Những vấn đề pháp lý xung quanh việc nhập siêu xe dưới hình thức biếu tặng để kinh doanh

25/05/2022 10:54 | 1 năm trước

(LSVN) – Hiện tượng lợi dụng việc nhập khẩu xe ô tô dưới hình thức tặng cho sau đó thực hiện mua bán, kinh doanh đang diễn ra trên thực tế. Các đối tượng chủ yếu tạo ra các doanh nghiệp ảo, hay nhờ những cá nhân khác đứng tên để nhận xe biếu tặng, sau khi hoàn tất thủ tục thì đưa xe vào kinh doanh với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội. 

Ngày 24/5/2022, Báo Tiền Phong đã đăng tải loạt bài "Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Hộ nghèo được tặng siêu xe" và clip phóng sự "Vén màn đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Bí ẩn những doanh nghiệp 'ma'" phản ánh về việc hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu xe theo diện quà biếu tặng đều biến mất ngay sau khi nhập khẩu xe về. Điều bất thường nhất là có những cụ già 60 - 70 tuổi hay thanh niên hộ nghèo cũng được biếu tặng siêu xe.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn 3209/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý thông tin nêu trên. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công an, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương, kiểm tra, xác minh thông tin. Trường hợp phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trước những quy định khá chặt chẽ của pháp luật trong việc hạn chế nhập khẩu những loại ô tô trị giá nhiều tỉ đồng, nhiều đối tượng đã tìm mọi cách để lách luật để tìm kiếm lợi ích. Trong đó gần đây việc nhập khẩu “siêu xe” dưới danh nghĩa quà biếu, quà tặng rồi thực hiện mua bán như xe thông thường, đang là một trong những phương thức mới mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp sử dụng để lách luật, trốn thuế.

Chính sách giữa nhập khẩu siêu xe với mục đích thương mại và biếu tặng khác nhau thế nào? 

Theo Luật sư, việc nhập khẩu siêu xe với mục đích thương mại và để biếu tặng có bản chất hoàn toàn khác nhau, do đó chính sách pháp luật điều chỉnh tất yếu có sự khác biệt. Cụ thể, nếu nhập khẩu với mục đích thương mại, giữa hai bên sẽ tồn tại hợp đồng mua bán với số lượng hàng hóa lớn, diễn ra trong thời gian lâu dài. Doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh đóng các loại thuế liên quan, do đó chế định điều chỉnh hành vi này mang tính chất tạo điều kiện, cũng như kiểm soát khả năng của doanh nghiệp. Theo đó, văn bản hiện hành điều chỉnh việc nhập khẩu xe ô tô với mục đích thương mại là Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, áp dụng đối với các doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong khi đó, nếu nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại mà dùng để biếu, tặng cho, thì đây là quan hệ tặng cho mang tính chất nhỏ lẻ diễn ra giữa các bên. Do không mang tính chất thương mại thường xuyên, liên tục, nên chính sách pháp luật chỉ hướng tới việc kiểm soát thuế và số lượng chứ không điều chỉnh sâu về điều kiện thực hiện hoạt động nhập khẩu xe. Cụ thể, Thông tư số 143/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, hoặc các đối tượng khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đối với hình thức nhập khẩu nhằm mục đích thương mại, căn cứ vào các Điều 14, 15 Nghị định 116/2017/NĐ-CP, chỉ doanh nghiệp mới được xem xét cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đã đáp ứng các điều kiện như: Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp; Có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. 

Riêng đối với hình thức nhập khẩu ô tô với mục đích tặng cho, căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Thông tư 143/2015/TT-BTC, các đối tượng được phép nhập khẩu xe ô tô bao gồm các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Các thủ tục và hồ sơ cụ thể cũng được quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư này. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu 01 xe ô tô/1 năm dưới dạng quà biếu tặng. Căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 29/10/2021, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12457/BTC-TCHQ về việc quản lý xe ô tô nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại gửi cho các Bộ. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu ô tô phi thương mại theo Thông tư 143/2015/TT-BTC, trao quyền xem xét và tiếp nhận các loại xe nói trên cho các chi cục hải quan ở các cửa khẩu. 

Có phải hành vi trốn thuế?

Quy định chặt chẽ là như vậy, tuy nhiên hiện nay hiện tượng lợi dụng việc nhập khẩu xe ô tô dưới hình thức tặng cho sau đó thực hiện mua bán, kinh doanh đang diễn ra trên thực tế. Các đối tượng chủ yếu tạo ra các doanh nghiệp ảo, hay nhờ những cá nhân khác đứng tên để nhận xe biếu tặng, sau khi hoàn tất thủ tục thì đưa xe vào kinh doanh với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, do không thuộc các trường hợp được miễn thuế, xe ô tô nhập khẩu dưới hình thức biếu tặng vẫn phải chịu các mức thuế thông thường áp dụng với xe ô tô nhập khẩu, đó là: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. 

Luật sư cho rằng, hành vi trốn thuế có thể xảy ra trong quá trình tính thuế giá trị gia tăng khi giá xe được xác định thấp hơn giá trị thực, khiến cho số thuế phải nộp giảm đi đáng kể. Đặc biệt, do các xe biếu tặng đa số là xe sang, được định giá cao bằng ngoại tệ, tương ứng với giá trị lớn hơn nhiều lần khi quy đổi sang tiền Việt Nam. Do đó, nếu kê khai sai giá trị của xe sẽ dẫn tới khoản thuế bị thất thu là khá lớn. Ngoài ra, có thể kể đến việc cá nhân, doanh nghiệp sau khi được tặng cho xe, không tiến hành hạch toán giá trị của xe vào khoản thu nhập của cá nhân/doanh nghiệp, làm giảm số thuế thu nhập cá nhân/thu nhập doanh nghiệp phải nộp, cũng dẫn tới việc thất thu thuế.

Trong các trường hợp như vậy, sai phạm có thể xuất phát từ hai phía, đó là cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Bởi lẽ giá trị và giá cả của các loại xe sang đều được nhà sản xuất niêm yết rõ, chưa kể đến việc có các cơ quan chuyên môn có khả năng thẩm định giá (đối với cả xe trước và sau sử dụng). Do đó, việc xác định sai giá của xe ô tô được tặng cho đa số là do sự móc nối giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, nhằm làm giảm số thuế phải nộp. Trong các trường hợp như vậy, cơ quan thuế có thể tiến hành ấn định số thuế mà doanh nghiệp buộc phải nộp, trường hợp doanh nghiệp/cá nhân vẫn cố tình vi phạm, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 16, 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về hành vi khai sai hồ sơ thuế hoặc trốn thuế, mức phạt cao nhất lên đến 3 lần số thuế phải nộp. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Trốn thuế" theo Điều 200 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm hoặc phạt tiền lên đến 4.500.000.000 đồng (chưa kể hình phạt bổ sung).

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, việc nhập khẩu siêu xe theo hình thức quà biếu, quà tặng là một trong những phương thức mới được nhiều đối tượng sử dụng nhằm trốn thuế. Do đó, để hạn chế tình trạng trên, cần sớm siết chặt những quy định liên quan đến lĩnh vực này nhằm tránh thất thu ngân sách, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xe ô tô. Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát các cơ sở kinh doanh ô tô tại các địa phương để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận, trốn thuế, từ đó có phương án xử lý theo quy định của pháp luật và tiến hành truy thu thuế đối với các cơ sở kinh doanh trên.

PV

Bắt tạm giam Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long