/ Nhìn ra thế giới
/ Mỹ, EU và Nhật Bản tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát

Mỹ, EU và Nhật Bản tiếp tục sử dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát

16/06/2023 15:44 |

(LSVN) - Việc Cục Dự trữ liên bang (Ngân hàng trung ương Mỹ - Fed) vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất, chấm dứt chuỗi tăng 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022, được giới chuyên gia kinh tế xem là “khoảng dừng” cần thiết để ngân hàng này đánh giá, xem xét tác động của chính sách lãi suất đối với hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN.

Fed sẽ có 6 tuần thăm dò phản ứng của thị trường, trước khi nhóm họp lần tiếp theo vào ngày 25-26/7 để bàn và đưa ra quyết sách mới về chính sách tiền tệ của Mỹ.

Với người dân, doanh nghiệp vay tiền ngân hàng, việc Fed dừng tăng lãi suất giúp giảm bớt áp lực nỗi lo gánh nặng tiền lãi nếu lãi suất tiếp tục tăng. Với Chính phủ Mỹ hiện đang gánh khoản nợ công 31.400 tỉ USD, đây cũng là sự giải tỏa phần nào.

Sau cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell, lợi suất trái phiếu kho bạc hai năm, thay đổi theo kỳ vọng lãi suất, đã tăng lên mức cao nhất (4,69%) kể từ giữa tháng 3 (5,06%). Các nhà giao dịch trên thị trường tương lai đã giảm bớt "đặt cược" về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngoài yếu tố lạm phát, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tốt hơn so với Fed và hầu hết các nhà kinh tế đã mong đợi vào đầu năm. Các công ty vẫn đang tuyển dụng với tốc độ mạnh mẽ, điều này đã giúp khuyến khích nhiều người tiếp tục chi tiêu, đặc biệt là cho du lịch, ăn tối và giải trí.

Với 10 lần tăng liên tiếp, lãi suất của Mỹ đã tăng tròn 5 điểm % kể từ tháng 3/2022 – tiến độ tăng lãi suất nhanh trong lịch sử của Fed. Tuy nhiên, quyết định của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) – đơn vị hoạch định chính sách của Fed,  ngừng tăng lãi suất lại đi kèm với với dự báo về 2 đợt tăng 0,25% khác vào thời điểm trước cuối năm nay.

Một lý do khiến các quan chức FOMC đưa ra dự đoán về các đợt tăng lãi suất bổ sung là họ thấy trước nền kinh tế tăng trưởng lành mạnh và lạm phát còn dai dẳng buộc lãi suất cần cao hơn để hạ nhiệt. Báo cáo cập nhật cho thấy kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng 1% cho năm 2023, điều chỉnh từ mức dự báo ít ỏi 0,4% vào tháng 3. Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng kỳ vọng lạm phát lõi sẽ giảm còn 3,9% vào cuối năm. Bản thân Chủ tịch Powell nhấn mạnh rằng Fed muốn chứng kiến sự suy giảm lạm phát thực sự thành hiện thực trước khi hoãn tăng lãi suất thêm.

Hầu hết các quan chức dự báo rằng lãi suất liên bang sẽ giảm xuống 4,6% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025, cả hai đều cao hơn ước tính tương ứng vào tháng 3. Điều này cho thấy Fed dự định sẽ giữ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian dài hơn khi cố gắng chế ngự lạm phát.

Bất chấp việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 15/6 tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,5% mức cao nhất trong vòng 22 năm để kiềm chế tình trạng lạm phát trong khối. Đây là lần thứ 8 liên tiếp ECB quyết định nâng lãi suất. ECB cũng bỏ ngỏ khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách này trong những tháng tới để kiềm chế lạm phát. Tuyên bố của ECB cho biết: "Các quyết định tương lai sẽ nhằm đảm bảo ECB đưa ra lãi suất chủ yếu phù hợp để đạt mục tiêu trung hạn là đưa lạm phát nhanh chóng trở về mức 2%".  

Trả lời hãng tin Reuters sau quyết định mới của ECB, các nhà kinh tế học dự đoán cơ quan này sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 7. Mặc dù các hành động sau tháng 7 sẽ khó dự đoán hơn, Chủ tịch ECB Christine Lagarde được nhận định có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 9 nhằm chống lại tác động từ giới đầu tư, những người đặt cược rằng cơ quan tài chính châu Âu sẽ hạ lãi suất vào đầu năm 2024.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 16/6, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì lãi suất ở mức cực thấp và vẫn giữ quan điểm rằng sẽ cần có thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Theo đó, lãi suất ngắn hạn của BoJ sẽ vẫn ở mức -0,1%, trong khi ngân hàng này sẽ tiếp tục dẫn dắt lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản ở quanh mức 0%.

BoJ đã đi ngược lại xu hướng thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, khiến đồng yen giảm giá so với đồng USD. Quyết định chính sách mới nhất nói trên đã khiến đồng yen giảm từ khoảng 140,20 yen đổi 1 USD xuống khoảng 140,73 yen đổi 1 USD.

Ông Katsutoshi Inadome, chiến lược gia cấp cao của công ty dịch vụ tài chính SuMi TRUST, nhận định BoJ sẽ duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại khi dự báo lạm phát cho năm 2024 vẫn ở trên mức mục tiêu 2%. Theo ông, khi đà tăng giá trong năm tới còn chưa rõ ràng, BoJ sẽ vẫn thận trọng và tránh đưa ra những thay đổi vội vàng trong trường lai gần.

Có thể thấy, hầu hết nền kinh tế lớn thế giới lớn đều tận dụng công cụ lãi suất để kiềm chế lạm phát, và việc tăng hay duy trì lãi suất đều phụ thuộc vào các yếu tố thúc đẩy lạm phát của từng nước bao gồm triển vọng tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm, chi tiêu tiêu dùng của người dân, hoạt động thị trường bất động sản, mức tăng trưởng lương... Rõ ràng việc đánh giá hiệu quả cũng như những tác động của công cụ lãi suất đối với kinh tế của các nước cần thời gian mới có câu trả lời chính xác thông báo báo cáo dữ liệu thực tế.

LAN PHƯƠNG/TTXVN

Bùi Thị Thanh Loan