Yêu cầu của Tổng Bí thư Afghanistan
Ngày 15/3/1979, một trong những cuộc bạo loạn chống chính phủ lớn nhất nổ ra ở Afghanistan. Theo Alexander Okorokov, tác giả cuốn "Những cuộc chiến bí mật của Liên Xô", ở Herat, quân nổi dậy đã đập phá các trụ sở chức tổ đảng và văn phòng các cơ quan nhà nước, đồng thời đàn áp các thành viên Đảng Dân chủ Nhân dân Afghanistan (PDPA). Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi có khoảng 5.000 quân nhân của đơn vị thuộc Sư đoàn bộ binh số 17 Afghanistan đồn trú ở đấy ủng hộ lực lượng nổi dậy và cung cấp vũ khí cho những người tham gia cuộc nổi dậy.
Tổng Bí thư PDPA Nur Muhammad Taraki đã nói với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin về thực tế này trong một cuộc điện đàm. Taraki tuyệt vọng yêu cầu chính phủ Liên Xô đưa quân vào Afganistan. Theo Rudolf Pikhoya, tác giả cuốn sách “Liên Xô: Lịch sử quyền lực 1945 - 1991”, Kosygin đề nghị Taraki cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của cư dân địa phương, cụ thể là đại diện của giai cấp vô sản.
Tuy nhiên, ở Afghanistan, vào thời điểm đó dân số hoàn toàn nằm dưới sự thống trị của những người theo tư tưởng Shiite, và thực tế lực lượng công nhân ở Herat rất mỏng - trong số 200.000 – 250.000 cư dân thành phố, chỉ có khoảng 2.000 công nhân. Taraki cay đắng thông báo với Kosygin rằng, Herat sắp thất thủ và quân nổi dậy sẽ lao đến Kabul, cầu khẩn lực lượng mặt đất và Không quân Liên Xô hỗ trợ.
Tất cả đều chống lại
Lúc đầu, Moscow đã phản ứng lại những yêu cầu như vậy từ Taraki, ít nhất là với sự kiềm chế. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo đảng không bỏ qua tình hình ở Afghanistan. Ngày 19/3/1979, một cuộc họp của Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) đã diễn ra, trong đó về vấn đề Afghanistan cũng được đưa ra thảo luận.
Như đã đề cập trong cuốn “Afghanistan. Vùng đất của chiến tranh” (của tác giả Tatyana Pleskunova), Leonid Brezhnev cực lực phản đối việc đưa quân vào nước cộng hòa này. Nhà lãnh đạo Liên Xô nói: "Chúng ta không nên can dự vào cuộc chiến này". Brezhnev đã chứng minh quan điểm của mình bằng thực tế rằng những hành động như vậy "không chỉ có thể gây hại cho chúng ta, mà cho cả họ". Brezhnev được mọi người ủng hộ, kể cả Yuri Andropov (Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia - KGB) và Andrei Gromyko (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
Andropov, người có những lời được trích dẫn trong cuốn sách của Fyodor Razzakov “Cuộc sống của những thời trứ danh 1975 - 1979”, nói ông đã suy nghĩ rất kỹ và đi đến kết luận rằng có thể “giữ cuộc cách mạng” ở Afghanistan chỉ với “sự trợ giúp của lưỡi lê”, điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. “Chúng ta không thể mạo hiểm như vậy,” Chủ tịch KGB tóm tắt bài phát biểu của mình.
Gromyko đảm bảo với mọi người rằng Liên Xô sẽ hành động như một kẻ xâm lược nếu quân đội được triển khai. “Tất cả các quốc gia không liên kết sẽ chống lại chúng ta,” Gromyko nhận định.
Thay đổi quan điểm
Trong khi đó, tình hình ở Afghanistan ngày càng trở nên tồi tệ. Nhưng ngay cả sau khi quân nổi dậy nắm chính quyền ở Kabul, quan điểm của Moscow vẫn không thay đổi trong một thời gian dài. Trong khi đó, Taraki ngày càng thường xuyên hơn yêu cầu hỗ trợ quân sự. Cuối cùng, chính phủ Liên Xô đã có những nhượng bộ đầu tiên.
Như Leonid Mlechin viết trong cuốn sách “KGB. Chủ tịch cơ quan an ninh nhà nước. Những số phận đã được giải mật”, ngày 06/12/1979, tại một cuộc họp của Bộ Chính trị, người ta đã quyết định (và trên cơ sở đề xuất của Yuri Andropov, cũng như Tổng tham mưu trưởng Nikolai Ogarkov) về việc cử một biệt đội GRU đến Afghanistan, nhưng chỉ "để bảo vệ nơi ở của Amin".
Tuy nhiên, các sự kiện tiếp theo bắt đầu phát triển nhanh chóng hơn. Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương CPSU số 176/125 ngày 12/12/1979, nội dung trong đó được Yuri Mukhin đưa ra trong cuốn sách “Mặt trận Afghanistan của Liên Xô. Chiến thắng bị lãng quên”, cho biết, việc chấp thuận các cân nhắc của Yuri Andropov, Andrei Gromyko và Bộ trưởng Quốc phòng Dmitry Ustinov về yêu cầu gửi quân đến Afghanistan.
Theo Mukhin, sự thay đổi này là do Amin bắt đầu "thực hiện các hành động tàn bạo đối với người dân của mình, cũng như thể hiện sự phản bội trong chính sách đối ngoại", và điều này ảnh hưởng đến lợi ích của an ninh quốc gia của Liên Xô.
LÊ NGỌC/VOV.VN
Những vụ thảm sát kinh hoàng của Đức Quốc xã trên đất Liên Xô