/ Đời sống - Xã hội
/ Những người Êđê còn sống mãi với thời gian

Những người Êđê còn sống mãi với thời gian

21/11/2024 14:16 |

(LSVN) – Những chiến công hiển hách của các anh hùng dân tộc người Êđê đã đi vào những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc. Khúc trường ca hùng tráng về tinh thần chống giặc ngoại xâm đã thắp lên niềm tin, lòng tự hào, lòng yêu nước nồng nàn của khối đại đoàn kết các dân tộc anh em cho các thế hệ trẻ noi theo.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX lịch sử Việt Nam có nhiều biến động mạnh mẽ. Triều đại nhà Nguyễn bước vào gia đoạn suy tàn khi thực hiện chính sách “Bế quan tỏa cảng”. Năm 1858, thực dân Pháp bắn phát súng đầu tiên vào thành Đà Nẵng đánh dấu quá trình xâm lược, đô hộ nước ta gần 100 năm. Nhưng ngày từ buổi đầu thực dân Pháp đặt chân lên Đắk Lắk trong tiến trình xâm chiếm và thống trị, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của đồng bào các dân tộc do các tù trưởng và người có uy tín của địa phương lãnh đạo.

Bức tranh tái hiện cuộc khởi nghĩa do tù trưởng N’Trang Lơng lãnh đạo tại bảo tàng tỉnh Đắc Nông.

Bức tranh tái hiện cuộc khởi nghĩa do tù trưởng N’Trang Lơng lãnh đạo tại bảo tàng tỉnh Đắc Nông.

Mặc dù các cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ này còn nhiều hạn chế, còn mang tính tự phát, chưa có tính tổ chức cao, nhưng qua các phong trào yêu nước đó, nhân dân Đắk Lắk nêu cao truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, ý thức cộng đồng để bảo vệ buôn làng, giành độc lập cho quê hương, đất nước.

Cuộc khởi nghĩa do N’Trang Gưh lãnh đạo (1887 - 1913) N’Trang Gưh là người dân tộc Êđê, tên thật là Y Gưh H’Đớk, sinh năm 1845, tại buôn Čuah Kplang, nay thuộc xã Buôn Čuah (Krông Nô, Đắk Nông). Năm 1887, quân xâm lược Xiêm, Miến Điện được sự hậu thuẫn của thực dân Anh xâm phạm lãnh thổ của Đắk Lắk. N’Trang Gưh đã lãnh đạo 25 buôn, với 600 đồng bào người Bih dũng cảm chặn đánh quân xâm lược, giành chiến thắng oanh liệt, tiêu diệt gần hết quân địch trên cánh đồng buôn Phôk, buôn Tuôr, buộc chúng phải rút chạy khỏi Đắk Lắk.

Tháng 03/1900, quân Pháp do tên công sứ Buốc-Gioa (Bourgeois) đánh chiếm các buôn người Bih ở hạ lưu sông Krông Ana và Krông Nô (Krông Knô) bị nghĩa quân N’Trang Gưh bắn chết hụt, buộc phải bỏ chạy khỏi buôn Tuôr. Trước khi bỏ chạy chúng còn đốt trụi buôn Trấp, buôn Čuah quê hương của N’Trang Gưh. Năm 1901, sau khi củng cố lực lượng, nghĩa quân đã vượt sông Krông Knô tiến công tiêu diệt toàn bộ lính Pháp tại đồn buôn Tuôr. Sau đó, nghĩa quân lần lượt hạ tiếp các đồn khác của Pháp ở các buôn như Djiêng, Djou, Phity, Tinh... Từ năm 1901-1913, quân Pháp liên tục mở nhiều cuộc hành quân khá quy mô nhằm tiêu diệt nghĩa quân. Do thế giặc quá mạnh, thủ lĩnh N’Trang Gưh đã kêu gọi Nhân dân chuyển buôn vào rừng sâu, bất hợp tác với Pháp. Năm 1914, do trong hàng ngũ nghĩa quân có người phản bội, địa điểm đóng quân của N’Trang Gưh bị tiết lộ nên ông bị thực dân Pháp bắt và giết hại.

Cuộc khởi nghĩa do Ama Jhao lãnh đạo (1889-1905) Ama Jhao tên thật là Y Yên Ayŭn, sinh năm 1840 tại buôn Tung (Có tài liệu cho là buôn Kô Tam, thành phố Buôn Ma Thuột). Ama Jhao là một tù trưởng giàu có, uy tín của ông nổi lên mạnh mẽ và lan sang những vùng khác.

Ảnh hưởng to lớn của Ama Jhao, thực dân Pháp đã tìm mọi cách lôi kéo, hăm doạ, nhưng Ama Jhao vẫn phản kháng và quyết tâm chuẩn bị khởi nghĩa. Năm 1890, Ama Jhao tổ chức mai phục một toán quân Pháp trên đường từ Củng Sơn (huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên) tiến lên chiếm Buôn Ma Thuột. Tại Ea Yông, toán quân này bị nghĩa quân chặn đánh dữ dội, buộc phải rút chạy. Năm 1901, Ama Jhao dẫn đầu một đoàn các tù trưởng, già làng xuống Phú Yên phản đối việc mở đường, tự tiện sáp nhập đất đai của người Êđê vào Lào. Sau đó, Ama Jhao đã tăng cường liên kết với các tù trưởng khác như Ama Gơm, Ama Hap, Ama Dak, Ama Jak chỉ huy, đồng thời hưởng ứng các cuộc khởi nghĩa khác đang nổi lên lúc đó của N’Trang Gưh, Ôi H’Mai và MaDla... tạo thành mạng lưới chống Pháp rộng khắp vùng Tây Nguyên, gây cho giặc Pháp rất nhiều khó khăn. Thực dân Pháp treo thưởng cho bất cứ ai giết hoặc chỉ điểm nơi ở của Ama Jhao. Tháng 01/1905, qua tin mật báo, quân Pháp bao vây và bắt được Ama Jhao. Chúng tra tấn ông rất tàn bạo, Ama Jhao mất vào tháng 3/190.

Tượng đài N’Trang Lơng được xây dựng tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông.

Tượng đài N’Trang Lơng được xây dựng tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông.

Cuộc đấu tranh do Ôi H’Mai và MaDla lãnh đạo (1901-1922). Ôi H’Mai và MaDla là thủ lĩnh của người Êđê Mdhur vùng M’Đrắk, Cheo Reo, Krông Búk, Krông Pắc, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa từ năm 1901-1922.

Trước việc quân Pháp ngang nhiên lập đồn ở buôn của mình, tháng 07/1901, Ôi H’Mai, Ôi H’Phai cùng 40 nghĩa quân tấn công tiêu diệt đồn Ea H’ly, giết chết tên chỉ huy người Pháp và gần hết toán lính khố xanh. Sau thất bại này, quân Pháp bắt đầu cử những đơn vị lớn hơn tiến hành lùng sục nghĩa quân khắp nơi nhưng không có kết quả. Năm 1905, Ôi H’Mai lâm bệnh và mất ở Ea H’ly. Ôi H’Phai và những người khác tiếp tục chiến đấu đến tháng 03/1909 thì bị địch bắt. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Ôi H’Mai và các đồng đội của ông thất bại, MaDla, tù trưởng Buôn MaDla tiếp tục đứng lên lãnh đạo khởi nghĩa, phong trào lan rộng khắp vùng M’Đrắk, xuống Củng Sơn, qua Cheo Reo và phía Krông Pắc. Tháng 06/1920, MaDla bị bắt và giết hại. Phong trào kéo dài đến năm 1922 mới chấm dứt.

Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã và đang trên con đường xây dựng đất nước ngày càng phát triển vững mạnh, hùng cường, độc lập tự chủ trên trường quốc tế. Đắk Lắk cũng bước vào cái tuổi 120 năm hình thành dựng xây. Nhưng những chiến công hiển hách của các anh hung dân tộc người Ê đê còn sống mãi với thời gian. Khép lại quá khứa nhưng không bao giờ được phép lãng quên lịch sử của dân tộc. Như Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta đã dạy “Dân ta phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

LAM SƠN – HƯƠNG TRẦN

Các tin khác