/ Tin tức
/ Những tuyến đường, phố tại Hà Nội đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông

Những tuyến đường, phố tại Hà Nội đủ điều kiện trông giữ phương tiện giao thông

18/12/2024 15:23 |

(LSVN) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6440/QĐ-UBND phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định, 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông, trong đó: Quận Hoàn Kiếm có 20 tuyến, quận Hai Bà Trưng 19 tuyến, quận Ba Đình 13 tuyến, quận Đống Đa 11 tuyến, quận Cầu Giấy 29 tuyến, quận Thanh Xuân 2 tuyến, quận Nam Từ Liêm 17 tuyến, quận Bắc Từ Liêm 14 tuyến, quận Hoàng Mai 20 tuyến, quận Hà Đông 21 tuyến, quận Tây Hồ 2 tuyến, quận Long Biên 21 tuyến, huyện Thanh Trì 1 tuyến, huyện Sóc Sơn 1 tuyến. Cùng với đó, có 43 tuyến đường, phố đã được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, phố để trông giữ phương tiện giao thông hoạt động: Quận Hoàn Kiếm 22 tuyến, quận Ba Đình 4 tuyến, quận Đống Đa 2 tuyến, quận Hai Bà Trưng 14 tuyến, quận Cầu Giấy 1 tuyến.

Về tiêu chí tổ chức trông giữ phương tiện giao thông dưới lòng đường, phố: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị; không gây cản trở cho các phương tiện giao thông; không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, hộ gia đình hai bên đường phố. Đối với đường tổ chức giao thông hai chiều, mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép trông giữ xe một bên; tối thiểu là 14m thì cho phép trông giữ xe hai bên. Đối với đường tổ chức giao thông một chiều, mặt cắt ngang lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép trông giữ xe bên phải phần xe chạy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Điểm để xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m tính từ vị trí tiếp giáp giữa đoạn thẳng với đoạn cong, vị trí để xe phải có vạch kẻ sơn rõ ràng. Xe ô tô phải đỗ thành hàng thuận theo chiều làn đường xe chạy có chứa điểm đỗ xe; không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn dưới lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường. Đảm bảo sự công bằng về nhu cầu dừng đỗ xe, trông giữ xe của các cơ quan tổ chức và nhân dân dưới lòng đường hai bên tuyến phố; hai bên mặt đường phố có điều kiện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tương đồng.

Trông giữ phương tiện giao thông đường bộ trên hè phố: Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị. Không trông giữ xe trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở; trên các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hoá, du lịch. Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện, lối ra, vào phải đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị.

Tại những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn trên hè phố; các phương tiện phải được sắp xếp ngăn nắp, trật tự, đảm bảo người đi bộ đi lại thuận tiện, thông thoáng, không phải đi vòng tránh các vị trí đỗ xe đạp, xe máy; phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m. Hạn chế sử dụng tạm thời hè phố ngoài mục đích giao thông trong các khung giờ có mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao và vào các ngày lễ, tết, kỳ cuộc để đảm bảo an ninh, trật tự.

Xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng, quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m; trường hợp đặc thù thực hiện theo phương án khác, UBND cấp huyện căn cứ thực tế hè phố xây dựng phương án để xe đạp, xe máy, đề xuất Liên ngành Sở Giao thông vận tải - Công an thành phố Hà Nội thống nhất, chấp thuận, phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m và các quy định nêu trên. Ngăn nắp, gọn gàng bảo đảm mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, việc trông giữ phương tiện giao thông trên hè phố, lòng đường là các tuyến đường, phố đang được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, phố để trông giữ phương tiện giao thông đã được UBND thành phố chấp thuận trước đây, đã ổn định, chưa có sự thay đổi về tổ chức giao thông.

 

MINH ANH