Ảnh minh họa.
Để kịp thời khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên và thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ngày 21/12/2022, Chánh án TAND Tối cao đã có công văn yêu cầu chánh án TAND Cấp cao, Chánh án TAND các tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2018/CT-CA của Chánh án TAND Tối cao về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử án hành chính. Theo đó, Chánh án TAND Cấp cao, Chánh án TAND các tỉnh thành cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:
Thứ nhất, tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thụ lý, tiến độ giải quyết các vụ án hành chính. thống kê, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý nhưng chưa giải quyết hoặc chưa giải quyết xong do có khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác xét xử các vụ án hành chính. Trước mắt, tổ chức ngay việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế trong giải quyết các vụ án hành chính qua kiểm tra công tác chuyên môn; kịp thời khắc phục các kiến nghị của VKSND trong quá trình giải quyết các vụ án. Thông qua việc rút kinh nghiệm, phải chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến án bị hủy, sửa; nguyên nhân dẫn đến thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài. Trên cơ sở đó xác định biện pháp khắc phục cụ thể.
Quá trình triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần chỉ đạo thực hiện đúng các quy định về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính; chú trọng bảo đảm chất lượng các phiên đối thoại, nâng tỷ lệ đối thoại thành các vụ án; khuyến khích việc tổ chức các phiên đối thoại tại trụ sở Ủy ban nhân dân.
Thứ ba, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại, xét xử các vụ án hành chính. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Tố tụng hành chính về thủ tục thông báo thụ lý vụ án, yêu cầu giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ. Thông báo trước cho các đương sự thời gian tổ chức phiên đối thoại, phiên tòa với khoảng thời gian phù hợp để các đương sự, đặc biệt là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ động bố trí thời gian, cử đại diện tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa. Các TAND Cấp cao tăng cường tổ chức các phiên tòa tại địa phương nơi có khiếu kiện, để thuận tiện cho các đương sự khi tham gia phiên tòa.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm, nếu khó khăn, vướng mắc thì kịp thời phản ánh để TAND Tối cao chỉ đạo giải quyết.
Ngoài ra, chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm về nghiệp vụ giải quyết các vụ án hành chính. Việc bồi dưỡng nghiệp vụ cần thiết thực, hiệu quả. Thông qua các phiên tòa trực tuyến, các hội nghị rút kinh nghiệm chuyên đề về xét xử các loại khiếu kiện hành chính.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu các án lệ về hành chính đã công bố. Nghiên cứu các bản án đã có hiệu lực pháp luật, lựa chọn,đề xuất phát triển án lệ, tiến hành rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án hành chính, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn, giải đáp.
ĐẠI HƯNG
Những quy định mới về học và thi sát hạch bằng lái xe ôtô năm 2023