/ Đời sống - Xã hội
/ 19 ‘giọt máu hồng’ bất tử bên dòng sông Thạch Hãn

19 ‘giọt máu hồng’ bất tử bên dòng sông Thạch Hãn

07/04/2022 03:15 |

(LSVN) - Đài tưởng niệm các chiến sĩ được dựng bên bờ sông Thạch Hãn, hình 20 quả tim màu đỏ được khắc như biểu tượng bất diệt của Trung đội Mai Quốc Ca. Chiến công oanh liệt của các anh bất tử, sống mãi với các thế hệ người Việt Nam, Tổ quốc ghi ơn các anh - những chiến sĩ trẻ quả cảm, ngã xuống giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Tượng đài Trung đội Anh hùng Mai Quốc Ca phía Bắc cầu Thạch Hãn.

Đêm mùng 9, rạng sáng ngày 10/4/1972, Trung đội quân giải phóng mang tên người Trung đội trưởng Mai Quốc Ca gồm 20 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đội 2 (Trung đội Mai Quốc Ca), Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 do Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa chỉ huy nhận nhiệm vụ mang 100kg thuốc nổ, chiếm giữ và đánh sập cầu Quảng Trị (nay là cầu Thạch Hãn), cắt viện trợ của quân địch từ phía Nam ra chi viện cho các đơn vị ở Ái Tử, Đông Hà. 

Tất cả anh em trong Trung đội tuổi đời còn rất trẻ, Thiếu úy, Đại đội phó Nguyễn Văn Thỏa (quê ở xã Long Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) lớn tuổi nhất nhưng chưa đến 30; Trung đội trưởng Mai Quốc Ca (quê ở xã Hà Hải, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) vừa tròn 22 tuổi; Binh nhất Hà Trọng Nguyên (quê xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) - người trẻ tuổi nhất khi chưa đầy 18 tuổi.

Rạng sáng ngày 10/4, Tiểu đội đầu tiên của Trung đội xuất kích thì vướng phải mìn Cơ-lây-mo của địch. Mục tiêu bị lộ, địch hốt hoảng thấy bộ đội chủ lực của ta xuất hiện ngay bên Thành cổ Quảng Trị. Quân địch khẩn cấp điều cùng lúc 3 Tiểu đoàn lính tinh nhuệ, gồm: Dù, biệt động và thủy quân lục chiến, huy động máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ tạo thành một gọng kìm bao vây Trung đội Mai Quốc Ca. Cả Trung đội nằm giữa vòng vây của địch.

Lúc này, Trung đội tiến sát đến gần cầu Quảng Trị dưới sự chỉ huy của Đại đội phó, Thiếu úy Nguyễn Văn Thỏa và Trung đội trưởng Mai Quốc Ca, anh em tỏa ra các hướng chiến đấu độc lập, kiên quyết bám trụ, đánh địch đến cùng.

Trung đội đánh lùi quân địch từ nhiều hướng, làm cho chúng vô cùng hoảng sợ. Đồng chí này hy sinh, đồng chí khác xông lên chiến đấu. Thế trận giằng co quyết liệt từ 04h sáng đến 17h chiều, cả Trung đội chiến đấu không còn viên đạn nào. 19 đồng chí đã anh dũng hy sinh, riêng chiến sĩ Vũ Quang Thành (quê xã Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bị thương nặng rồi bị bắt. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, với chính sách trao trả tù binh đôi bên, Vũ Quang Thành được trả tự do, phục viên về quê.

Kết quả trận đánh, Trung đội Mai Quốc Ca đã tiêu diệt 125 tên địch và nhiều tên bị thương, phá hủy 1 xe quân sự, làm chậm chi viện của địch từ phía Nam ra cho các đơn vị ở Ái Tử, Đông Hà. Khi tiếng súng ngừng bắn, địch vẫn siết chặt vòng vây, không cho người dân địa phương đến mang thi hài các chiến sĩ về mai táng. Chúng xếp thi thể các chiến sĩ thành một hàng ngang phơi nắng để thị uy những người dân đi theo Cách mạng. Trước cảnh tượng đó, nhiều người dân thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong đấu tranh quyết liệt giành lại thi thể của các chiến sĩ. Cuối cùng, nhờ đấu tranh quyết liệt, thi thể 19 chiến sĩ được đưa về mai táng bên bến Nhan Biều, phía Bắc sông Thạch Hãn, nơi dựng Tượng đài bây giờ.

Năm 1973, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân, đồng thời phong tặng Danh hiệu “Trung đội 1 thắng 100” cho Trung đội Mai Quốc Ca để tưởng nhớ chiến công của Trung đội Mai Quốc Ca - một Trung đội thép, ngoan cường, dũng cảm, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, lập chiến công hiển hách, làm cho quân thù kinh hoàng.

Đài tưởng niệm các chiến sĩ được dựng bên bờ sông Thạch Hãn, hình 20 quả tim màu đỏ được khắc như biểu tượng bất diệt của Trung đội Mai Quốc Ca. Chiến công oanh liệt của các anh bất tử, sống mãi với các thế hệ người Việt Nam, Tổ quốc ghi ơn các anh - những chiến sĩ trẻ quả cảm, ngã xuống giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

                                                                       HẢI HƯNG 

Ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm sản xuất thủ công

Lê Minh Hoàng