chủ quan với suy nghĩ mong muốn cho các đối tượng đều được hưởng chế độ bệnh binh, S phạm tội không vì mục đích tư lợi, không chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Mặt khác, quá trình thẩm định, Hội đồng giám định y khoa cấp Quân khu chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiểm tra đã kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho 433 đối tượng không đúng quy định. S nhiều năm phục vụ Quân đội, có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; cha, mẹ S là người có công với đất nước, bản thân S quá trình công tác nhiều năm được cấp trên khen thưởng. Vì vậy, có đủ các điều kiện cần thiết để cho S được hưởng án treo, vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Quan điểm tác giả: Nhất trí với quan điểm thứ hai, xử phạt Đoàn S hình phạt tù cho hưởng án treo, tạo điều kiện cho S tiếp tục phục vụ trong Quân đội, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự.

Thứ ba, không quy định cách xử lý thời gian bị tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách án treo cho người phạm tội .

Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều không có quy định để xử lý thời gian tạm giam trong trường hợp người phạm tội đã bị tạm giam, sau đó được tại ngoại và được Tòa án xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Do không có quy định nên hiện nay có những quan điểm khác nhau về việc xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách.

Cách hiểu thứ nhất: Ví dụ Nguyễn Văn C và Đinh Hải Q bị khởi tố, truy tố về tội Cố ý gây thương tích. C bị bắt tạm giam từ ngày 02/4/2019, Q được tại ngoại. Ngày 02/8/2019, C được cho bảo lĩnh. Như vậy C đã bị tạm giam 04 tháng. Ngày 25/10/2019, Tòa án xét xử tuyên phạt Nguyễn Văn C 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm và tuyên phạt Đinh Hải Q 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Như vậy, thời gian C bị tạm giam 4 tháng không được trừ vào thời gian thử thách, điều này gây bất lợi cho C vì thời gian thử thách án treo của C và Q bằng nhau trong khi Q được tại ngoại, còn C bị tạm giam 04 tháng.

Việc tính thời gian thử thách theo cách thứ nhất hiện nay được các Tòa án áp dụng. Tuy nhiên, từ thực tiễn ta nhận thấy có sự không công bằng đối với những người bị tạm giữ, tạm giam khi xét xử được cho hưởng án treo, khi ta so sánh giữa hai người cùng cho hưởng án treo nhưng một người bị tạm giữ, tạm giam và một người không bị tạm giữ, tạm giam.

Cách hiểu thứ 2: Trước khi áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo phải trên nguyên tắc trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam cho người phạm tội, sau đó ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt còn phải thi hành. Như vậy với ví dụ trên thì thời gian thử thách của Nguyễn Văn C là 24 tháng tù – 4 tháng tạm giam = 20 tháng. Tòa án ấn định thời gian thử thách là 20 x 2 = 40 tháng (Cách tính này tương tự như quy định tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/ 10/ 2007).

Quan điểm tác giả: Nhất trí với cách hiểu thứ 2, đồng ý với cách tính thời gian thử thách này vì có lợi cho người phạm tội, là hợp tình, hợp lý nhưng quy định tại tiểu mục 6.4, mục 6 Nghị quyết số 01/2007/HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Điều 60 BLHS năm 1999 đã không còn hiệu lực thi hành. Do đó không thể áp dụng cách tính của Nghị quyết số 01/2007 để ấn định thời gian thử thách cho C.

Một số kiến nghị

Bổ sung vào điều kiện của người được hưởng án treo cụm từ “Người được hưởng án treo phải có nơi cư trú rõ ràng trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã”. Có như thế mới cụ thể và phù hợp với các Luật khác có liên quan.

Bổ sung vào Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP: Không được xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với tội phạm mà dư luận xã hội lên án như các tội ‘‘Dâm ô với người dưới 16 tuổi’’, ‘‘giết hoặc vứt con mới đẻ’’. Đối với các tội phạm về chức vụ, tội ‘‘Đào ngũ’’, tùy vào hành vi phạm tội cụ thể, có thể xem xét cho người phạm tội được hưởng án treo để đảm bảo sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự.

Sửa đổi hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP bổ sung quy định cách xử lý thời gian tạm giữ, tạm giam khi tính thời gian thử thách cho người đã bị tạm giữ, tạm giam mà khi xét xử được hưởng án treo để tránh bất lợi, đảm bảo công bằng khi áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo.

Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm, có văn bản hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những vướng mắc đã nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được chặt chẽ, thống nhất.

ThS. PHẠM THỊ THU THỦY
Giảng viên trường Đại học Điện lực
Tạp chí Tòa án
/giang-ho-mang-dung-troc-ha-dong-doi-dien-voi-khung-hinh-phat-nao.html