/ Thư viện pháp luật
/ Phối hợp trong giai đoạn xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

Phối hợp trong giai đoạn xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi

26/01/2023 13:25 |

(LSVN) – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tịch đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Trong đó, quy định rõ về phối hợp trong giai đoạn xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, về phối hợp chuyển, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng, Viện Kiểm sát bàn giao hồ sơ vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và bản cáo trạng cho Tòa án để xét xử sơ thẩm theo quy định tại Điều 244 và Điều 276 của Bộ luật Tố tụng hình sự, thông tin cho Tòa án để bố trí, sắp xếp thời gian, tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, kịp thời.

Khi bàn giao hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát chuẩn bị đầy đủ các tài liệu chứng cứ, hoàn thiện các thủ tục tố tụng để bàn giao hồ sơ cho Tòa án. Nếu hồ sơ vụ án chưa đầy đủ (như chưa giao được cáo trạng cho bị can, chưa có bản thống kê vật chứng, thiếu danh sách những người cần triệu tập đến phiên tòa) hoặc sắp xếp tài liệu không đúng trình tự so với bảng kê tài liệu, vật chứng; đánh số bút lục nhầm lẫn, thì Tòa án yêu cầu Viện Kiểm sát bổ sung, khắc phục ngay.

Phối hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Phối hợp trong việc trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung: Việc phối hợp giữa Tòa án và Viện Kiểm sát khi phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể trao đổi với Viện Kiểm sát về các tài liệu, chứng cứ, vật chứng kèm theo (nếu có) để làm rõ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự trước khi quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hạn chế tối đa việc phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc đến phiên tòa mới trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Phối hợp trước khi mở phiên tòa:

- Tòa án ghi rõ trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hình thức tổ chức phiên tòa tại phòng xử án hình sự thông thường hay phòng xử án giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên để Kiểm sát viên chuẩn bị trang phục phù hợp khi tham gia phiên tòa;

- Trường hợp Viện Kiểm sát đề nghị triệu tập bị hại đến phiên tòa thì Tòa án xem xét quyết định việc triệu tập đến phiên tòa. Nếu buộc phải triệu tập bị hại có mặt tại phiên tòa thì bố trí phòng xử án phù hợp hoặc phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo tại phiên tòa; xem xét, đề nghị bác sĩ, chuyên gia tâm lý hỗ trợ bị hại, áp dụng các biện pháp bảo vệ bị hại tại phiên tòa;

- Trường hợp Viện Kiểm sát cần đề nghị nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hoặc công khai một số tài liệu, chứng cứ bằng dữ liệu điện tử tại phiên tòa trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi thì phải trao đổi với Tòa án để bố trí phương tiện, kỹ thuật phục vụ tại phiên tòa phù hợp với điều kiện thực tế của Tòa án.

Phối hợp khi xét xử sơ thẩm tại phiên tòa

Theo Điều 23 Thông tư, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khi tham gia phiên tòa phải thực hiện theo quy định của Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/09/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2018), Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định về phòng xử án.

Trường hợp thấy cần thiết phải công bố công khai tại phiên tòa các chứng cứ, tài liệu là dữ liệu điện tử, công bố lời khai đã được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện việc công bố. Việc công bố tài liệu, chứng cứ công khai tại phiên tòa được thực hiện khách quan, đúng pháp luật.

HỒNG HẠNH

Người dân có được giữ lại sổ hộ khẩu làm kỷ niệm?

Bùi Thị Thanh Loan