Nhiều hành vi có thể bị cấm khi cải tạo xe cơ giới

10/09/2024 14:34 | 4 tuần trước

(LSVN) - Tại dự thảo Thông tư quy định trình tự, thủ tục kiểm định, miễn kiểm định lần đầu, cải tạo xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, Bộ GTVT đề xuất các trường hợp bị nghiêm cấm khi cải tạo xe.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Điều 18, dự thảo Thông tư của Bộ GTVT đã đề xuất về các trường hợp chủ xe không được cải tạo xe cơ giới nhằm đảm bảo ATKT & BVMT cho phương tiện như sau:

Không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người, trừ trường hợp ô tô trước cải tạo là ô tô khách có giường nằm hai tầng.

Không cải tạo tăng kích thước khoang chở hành lý của xe chở người.

Không cải tạo thay đổi kích cỡ lốp, số trục và vết bánh xe của xe cơ giới.

Đặc biệt, không cải tạo các hệ thống phanh, hệ thống treo và hệ thống lái của xe cơ giới, trừ các trường hợp: Cải tạo lắp đặt hoặc tháo bỏ bàn đạp phanh phụ trên xe tập lái, xe sát hạch lái xe; Cải tạo để cung cấp năng lượng và điều khiển hệ thống phanh của rơ moóc, sơ mi rơ moóc; Cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; Cải tạo các cơ cấu điều khiển và ghế ngồi phù hợp với chức năng vận động của người khuyết tật điều khiển xe.

Ngoài ra, không được cải tạo thay đổi khoảng cách giữa các trục của xe cơ giới, trừ các trường hợp cải tạo thành xe chuyên dùng, xe đầu kéo; cải tạo thu ngắn chiều dài cơ sở khi cải tạo trở lại thành xe cơ giới trước cải tạo lần đầu và cải tạo để giảm chiều dài toàn bộ, kích thước thùng xe của xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phù hợp quy định tại QCVN09:2024/BGTVT.

Không cải tạo tăng chiều dài toàn bộ của xe cơ giới, trừ các trường hợp cải tạo thành xe chuyên dùng và cải tạo thay đổi tấm ốp mặt trước, sau của xe chở người.

Về loại xe cải tạo, dự thảo Thông tư quy định không cải tạo thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đến thời điểm thẩm định thiết kế.

Không cải tạo xe cơ giới chuyên dùng nhập khẩu thành xe cơ giới loại khác trong thời gian 05 năm, xe đông lạnh nhập khẩu thành xe loại khác trong thời gian 3 năm, kể từ ngày được cấp biển số đăng ký lần đầu.

Không cải tạo thùng xe của xe tải chưa qua sử dụng được nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong thời gian 06 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định lần đầu đến ngày nộp hồ sơ thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, xe sát hạch lái xe; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở).

Không cải tạo xe ô tô đầu kéo thành xe cơ giới loại khác (trừ xe chuyên dùng).

Đối với xe chở người, không được cải tạo xe cơ giới loại khác thành xe chở người và ngược lại, trừ trường hợp cải tạo xe chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe chuyên dùng hoặc thành xe ô tô tải VAN.

Mặt khác, không được sử dụng lại động cơ của xe cơ giới đã có thời gian sử dụng quá 15 năm tính từ năm sản xuất để thay thế hoặc cải tạo. Động cơ thay thế có công suất lớn nhất theo công bố của nhà sản xuất nằm trong khoảng từ 90 - 120% so với công suất lớn nhất của động cơ được thay thế.

Tại dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng đề xuất quy định khối lượng toàn bộ, khối lượng toàn bộ phân bố lên từng trục cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sau cải tạo phải bảo đảm không vượt quá giá trị khối lượng toàn bộ, khối lượng toàn bộ phân bố lên từng trục theo thiết kế của nhà sản xuất và quy định về giới hạn tải trọng trục xe và giới hạn tổng trọng lượng của xe.

Xe cơ giới sau cải tạo là xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phải có thông số kỹ thuật phù hợp quy định tại QCVN09:2024/BGTVT.

Ngoài ra, cần cẩu, xi téc chở hàng nguy hiểm, xi téc chở khí nén, khí hóa lỏng khi lắp lên xe cơ giới cải tạo phải được kiểm tra, chứng nhận về tính năng, chất lượng, ATKT bởi các tổ chức đã được chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đặc biệt, xe cơ giới chỉ được cải tạo thay thế một trong hai tổng thành chính là động cơ hoặc khung trong suốt quá trình sử dụng.

Với các hạng mục hệ thống phanh, lái, treo được cải tạo trong một số trường hợp nhằm loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, theo đề nghị của nhà sản xuất xe, đảm bảo có văn bản xác nhận của nhà sản xuất xe hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của nhà sản xuất xe nêu rõ nội dung đề nghị cải tạo kèm theo tài liệu hướng dẫn và danh sách các linh kiện, cụm linh kiện được sử dụng để thay thế.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, để đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) cho xe cơ giới, các hạng mục cải tạo xe không phù hợp với các yêu cầu về ATKT & BVMT theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định về kiểm định ATKT & BVMT phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ bị nghiêm cấm. 

Với các trường hợp bị cấm cải tạo, nếu chủ xe vẫn cố tình thực hiện cải tạo sẽ không được đăng kiểm, cấp Giấy chứng nhận ATKT & BVMT. Đồng thời, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì tự ý thay đổi kết cấu phương tiện nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021) quy định mức phạt cho lỗi này từ 06 - 08 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 - 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô.

MẠNH NGUYÊN

Đề xuất khám, chữa một số loại bệnh vượt tuyến vẫn được hưởng bảo hiểm y tế