/ Kết nối
/ Nón lá sen – sản phẩm lưu niệm độc đáo xứ Huế

Nón lá sen – sản phẩm lưu niệm độc đáo xứ Huế

04/07/2021 07:36 |3 năm trước

(LSVN) - Từ lâu hình ảnh hoa sen, lá sen đã trở nên hết sức thân thuộc đối với người dân Việt Nam và là nguồn cảm hứng vô tận cho mạch nguồn sáng tạo thi ca và nghệ thuật. Nếu như hoa sen là một hình tượng lớn trong văn học nghệ thuật dân tộc thì chiếc lá sen cũng có đời sống riêng của nó. Lá sen không những đi vào thơ cả mà còn đi vào cả nghệ thuật ẩm thực, Đông Y và tạo hình. Sau đây là câu chuyện về một thanh niên ở Cố đô Huế tìm tòi một ứng dụng cho lá sen với việc cho ra đời một sản phẩm lưu niệm mới của Huế: “Nón lá sen”.

Để làm ra một chiếc nón lá sen thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ.

Anh Nguyễn Thanh Thảo (phường Hương Sơ, TP. Huế), tốt nghiệp khoa đồ họa, Đại học nghệ thuật Huế, hiện đang sinh sống bằng nghề vẽ Tranh bút lửa tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (TP. Huế). Thảo cho biết, ý tưởng về nón lá sen bắt nguồn từ những bức tranh lá sen. Khi đi hái lá sen thì mình phát hiện ra những lá sen có thể tạo thành hình chiếc nón. Bắt đầu từ đó mình về triển khai xử lý lá sen như thế nào cho hoàn chỉnh để cho ra một chiếc nón lá sen như ngày hôm nay. Và Thảo bắt tay vào làm mới hơn 15 ngày để làm món lưu niệm mang bản sắc Huế dành tặng các nghệ sĩ “xứ kim chi” trong cuộc giao lưu văn hóa Việt – Hàn tại Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ vừa qua tại TP. Huế.

Phải mất nhiều thời gian thử nghiệm, chàng thanh niên 33 tuổi Nguyễn Thanh Thảo, cựu sinh viên Khoa đồ họa tạo hình Trường Đại học nghệ thuật Huế mới thành công với việc tạo độ bền cho lá sen để lá sen hiện diện trên lớp lợp ngoài cùng của chiếc nón Huế. 

Chàng trai Nguyễn Thanh Thảo cùng tác phẩm nón lá sen của mình.

Từ chiếc lá sen bình thường, Thảo xử lý lá qua các công đoạn: ủ lá bằng nước javel, phơi khô, ủi lá để cho ra một chiếc lá sen đáp ứng khâu chằm nón. Bàn tay khéo léo của những người thợ làng nón truyền thống Đốc Sơ, Huế càng góp thêm sự tinh tế của chiếc nón lá sen độc đáo.

Chị Hồ Thị Bé (Thợ chằm nón Làng nón Đốc Sơ, phường Hương Sơ, TP Huế) tâm sự, so với nón truyền thống thì làm chiếc nón này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn. Cái lá sen này rất là khó cho nên mình phải làm kỹ lưỡng hơn và chậm hơn cái nón kia

Nón là sen của anh Nguyễn Thanh Thảo đã đạt được nhiều giải thưởng. Và nhiều lần được trưng bày tại gian hàng của lễ hội Festival.

Với một lớp sơn bóng bảo vệ, sau khi phơi dưới nắng lần cuối, chiếc nón lá sen đã hoàn thành. Những đường vân đa dạng, độc đáo của lá sen chạy khắp thân nón đem lại sự thú vị cho người dùng. Chiếc lá sen phủ lên nón mang theo trọn vẹn hồn dân tộc, trở thành sản phẩm thủ công tinh tế dành tặng du khách khi đến Huế.

Anh Nguyễn Thanh Thảo cho biết thêm, mình muốn làm một chiếc nón lá sen là để Huế có thêm một sản phẩm mới lạ và cũng để quảng bá hình ảnh Huế cho du khách trong nước và nước ngoài.

Ngoài nón lá, từ những lá sen anh Thảo còn tạo ra nhiều sản phẩm khác mang tính thẩm mỹ cao.

Ông Trần Văn Tuân (người dân phường Hương Sơ, TP. Huế), ý tưởng đưa ngọn lá sen vào trong chiếc nón là một cái rất mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong những lúc nhàn rỗi, từ đó có thêm thu nhập.

Trong cuộc giao lưu văn hóa Việt – Hàn tại Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ vừa qua tại Huế, những chiếc nón lá sen của Nguyễn Thanh Thảo là những món lưu niệm mang bản sắc Huế dành tặng các nghệ sĩ “xứ kim chi”. Từ một ý tưởng bay bổng dẫn đến một sản phẩm thủ công mới, Nguyễn Thanh Thảo dự định tiếp tục đưa lá sen vào những chiếc đèn ngủ, lọ hoa mang bản sắc sáng tạo riêng của người nghệ sĩ xứ Huế.

                                                                  XUÂN TRƯỜNG

Một số vấn đề pháp lý xung quanh hoạt động của các sàn ngoại hối trái phép

Lê Minh Hoàng