(LSVN) - Đua xe trái phép là hoạt động gây mất trật tự, mất an toàn khi tham gia giao thông. Hành vi này đang diễn biến ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều mối đe dọa nguy hiểm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Mặc dù đã có đầy đủ chế tài xử lý, trong đó có việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, việc xử lý tội “Đua xe trái phép” hiện vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ảnh minh họa.
1. Dấu hiệu của tội “Đua xe trái phép”
- Khách thể của tội phạm là trật tự an toàn giao thông và trật tự an toàn công cộng. Tội phạm này đã xâm phạm vào các quy định của nhà nước về an toàn giao thông đường bộ; đe dọa xâm phạm nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và an toàn, trật tự nơi công cộng.
- Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đua xe. Việc đua xe này trái phép tức là không được phép của các cơ quan có thẩm quyền. Hành vi thể hiện ở việc điều khiển các phương tiện giao thông chạy tốc độ cao trên một quãng đường nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Người đua xe trái phép còn có thể thực hiện một trong các hành vi như: chuẩn bị phương tiện và những điều kiện cần thiết cho cuộc đua; đến nơi tập trung đua; điều khiển xe tham gia cuộc đua.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hậu quả chưa xảy ra, tức là chưa gây thiệt hại cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì hành vi đua xe trái phép chưa cấu thành tội đua xe trái phép.
- Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.
- Mặt chủ quan: Người phạm tội đua xe trái phép thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi đua xe trái phép, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
2. Một số hạn chế, bất cập
2.1. Hạn chế, bất cập trong việc áp dụng, nhận thức pháp luật
Quá trình áp dụng pháp luật, xử lý tội “Đua xe trái phép” trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề. Đó là việc các cơ quan chức năng vẫn còn nhầm lẫn giữa tội đua xe trái phép và tội gây rối trật tự công cộng. Trong nhiều trường hợp, lẽ ra phải xử lý về hai tội khác nhau là đua xe trái phép và cố ý gây thương tích, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại chỉ xử lý tội gây rối trật tự công cộng. Đó là những vụ việc có tính chất nối tiếp nhau, các đối tượng đua xe, trên đường đua gặp người khác thì có hành vi gây gỗ, gây thương tích cho họ. Trường hợp này cần xem xét xử lý đối với từng hành vi, không thể gộp vào để xử lý chung cho một tội chỉ vì có tính gây ồn ào, xâm hại đến trật tự công cộng.
2.2. Hạn chế, bất cập trong nội dung quy định pháp luật
Điều 266 BLHS quy định về tội “Đua xe trái phép” có một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, còn quy định gián đoạn, bỏ lọt mức độ hậu quả của hành vi làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, khi quy định về hậu quả của hành vi “Đua xe trái phép” gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác, điều luật quy định chưa đầy đủ. Điểm a khoản 1 quy định gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương từ 31-60%; điểm b khoản 2 (khoản liền kề) quy định gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61-121%. Vậy trường hợp hành vi đua xe trái phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% là chưa được quy định. Từ đó dẫn đến các quan điểm khác nhau, có người cho rằng trường hợp này nguy hiểm hơn trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương từ 31-60% nên phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng rõ ràng đây chỉ là quan điểm, một nguyên tắc cần phải nhớ là “tội phạm phải được quy định trong Bộ luật Hình sự”, nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ ra hành vi đó nằm ở điều khoản nào của BLHS. Nhưng rõ ràng trường hợp này không có điều khoản nào phù hợp, nên dẫn đến không xử lý hình sự được.
Thứ hai, chưa có quy định về tổng hợp hậu quả của hành vi. Theo đó, cả 04 khoản của Điều 266 đều quy định hai dấu hiệu “hậu quả” ở các điểm khác nhau. Tôi cho điều này là chưa phù hợp, chưa đầy đủ. Nếu trường hợp hành vi “Đua xe trái phép” vừa gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe người khác, vừa gây thiệt hại về tài sản, thì rõ ràng tính chất nguy hiểm phải cao hơn. Theo quy định hiện nay, trường hợp làm chết 01 người thì thuộc khoản 2; trường hợp làm chết 01 người và thiệt hại tài sản trị giá 499.999.999 đồng cũng thuộc khoản 2. Đây là con số thiệt hại khá lớn, chưa kể nhiều trường hợp những người bị thiệt hại là những người có hoàn cảnh khó khăn, phương tiện bị thiệt hại là phương tiện kiếm sống chính…
Thứ ba, hình phạt bổ sung còn quy định khá hạn chế. Điều 266 chỉ quy định 01 hình phạt bổ sung là hình phạt tiền với mức phạt từ 10-50 triệu đồng. Điều này là khá hạn chế, đối với hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, cần nâng mức tối đa để có thể xem xét quyết định phù hợp với từng vụ án. Ngoài ra, người phạm tội có thể là người hiểu rõ việc đua xe, hiểu rõ địa bàn nên có thể xem xét bổ sung thêm một số hình phạt bổ sung để ngăn chặn, phòng ngừa người này tham gia giúp sức, đóng góp và có hành vi khác như tham mưu, tư vấn… tổ chức đua xe, tiếp tục phạm tội.
Thứ tư, quy định chưa đầy đủ và chưa có hướng dẫn về các tình tiết định khung tăng nặng. Trước tiên, tình trạng đua xe hiện nay đang ngày càng nhiều, các đối tượng có phần ngông cuồng cũng như tổ chức việc đua xe chặt chẽ, bất chấp hơn; tình trạng đua xe ở các địa điểm, khu vực có nguy cơ mất an toàn cao ngày càng nhiều với lý do thuận tiện và làm màu, quay video và tính thích thể hiện của những người tham gia. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới quy định tình tiết định khung tăng nặng “tại nơi tập trung đông dân cư” là chưa đầy đủ. Một số khu vực như công trường, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ quan Đảng và Nhà nước, cơ sở của lực lượng vũ trang… hoàn toàn có thể đặt ở nơi không tập trung đông dân cư, nhưng lại là nơi rất nguy hiểm nếu diễn ra đua xe trái phép, do đó cũng cần tăng tính nguy hiểm của hành vi này bằng cách bổ sung tình tiết định khung tăng nặng. Tiếp theo, hiện nay chúng ta đang phòng chống tác hại của rượu bia theo hướng nghiêm cấm tuyệt đối việc điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, đặc biệt việc đua xe sau khi đã uống rượu bia, nên cần bổ sung tình tiết này. Đối với các tình tiết định khung “tại nơi tập trung đông dân cư” và “tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua” cũng chưa có hướng dẫn, nơi nào là nơi tập trung đông dân cư, nơi này là nơi liên tục đông dân cư, nơi đông dân cư trong vài ba tiếng đồng hồ do có sự kiện có phải nơi đông dân cư không; thiết bị an toàn gồm những gì… gây khó khăn cho việc áp dụng.
3. Một số đề xuất
Thứ nhất, cần có hướng dẫn cụ thể để phân biệt rõ ràng tội đua xe trái phép và tội gây rối trật tự công cộng để tránh nhầm lẫn, sai tội danh, bỏ lọt tội khác.
Thứ hai, quy định bổ sung trường hợp hành vi đua xe trái phép gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương là từ 31-60%. Do đó, điểm a khoản 1 Điều 266 cần sửa đổi là “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%”.
Thứ ba, nghiên cứu bổ sung các tình tiết định khung là tổng hợp các hậu quả của hành vi.
Thứ tư, nâng mức phạt tiền của hình phạt bổ sung lên là “từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”. Bổ sung hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, quản chế đến 03 năm.
Thứ năm, bổ sung hai tình tiết định khung tăng nặng “Tại nơi có nguy cơ cao” kèm theo hướng dẫn “nơi có nguy cơ cao” là những nơi có tính chất đặc biệt, mật độ lưu thông đông hoặc cần phải bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và tình tiết “đua xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Hướng dẫn tình tiết “Tại nơi tập trung đông người” và “Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua”.
NGUYỄN VĂN LINH
Tòa án Quân sự khu vực Quân chủng Hải quân