/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Những bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho hoạt động hành nghề Luật sư cần sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Những bất cập, vướng mắc gây khó khăn cho hoạt động hành nghề Luật sư cần sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

16/08/2023 06:50 |

(LSVN) - Hiện nay tỉ lệ người bào chữa mà chủ yếu là đội ngũ Luật sư tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, hay bảo vệ cho bị hại trong các vụ án hình sự vẫn còn rất thấp. Theo báo cáo tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong năm 2022, đội ngũ Luật sư Việt Nam có 17.286 Luật sư, đã tham gia 13.184 vụ án hình sự, trong đó có 7.431 vụ án chỉ định, 5.753 vụ do khách hàng mời. Số liệu này phản ánh một thực trạng với hàng chục ngàn vụ án hình sự đã được giải quyết trong năm vừa qua thì chỉ có một số lượng rất nhỏ án hình sự có Luật sư tham gia tố tụng, trong các vụ án có Luật sư tham gia thì có gần hơn 60% là án chỉ định.

Luật sư Lê Quang Y, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai.

Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” với quan điểm chỉ đạo như “bảo đảm tranh tụng với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...”, “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tranh tụng, tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên toà” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng đã đặt ra yêu cầu “Đổi mới việc tổ chức phiên toà xét xử, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Như vậy về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong cải cách tư pháp đều hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò của tranh tụng trong tố tụng hình sự. Và vì thế, có thể nói rằng công cuộc cải cách tư pháp đã mang lại diện mạo mới cho hoạt động tố tụng hình sự ở Việt Nam trong những năm qua, đã tạo nên những bước chuyển biến tích cực và khởi sắc hơn trên cơ sở những khuôn khổ pháp lý làm nền tảng cho các chủ thể thực hiện các chức năng buộc tội, chức năng gỡ tội và chức năng xét xử. Qua đó, vai trò và địa vị pháp lý của người bào chữa nói chung và của Luật sư nói riêng trong hoạt động tố tụng hình sự cũng được chú trọng và nâng cao một bước. Luật sư với chức năng cao cả được luật định: “Bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tuy vậy, hiện nay tỉ lệ người bào chữa mà chủ yếu là đội ngũ Luật sư tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, hay bảo vệ cho bị hại trong các vụ án hình sự vẫn còn rất thấp. Theo báo cáo tổng kết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, trong năm 2022, đội ngũ Luật sư Việt Nam có 17.286 Luật sư, đã tham gia 13.184 vụ án hình sự, trong đó có 7.431 vụ án chỉ định, 5.753 vụ do khách hàng mời. Số liệu này phản ánh một thực trạng với hàng chục ngàn vụ án hình sự đã được giải quyết trong năm vừa qua thì chỉ có một số lượng rất nhỏ án hình sự có Luật sư tham gia tố tụng, trong các vụ án có Luật sư tham gia thì có gần hơn 60% là án chỉ định. Các số liệu trên cho thấy, bình quân mỗi Luật sư Việt Nam bào chữa khoảng hơn 01 vụ án hình sự (bao gồm án chỉ định) trong một năm. Điều này đã phản ánh một thực tế cần phải được thừa nhận là đội ngũ Luật sư Việt Nam hiện nay đã và đang tham gia vào các vụ án hình sự với số vụ án rất ít ỏi so với các vụ án hình sự đã được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử.

Phải chăng bên cạnh một số kết quả tích cực đã đạt được từ chủ trương cải cách tư pháp, vẫn còn tồn tại quá nhiều bất cập, vướng mắc và khó khăn, hạn chế đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quyền hành nghề của người bào chữa, của Luật sư; hoặc do chất lượng chuyên môn, kĩ năng nghề nghiệp của người bào chữa nói chung, của Luật sư nói riêng vẫn chưa thực sự đáp ứng được với đòi hỏi của việc tranh tụng trong vụ án hình sự, chưa tạo được sự tin cậy từ những người bị buộc tội, từ cơ quan tiến hành tố tụng, từ cộng đồng xã hội.... dẫn đến thực trạng vai trò, vị thế của người bào chữa, của Luật sư chưa tương xứng với chức năng góp phần bảo vệ công lý được pháp luật quy định và xã hội kỳ vọng, giao phó.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, đã gây ra không ít những khó khăn, trở ngại cho hoạt động hành nghề Luật sư, qua đó với mong muốn góp phần kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Về quyền bào chữa

Quyền bào chữa là quyền hiến định, cụ thể Hiến pháp 2013 đã ghi nhận: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa”. Tuy nhiên,thực hiện quyền được thừa nhận và đảm bảo bằng Hiến pháp, các chủ thể liên quan, kể cả người bào chữa vẫn phải trải qua một loạt các thủ tục ràng buộc “mang tính cơ chế xin cho”, mà không phải là một sự mặc nhiên được thừa nhận bằng các quy định pháp luật thực định có tính thuận lợi để đảm bảo thực thi Hiến pháp.

Trong đó, kể cả nhận thức của các chủ thể tiến hành tố tụng cũng chưa thực sự đề cao việc phải đảm bảo thực thi đúng đắn nhất quyền hiến định về bào chữa. Có thể rất dễ nhận thấy điều này khi những người bị tình nghi, bị buộc tội ngay từ lúc đầu đã không được giải thích đầy đủ quyền của mình, như có quyền im lặng, có quyền tự bào chữa, có quyền nhờ người bào chữa và cần phải được đáp ứng ngay tức khắc,... trước khi tiến hành các bước tiếp theo của quy trình tố tụng khách quan. Có phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một thực trạng là gần 10 ngàn dân mới có 01 Luật sư, nhưng thực tế bình quân mỗi Luật sư chỉ tham gia khoảng 01 vụ án hình sự trên một năm.

Vì vậy, cần có những quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng hơn nhằm tao kiện sự thuận lợi, dễ dàng và hợp lý để các chủ thể có liên quan đến quá trình tố tụng được thực hiện quyền bào chữa. Cụ thể, cần luật hóa trong pháp luật tố tụng hình sự quyền im lặng, quyền được giải thích rõ ràng về quyền bảo chữa quyền được nhờ người khác bào chữa mà không bị bất kỳ một rào cản nào... trong đó bao gồm cả những quy định về trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng, người bào chữa để đảm bảo cho quyền này được thực thi một cách khách quan, đúng đắn nhất.

Về thủ tục đăng ký bào chữa, bảo vệ 

Về quy định các thủ tục đăng ký bào chữa

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa (Khoản 1 Điều 78). Đây chính là những quy định phái sinh của quyền hiến định về bào chữa, mà lẽ ra chỉ cần có yêu cầu bào chữa và người bào chữa ngay tức khắc mặc nhiên được thừa nhận mà không cần thiết phải trải qua bất cứ một “quy trình thủ tục xin cho nào khác” khi họ đã chứng minh đủ điều kiện bào chữa. Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng việc “Đăng ký bào chữa” trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã cho thấy đó là điểm mới và có sự tiến bộ hơn so với quy định về “Giấy chứng nhận bào chữa” trong tố tụng hình sự trước đây. Nhưng để đảm bảo quyền hiến định về bào chữa, việc đăng ký bào chữa trong thực tiễn vẫn còn những vướng mắc, bất cập, hạn chế, cụ thể quy định khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình nhiều các loại giấy tờ: “Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội”.

Các quy định này vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, làm phát sinh thêm nhiều loại giấy tờ, thủ tục, vì lẽ Luật sư chỉ cần xuất trình thẻ Luật sư gốc hoặc bản sao có chứng thực là đủ, nếu có sai trái đối với loại giấy tờ này thì Luật sư đã bị xử lý theo các quy định pháp luật khác mà không cần phải đưa vào quy định của luật tố tung hình sự. Đối với yêu cầu bào chữa của người bị buộc tội, người thân thích không nhất thiết bắt buộc phải có “Giấy yêu cầu Luật sư” mà có thể là yêu cầu trực tiếp và được ghi nhận bằng biên bản làm việc để xác nhận việc có yêu cầu là phù hợp.

Đối với trường hợp người đại diện của người bị buộc tội bào chữa cho người bị buộc tội thì khi đăng ký bào chữa phải xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội (điểm b Khoản 2 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Quy định này cũng bất cập về xuất trình CMND, CCCD gốc và còn phải kèm theo bản sao chứng thực.

Việc quy định như hiện nay dẫn đến nhiều cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương áp dụng cứng nhắc khi cho rằng “Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư” thì chính Luật sư phải trực tiếp đến cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục, không công nhận thẻ photo có chứng thực (Công chứng) gửi qua đường bưu điện. Đối với các trường hợp do người thân mời thì Luật sư phải cùng người thân đó đến trực tiếp cơ quan tiến hành tố tụng để làm thủ tục,... điều này đã gây khó khăn cho Luật sư trong quá trình làm thủ tục đăng ký.

Những quy định như trên dẫn đến nhiều cơ quan, người tiến hành tố tụng ở các địa phương khác nhau áp dụng cứng nhắc, gây khó khăn, phiền hà cho Luật sư và người thân của người bị buộc tội trong quá trình làm thủ tục đăng ký người bào chữa, dẫn đến việc không đảm bảo được tốt nhất quyền lợi chính đáng cho người bị tình nghi, bị buộc tội. 

Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: e) Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư hoặc gửi bản sao có chứng thực qua bưu điện và các căn cứ chứng minh có yêu cầu Luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.

Sửa đổi bổ sung về chỉ định người bào chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này như sau: d) Luật sư xuất trình Thẻ Luật sư hoặc gửi bản sao có chứng thực qua bưu điện và các căn cứ chứng minh có chỉ định Luật sư của các cơ quan có thẩm quyền.

Về đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Trong Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ có 2 điều luật quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cụ thể Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố” và Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về “Người bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”. Tuy nhiên, hai điều luật này chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nhưng không quy định thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận (hoặc thông báo) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đây là điểm cần sửa đổi, bổ sung vì thực tiễn cho thấy các cơ quan, người tiến hành tố tụng áp dụng không thống nhất, có nơi thì áp dụng quy định “tương tự” về thủ tục như đối với trường hợp người bào chữa hoặc đưa ra quy định riêng. Thực trạng chung về vấn đề này là các Luật sư đăng ký tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố hoặc của bị hại, đương sự thường gặp phải khó khăn, không thuận lợi, thậm chí có sự bất hợp tác vì không có quy định cụ thể về thủ tục.

Để khắc phục bất cập nói trên, cần sửa đổi, bổ sung thêm quy định cụ thể vào các Điều 83, Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, với nội dung: “Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều 78 Bộ luật này”.

Về thời hạn cấp Văn bản thông báo người bào chữa và giá trị của thông báo

Khoản 4 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án, nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng kýbào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản". Thực tiễn tố tụng hiện nay cho thấy quy định này thông thường chỉ được thực hiện thuận lợi, đúng đắn khi Luật sư tham gia các vụ án được chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Do không có quy định về chế tài khi vi phạm về thời hạn cấp thông báo bào chữa, bảo vệ nên việc vi phạm trở nên phổ biến, gây khó khăn trở ngại cho hoạt động hành nghề Luật sư.

Do vậy, cần thiết phải bổ sung điều luật quy định: “Việc vi phạm về thời hạn cấp văn bản thông báo bào chữa hoặc cản trở quyền bào chữa là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, người vi phạm về thời hạn cấp thông báo bào chữa có thể bị xem xét trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự nếu có căn cứ chứng minh việc vi phạm”.

Thời hạn có giá trị của Văn bản thông báo người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan cũng chưa được quy định rõ ràng, được hiểu và vận dụng một cách tùy nghi, tạo nên sự khác biệt giữa người bào chữa chỉ định và người bào chữa theo yêu cầu. Cụ thể, Khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng"; khoản 3 Điều 27 Luật Luật sư và khoản 6 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì “Văn bản Thông báo người bào chữa” có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng. Tuy nhiên, các điều luật này có vẻ như chỉ áp dụng cho án chỉ định, các vụ án theo yêu cầu thường bắt buộc Luật sư phải làm lại thủ tục đăng ký bào chữa trong khi người bị buộc tội không hề thay đổi yêu cầu luật sự sau khi kháng cáo hay có kháng nghị. Mặt khác, đối với trường hợp khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì cả Luật Luật sư, Bộ luật Tố tụng hình sự đều không quy định về thời hạn giá trị sử dụng. Do đó, sau phiên tòa sơ thẩm nếu có kháng cáo, kháng nghị muốn có sự tham gia của Luật sư thì khách hàng và Luật sư phải làm đề nghị tiếp để tòa án cấp phúc thẩm làm thủ tục “Đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định: “Văn bản thông báo người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng”.

Về quyền thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng chứng cứ

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận quyền của Luật sư tương đối bình đẳng hơn so với bên buộc tội trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giả và sử dụng chứng cứ. Đây cũng là xu hướng tố tụng bình đẳng được đề cập trong các nghiên cứu theo pháp luật các nước. Mô hình tiến bộ này có ý nghĩa rằng: “hạn chế quyền lực của các cơ quan … nhấn mạnh một quy trình tìm kiếm bằng chứng nặng tính hình thức thông qua tranh tụng". Tuy vậy, do đặc thù nghề nghiệp, Luật sư thực hiện bảo vệ quyền lợi chọ người phạm tôi nên thường gặp những khó khăn, trở ngại. Từ đặc điểm chuyên biệt, đòi hỏi Luật sư phải chủ động phải huy năng lực thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ theo cách riêng của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Chứng cứ được thu thập bằng nhiều nguồn khác nhau, theo trình tự, thủ tục tố tụng. Hoạt động thu thập chứng cứ phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Các chứng cứ được thu thập phải có giá trị chứng minh và được lưu giữ. bảo quản trong quá trình tố tụng, nhằm đảm bảo việc lưu giữ những thông tin có giá trị chứng minh có hay không có sự việc phạm tội. Người tham gia tố tụng nói chung, Luật sư nói riêng, được pháp luật trao quyền thu thập chứng cứ là các tài liệu, đồ vật, tình tiết có liên quan đến vụ án (Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) để bảo đảm cho các mục tiêu này. Thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư, có thể tạm chia thành 02 phương thức tiếp cận chứng cứ như sau:

Thứ nhất, Luật sư chủ động tiếp xúc với bị can, bị cáo mà mình bào chữa, người bị hại, người làm chứng và những người khác (kể cả các cơ quan nhà nước) biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa,... Xuất phát từ quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ,… được quy định theo khoản 1, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai, Luật sư tiếp xúc, thu thập chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, do các quan tiến hành tố tụng thu thập được. Thông thường các chứng cứ này được thực hiện có tính hệ thống, chặt chẽ, theo các kế hoạch của hoạt động điều tra. Song, do những hạn chế tham gia tố tụng, cũng như nhận thức chủ quan từ phía chủ thể điều tra về việc tránh rò rỉ chứng cứ, việc tiếp cận chứng cứ đầy đủ theo luật ở giai đoạn này chỉ được thực hiện khi có kết luận điều tra.

Tuy vậy, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ chính đáng này, Luật sư vẫn bị không ít những rào cản, làm hạn chế về vai trò của mình, cụ thể qua thực tiễn tham gia tố tụng như sau:

(a) Khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can, Luật sư chỉ được hỏi khi điều tra viên đồng ý;

(b) Các hoạt động điều tra khác như: đối chất, nhận dạng, khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng... vai trò của Luật sư rất mờ nhạt;

(c) Việc tiếp xúc người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam trong giai đoạn điều tra vẫn đang rất khó khăn; 

(d) Tiếp cận ban đầu những tài liệu trong hồ sơ vụ án chỉ được chấp thuận sau khi kết thúc điều tra, nên Luật sư gần như không có thông tin về diễn biến của vụ án;

(e) Các chứng cứ mới, có giá trị chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do Luật sư xuất trình tại tỏa rất ít khi được chấp nhận, xuất phát từ tính phức tạp của việc xem xét các thuộc tính, đặc biệt là thuộc tính hợp pháp của chứng cử để đánh giá, làm cơ sở để giải quyết vụ án:

(f) Các cơ quan nhà nước thường không cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan. nên hiệu quả sử dụng chứng cứ về sau chưa cao.

Điều này dẫn đến hệ quả là, không ít phán quyết của Tòa án không thật sự phản ảnh những điểm tiến bộ của hoạt động cải cách tư pháp, vì các chứng cứ phải được xem xét đa chiều, dựa trên các kết qua chân thực nhất của hoạt động tố tụng công khai tại phiên tòa, Đồng nghĩa rằng, khi mọi chứng củ không được tiếp cận xem xét toàn diện, kết quả oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự vẫn còn tiếp diễn như các khuyến cáo.

Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát vẫn luôn có xu hướng hay định hướng chú trọng tập trung vào thu thập các chứng cứ buộc tội. Trong khi đó. Luật sư với xu hướng thu thập chứng cứ gỡ tội, trong đó bao gồm các tình tiết, chứng cứ góp phần chứng minh sự thật khách quan của vụ án hoặc giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, rất khó để được xem xét một cách khách quan, đầy đủ nếu vụ án hình sự không có sự có mặt của Luật sư trong các giai đoạn tố tụng, để thực hiện vai trò thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Qua thực tế hoạt động xét xử, có thể thấy lời bào chữa của Luật sư dù được lập luận sắc bén, thuyết phục nhưng thường chỉ được ghi nhận một cách chung chung trong bản án. Trong hầu hết các trường hợp, khi chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục thì Hội đồng xét xử khi đó mới quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng củng cố các chứng cứ buộc tội, thay vì bao hàm cả những chứng cứ gỡ tội.

Thực tế cho thấy, việc người bào chữa có mặt khi lấy lời khai, hỏi cung và nếu Điều tra viên đồng ý thì mới được hỏi người bị tạm giữ, bị can là quy định chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa, đồng thời có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của việc lấy lời khai, hỏi cung. Việc sửa đổi, bổ sung như trên là một yêu cầu cần thiết để người bào chữa được thực hiện đầy đủ quyền bào chữa chứ không đơn thuần chỉ là người chứng kiến việc lấy lời khai, hay là người làm chứng cho việc lấy lời khai.

Vì vậy, cần sửa đổi bổ sung điểm b khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “Luật sư phải có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can và nếu người thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can và phải được ghi vào biên bản lấy lời khai”.

Bổ sung quy định về quyền tham gia các buổi hỏi cung, lấy lời khai theo hướng "Người bào chữa được tham gia tất cả các buổi hỏi cung, lấy lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa. Những biên bản ghi lời khai kể từ thời điểm tham gia bào chữa nếu không có sự tham gia của người bào chữa thì không có giá trị chứng cứ".

Bổ sung nguyên tắc áp dụng chế tài đối với người tiến hành tố tụng vi phạm quy định về việc để người bào chữa tham dự các buổi hỏi cung, lấy lời khai: "Người tiến hành tố tụng có hành vi cản trở, hạn chế việc người bào chữa thực hiện các quyền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

 Về quyền hỏi người bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án tại phiên tòa

Theo quy định tại Điều 88 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền hỏi người bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án nếu được những người này đồng ý; có quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật”. Song thực thi quyền này trong thực tiền tố tụng hình sự gần như chưa phát huy được tác dụng trong các trường hợp nếu người bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án không hợp tác. Kinh nghiệm từ một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ....) cho thấy, việc triệu tập người làm chứng ra tòa khai báo rất phổ biến. Còn tại Việt Nam, thực tế rất nhiều phiên tòa vắng mặt nhân chứng, thậm chí vắng mặt nhân chứng quan trọng có ý nghĩa quyết định đến bản chất vụ án, nhưng vẫn được Tòa chấp nhận, chỉ công bố lời khai có sẵn trong quá trình điều tra. Thực tiễn qua các vụ án oan sai cho thấy, khi phúc tra, tại phiên tòa nhân chứng lại khai khác với bản khai ở cơ quan điều tra, tạo ra những thay đổi mang tính căn cơ đối với vụ án. Như vậy, nếu mở rộng quyền cho phép Luật sư xét hỏi, đồng thời có quy định buộc (một số trường hợp) người làm chứng phải có nghĩa vụ phải trả lời, khai báo trước tòa thì cũng là giải pháp hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, toàn diện về thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ của vụ án hình sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về sự có mặt của người làm chứng: “Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó". Tại khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố: "Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Theo đó, nếu người được xét hỏi vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên sẽ được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố tại phiên tòa. Đồng thời, thuật ngữ “người được xét hỏi tại phiên tòa” đã bao gồm cả người làm chứng. Tuy nhiên, quy định chung về thủ tục tại phiên tòa (khoản 1 Điều 293) với quy định riêng về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (khoản 1 Điều 308) lại có sự phân biệt về người có thẩm quyền công bố lời khai là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa với Hội đồng xét xử (có thể bao gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) và Kiểm sát viên là chưa hợp lý, dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

Quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là quy định chung về thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng tên và nội dung của điều luật quy định về sự có mặt của người làm chứng. Trong khi, quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tuy ở phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (phần riêng) nhưng tên và nội dung của điều luật quy định về việc công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hưởng: "Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì tiến hành công bố những lời khai đó theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật này. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên khắc phục được sự chồng chéo, tạo sự thống nhất giữa quy định tại khoản 1 Điều 293 với khoản 1 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thẩm quyền công bố lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa khi họ vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trước đó trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Qua thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cho thấy địa vị pháp lý, vai trò và vị thế của Luật sư trong đã có những bước tiến bộ đáng kể. Song với các yêu cầu cải cách tư pháp, tranh tụng bình đẳng, hạn chế thấp nhất án oan sai vẫn còn xảy ra, cần lưu ý các vấn đề mang tính đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm hoàn thiện hơn các quy định pháp luật tố hình sự, như sau:

1. Cần khắc phục thực trạng người bị tình nghi, bị buộc tội, người có liên quan, người bào chữa,.. phải xin cho quyền được hiến định; 

2. Cần từng bước khắc phục thực trạng người bào chữa, Luật sư chỉ nghiên cứu những chứng cứ được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, qua các lời khai, biên bản hỏi cung, các kết luận giám định có sẵn trong hồ sơ vụ án hình sự;

3. Quyền tiếp cận nguồn tài liệu, chứng cứ để thực hiện trọng trách bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự cần được hiện thực hóa; không bị cản trở trên thực tế, làm hạn chế vai trò của Luật sư. Những cản trở thường xảy ra ở chính các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thu thập chứng cứ của Luật sư, cũng như kịp thời đưa chứng cứ vào vụ án, tránh những thiên lệch làm lạc hướng điều tra, gây ảnh hưởng đến quyền lợi tố tụng của bị can, bị cáo;

4. Cần phải có cơ chế thuận lợi cho việc Luật sư tham gia thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ kịp thời ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, không để xảy ra tình trạng Luật sư chỉ chứng kiến, xác nhận vào các chứng cứ là bản cung theo kế hoạch điều tra, không đảm bảo tính khách quan, dẫn đến nguy cơ tạo ra những bản cung có Luật sư làm chứng không đúng bản chất sự thật vụ án;

5. Trách nhiệm tiếp nhận và xử lý chứng cứ theo kiến nghị của Luật sư cần được tiến hành kịp thời, trên nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan, tổ tụng bình đẳng giữa bên buộc và bên gỡ tội.

6. Trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là tranh tụng tại tòa, nếu chứng cứ Luật sư cung cấp đã được xác thực, không cần thiết phải tiến hành lại các hoạt động tố tụng, tạo ra những ngờ vực không cần thiết. Ngay cả khi bác bỏ chứng cứ do Luật sư cung cấp, các phán quyết phải có những nhận định xác đáng không được lược bỏ, làm thay đổi cách tiếp cận đánh giá chứng cứ ở các giải đoạn tố tụng tiếp theo.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2. Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi năm 2012.

3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

4. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

5. Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: Lý luận và thực tiễn, 2010, Nxb. Chính trị Quốc gia.

6. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý.

7. Bộ Tư pháp, Chuyên đề: Tư pháp hình sự so sánh, 1999.

8. Bình Minh, Tranh cãi chuyện Luật sư thu thập chứng cứ, 2013, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Online. Xem tại: https://plo.vn/plo/tranh-cai-chuyen- luat-su-thu-thap-chung-cu-313707.html, truy cập ngày 08/7/2020.

9. Công Nghệ, Vụ án vườn điều” và những bài học đắt giá, 2020, Công an nhân dân Online. Xem tại: http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/Vu-an- vuon-dieu-va-nhung-bai-hoc-dat-gia-14075/, truy cập ngày 08/7/2020.

Luật sư LÊ QUANG Y

Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Hạn chế việc lùi, rút trình các dự án luật, pháp lệnh

Nguyễn Mỹ Linh