Ảnh minh họa.
Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
Ma túy là loại độc dược gây nghiện hết sức nguy hiểm cho người sử dụng nếu không tuân theo sự chỉ định của y, bác sĩ. Theo quy định của pháp luật, chỉ một số cơ quan nhà nước mới được phép sản xuất ma túy để phục vụ trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
Khách thể của tội phạm
Tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" đã xâm phạm chế độ độc quyền quản lý của Nhà nước về việc sử dụng các chất ma túy. Ngoài ra, hành vi phạm tội còn xâm hại đến các quan hệ xã hội khác như tính mạng, sức khỏe của con người, đồng thời còn làm gia tăng tệ nghiện hút ma túy, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Mặt khách quan của tội phạm
“Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định là hành vi phạm tội, là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm. Dấu hiệu phạm tội có tổ chức hay đồng phạm có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc tình tiết này được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một số tội phạm cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" được quy định tại Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015 có dấu hiệu “có tổ chức” là đặc điểm bắt buộc của hành vi khách quan có ý nghĩa trong việc định tội và ở cả phương thức thực hiện hành vi phạm tội, có nghĩa là người phạm tội có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy": đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.
Mặt chủ quan của tội phạm
Trong tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", lỗi của người phạm tội luôn là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm thấy rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật cấm, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và mong muốn thực hiện hành vi phạm tội.
Mục đích của người thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là nhằm đưa chất ma túy một cách trái phép vào cơ thể người khác. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là nhằm đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác thì không phải là phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", mà tùy trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256), hoặc tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" (Điều 249), tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" (Điều 250)... Như vậy, mục đích nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Chủ thể của tội phạm
Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Như vậy, người được xác định là có hành vi phạm tội tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm trên.
Vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật
Thứ nhất, trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng có thỏa thuận với nhau cùng góp tiền đưa cho một đối tượng để mua ma túy về sử dụng, trong đó có đối tượng hứa góp tiền mua ma túy nhưng chưa góp trên thực tế. Đối tượng đi mua ma túy đã mua đủ số lượng ma túy tương ứng với số tiền mà các đối tượng hứa góp. Vậy, số tiền hứa góp để mua ma túy có được coi là vật chứng của vụ án để tịch thu hay không. Khi nghiên cứu tình tiết này, tới thời điểm hiện tại, tác giả thấy rằng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về hướng xử lý với khoản tiền hứa góp này, do đó đã dẫn tới việc xuất hiện các quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng khoản tiền này là do các đối tượng hứa góp và có sự thỏa thuận với nhau từ đầu, đây là căn cứ để đối tượng làm nhiệm vụ mua ma túy mua đúng với số tiền đã thỏa thuận. Quan điểm thứ hai, cơ quan tố tụng cho rằng việc hứa góp chỉ do các đối tượng thỏa thuận bằng lời nói, chưa có căn cứ khoản tiền có được trả hay không nên không đủ căn cứ để xác định đây là vật chứng của vụ án phải tịch thu. Chính do quan điểm không thống nhất, nên đã có những bản án của tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.
Thứ hai, một trường hợp cụ thể: Có 03 đối tượng A, B, C lập nhóm Zalo bàn bạc về việc tổ chức sử dụng ma túy trái phép. Tuy nhiên, C lại nhờ B mua riêng 02 viên ma túy để tự sử dụng, khi đến địa điểm thỏa thuận thì chỉ có B và C đến (đối tượng A không đến). B đưa cho C 02 viên ma túy mà C đặt mua riêng để C sử dụng, C sử dụng hết số ma túy riêng của mình. Sau đó A, B, C lại đến phòng trọ của E, G, mang số ma túy còn lại để tổ chức sử dụng tiếp. Trong trường hợp này liệu có thể áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và “ đối với 02 người trở lên” với C hay không khi lần đầu tiên C tự sử dụng 02 viên ma túy đặt riêng của mình. Các đối tượng có lập nhóm Zalo nhằm phân công, bàn bạc để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, việc A không đến không thông báo cho B và C. A có hứa góp 1.000.000 đồng để B mua ma túy nhưng chưa trả tiền cho B, tương tự hai tình tiết này có thể áp dụng với A hay không (A có bàn bạc và hứa góp tiền mua ma túy nhưng chưa trả cho B trên thực tế; A có thỏa thuận, bàn bạc với B, C về việc chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sử dụng ma túy). Đồng thời, hành vi tự sử dụng lượng ma túy riêng của C có cấu thành tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” hay không. Về việc áp dụng các tình tiết theo quy định của Bộ luật Hình sự đối với các đối tượng, cơ quan tiến hành tố tụng đã có những quan điểm khác nhau, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn trong trường hợp này.
Thứ ba, trong nhiều vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, các đối tượng thường bị tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” theo điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, việc cá thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng lại là vấn đề rất khó khăn. Mặc dù tòa áp dụng tình tiết “phạm tội có tổ chức” trong vụ án, các đối tượng cũng có sự phân công, thỏa thuận, chuẩn bị phương tiện, địa điểm để tổ chức sử dụng nhưng việc xác định đối tượng nào có vai trò chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào có vai trò thực hành tích cực, đối tượng nào có vai trò giúp sức thì lại gặp khó khăn. Tòa án phải xem xét rất kỹ các tình tiết phạm tội để cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Rất nhiều nơi cơ quan tiến hành tố tụng lượng khung, lượng hình người phạm tội căn cứ vào việc đối tượng nào thực hiện nhiều việc hơn, tích cực hơn, từ đó xác định trách nhiệm sẽ nặng hơn. Trong khi đó, tại các văn bản hướng dẫn mà tác giả nghiên cứu chưa hướng dẫn cụ thể thế nào là đối tượng chỉ huy, cầm đầu, thế nào là đối tượng thực hành, thế nào là đối tượng giúp sức. Một điều rất quan trọng trong vụ án về tội này là phải xác định cụ thể, cá biệt từng đối tượng có vai trò gì. Việc không cá thể hóa được trách nhiệm hình sự của các đối tượng trong nhóm tội phạm sẽ rất dễ phát sinh việc kháng cáo của các đối tượng, gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan tố tụng, làm vụ án bị kéo dài gây ảnh hưởng chung tới tiến độ giải quyết của cả vụ án.
Thứ tư, trong nhiều vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an bắt quả tang, sau khi khám xét thì ngoài lượng ma túy các đối tượng đã sử dụng còn lại một lượng ma túy, vậy đối với lượng ma túy này thì có truy cứu các đối tượng thêm tội “tàng trữ trái phép chất ma túy” hay sẽ thu hút vào tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” với căn cứ các đối tượng chắc chắn sẽ sử dụng hết nếu cơ quan công an không bắt quả tang.
Đề xuất giải pháp
Theo tác giả, cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn theo hướng vẫn tịch thu khoản tiền hứa góp để mua ma túy cho dù việc trả tiền chưa diễn ra trên thực tế, nhưng đối tượng được cử mua ma túy phải căn cứ vào số tiền đó mới có thể mua ma túy được; việc trả tiền hay không trả tiền là do ý thức chủ quan của các đối tượng, việc tịch thu khoản tiền “hứa” góp này là có căn cứ và không ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người phạm tội.
Cơ quan có thẩm quyền cũng cần hướng dẫn áp dụng hai tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” và “đối với 02 người trở lên” có được phép áp dụng trong trường hợp mà tác giả nêu tại vướng mắc thứ hai hay không, việc đối tượng tự sử dụng ma túy đặt mua riêng thì có cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy hay không để cơ quan cấp dưới có cơ sở áp dụng thống nhất.
Trong thời gian tới, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn về tình tiết “phạm tội có tổ chức”, đặc biệt là trong vấn đề cá thể hóa vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, để cơ quan cấp dưới có cơ sở pháp lý vững chắc để áp dụng.
Đối với lượng ma túy thu giữ tại hiện trường, theo tác giả thì chắc chắn lượng ma túy này nếu cơ quan công an không bắt quả tang các đối tượng sẽ sử dụng hết, do đó nên xác định đây là tang vật của vụ án “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, từ đó tính lượng ma túy tổng gồm lượng ma túy đã sử dụng và chưa sử dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.
PHẠM VĂN PHIẾM
TAND huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông