/ Đạo đức & ứng xử nghề nghiệp luật sư
/ Nguyên tắc chung của Luật sư khi nhận và thực hiện dịch vụ của khách hàng

Nguyên tắc chung của Luật sư khi nhận và thực hiện dịch vụ của khách hàng

20/01/2023 12:49 |2 năm trước

(LSVN) - Khi hành nghề Luật sư chịu sự điều chỉnh của pháp Luật và tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức hành nghề Luật sư. Khi nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng Luật sư phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời Luật sư có nghĩa vụ chấp hành các quy định do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, trong đó có Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Luật sư không chỉ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân khách hàng mà hoạt động của Luật sư còn có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa (Quy tắc 1). Pháp luật hình sự quy định trong một số trường hợp cá biệt khi Luật sư biết rõ khách hàng đã phạm phải một số tội như tội "Ác chiến tranh, chống lại loài người"… Luật sư phải tố giác hành vi đó trước cơ quan công quyền. Luật sư ngoài bảo vệ các các nhân đơn lẻ còn có trách nhiệm sứ mệnh nghề nghiệp; thực hiện sứ mệnh nghề nghiệp chính là bảo vệ khách hàng trong trường hợp cụ thể.

Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan là nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ của Luật sư khi nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng (Quy tắc 2). Luật sư không được từ chối nhận thực hiện một vụ việc chỉ vì nếu nhận vụ việc đó có thể có va chạm, xung đột với cơ quan công quyền hoặc với người lãnh đạo. Nếu Luật sư e ngại va chạm hoặc xung đột với cơ quan công quyền với người lãnh đạo tức Luật sư đã đánh mất đi tính độc lập của nghề nghiệp, không hoàn thành sứ mệnh của nghề Luật sư. Người Luật sư không tạo ra và giữ khoảng cách với cơ quan công quyền hoặc người lãnh đạo. Những người Luật sư không để các yếu tố này làm ảnh hưởng đến tính độc lập của nghề nghiệp.

Người Luật sư phải bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, đồng thời người Luật sư cũng phải luôn giữ gìn danh dự, uy tín và phát huy truyền thống của Luật sư.

Quy tắc 3, Bộ Quy tắc quy định: “Luật sư có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư; thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn; giữ gìn phẩm chất, nhân cách và uy tín nghề nghiệp; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống; xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề luật sư”. Luật sư bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của khách hàng chính là bảo vệ, giữ gìn phát huy truyền thống nghề Luật sư. Nếu Luật sư không tôn trọng sự thật khách quan, hoặc thiếu trung thực, thực hiện công việc với mục đích giúp đỡ khách hàng đạt được những quyền lợi ích không chính đáng, khi đó chính uy tín của người Luật sư, của nghề Luật sư đã bị xâm hại.

Nhận và thực hiện vụ việc cho khách hàng, người Luật sư cần thực hiện chính sách nhân đạo của nhà nước trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí. Quy tắc 4, Bộ Quy tắc quy định: “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”. Pháp luật và Bộ Quy tắc quy định Luật sư phải giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho khách hàng khi họ thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp họ có nhu cầu được sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý Luật sư hướng dẫn họ đến các cơ quan chức năng để cử Trợ giúp viên hoặc Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý cho họ theo quy định. Trong trường hợp khách hàng vẫn yêu cầu Luật sư cung cấp dịch vụ có phí Luật sư được phép thực hiện nhưng phải đảm bảo đã giải thích rõ cho đối tượng hiểu về quyền của người được trợ giúp pháp lý.

Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng có thể nói là nguyên tắc tối cao của nghề Luật sư. Quy định của pháp luật và quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đều hướng đến và cụ thể hóa quy tắc này.

Quy tắc 5, Bộ Quy tắc quy định: “Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.

Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng không có nghĩa là chạy theo khách hàng và bảo vệ cả những điều không đúng, không hợp pháp, không chính đáng của khách hàng. 

Trong mối quan hệ Luật sư và khách hàng, việc tôn trọng khách hàng, tôn trọng sự lựa chọn khách hàng, không từ chối khách hàng vì định kiến cá nhân; tôn trọng quyết định lựa chọn hoặc từ chối Luật sư khi thực hiện hiện, tôn trọng các tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng là rất cần thiết. Ví dụ, trong vụ án tranh chấp thừa kế khi người con khởi kiện mẹ đẻ đề nghị Tòa án chia thừa kế phần của người bố. Với tư cách Luật sư chúng ta cần tôn trọng quyền được hưởng thừa kế của người con, tôn trọng quyền khởi kiện của người con. Chúng ta không vì định kiến cá nhân cho rằng con cái kiện cha mẹ là không đúng…

Quy tắc 6, Bộ Quy tắc quy định: “Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở yêu cầu hợp pháp của khách hàng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng”.

Giữ bí mật thông tin của khách hàng (Quy tắc 7) và thù lao Luật sư (Quy tắc 8) là các nguyên tắc chung quan trọng trọng cần được Luật sư tìm hiểu, áp dụng khi Luật sư nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng. 

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất trong toàn quốc của các Đoàn Luật sư, các Luật sư Việt Nam

Bùi Thị Thanh Loan